- Biến chủng COVID-19 mới tại Ấn Độ gây tử vong cao gấp 15 lần
- Nhìn lại 10 ngày Ấn Độ nếm trải “sóng thần” COVID-19
Tính quy mô dân số thì nước này sẽ sớm vượt Mỹ nếu tình hình chống dịch không có chuyển biến. Mỗi ngày, thống kê chính thức ghi nhận hơn 3.000 người chết vì COVID-19 ở Ấn Độ.
Giữa tâm bão
Làn sóng COVID-19 đang tàn phá Ấn Độ với mức độ khủng khiếp chưa từng có kể từ khi đại dịch này bùng phát. Tình trạng cạn kiệt nguồn cung oxy khiến gia đình các bệnh nhân COVID-19 phải chạy hết bệnh viện này đến bệnh viện kia với hy vọng giành giật sự sống cho người thân của mình. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, sau tất cả những nỗ lực chỉ là cảnh tang tóc, đau thương.
Network Capital, một nhóm chuyên bàn chuyện kinh doanh với hơn 67.000 thành viên trên Facebook, bình thường chỉ tập trung vào việc cung cấp cho cộng đồng của mình thông tin về vị trí việc làm, giáo dục đại học và nghề nghiệp. Gần đây, trên nhóm này đã tràn ngập các bài đăng tìm kiếm giường bệnh, oxy và thuốc men khi đợt COVID-19 thứ hai quét qua Ấn Độ. Các thành viên của nhóm, hầu hết là người Ấn có chuyên môn, đã nhanh chóng phản hồi những lời kêu cứu.
Việc cho phép các hoạt động tập thể, tụ tập đông người ở Ấn Độ góp phần gây ra tình trạng hiện tại. |
Network Capital không phải là nhóm duy nhất đang nỗ lực kết nối và hỗ trợ người khác trong dịch COVID-19 ở Ấn Độ. Trong vài tuần qua, khi cuộc khủng hoảng dịch bệnh ở Ấn Độ ngày càng trầm trọng, các nền tảng mạng xã hội như Twitter, Facebook, WhatsApp, Instagram hoặc LinkedIn đã trở thành phao cứu sinh cho hàng triệu người. Một số thậm chí còn tìm được sự trợ giúp cho bạn bè bằng ứng dụng hẹn hò Tinder.
Cuộc khủng hoảng ở Ấn Độ có thể thấy rõ nhất qua thực trạng ở các bệnh viện và các lò hỏa thiêu. Trong khi các bệnh viện quá tải, không đủ giường cũng như trang thiết bị y tế, thuốc men để tiếp nhận bệnh nhân, các lò hỏa thiêu cũng chồng chất các thi thể, các nghĩa trang ở New Delhi sắp không còn chỗ trống.
Ở nghĩa trang Bhadbhada Vishram Ghat của thành phố, các công nhân cho biết chỉ trong ngày 24-4, họ đã hỏa thiêu hơn 110 thi thể, mặc dù số liệu của chính phủ nói rằng hôm đó chỉ có 10 người tử vong vì COVID-19 trong thành phố.
“Virus này giống như quái vật nuốt chửng người dân của thành phố... Cảm giác như chúng tôi đang ở giữa chiến trường”, Mamtesh Sharma, một quản lý tại nhà hỏa táng cho biết. Thi thể chuyển về nhà hỏa táng này với số lượng nhiều chưa từng có khiến họ buộc phải bỏ qua các nghi thức truyền thống.
Mohammad Shameem, một người đào huyệt tại nghĩa trang Hồi giáo lớn nhất New Delhi, cho hay hiện giờ số thi thể chuyển đến nhiều hơn cả năm ngoái. Để chiến đấu với tử thần, giờ đây cả bệnh viện và bệnh nhân tìm cách mua các trang thiết bị y tế thiếu hụt thông qua thị trường chợ đen. Tình cảnh hiện nay trái ngược với tuyên bố hồi tháng 1 của Thủ tướng Narendra Modi rằng Ấn Độ đã chiến thắng COVID-19 và thể hiện Ấn Độ là “tủ thuốc của thế giới” với ngành sản xuất vaccine.
Cơ sở hạ tầng y tế tại Ấn Độ đang chịu sức ép lớn. |
Vì đâu nên nỗi?
Các chuyên gia y tế cho rằng, Ấn Độ đã có cả một năm dài chuẩn bị để đối phó, ngăn chặn làn sóng COVID-19, nhưng Ấn Độ đã không làm. Họ cho rằng có 4 nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng hiện nay.
Thứ nhất là virus biến thể kép. Một ý kiến cho rằng làn sóng COVID-19 hiện nay của Ấn Độ có nguyên nhân là do các biến thể có khả năng lây nhiễm cao của virus COVID-19. Cái gọi là biến thể kép hoặc biến thể B1617 đã nhận được sự chú ý đáng kể, mặc dù các nhà virus học lưu ý rằng nó dường như không phải là chủng virus nổi trội trên toàn quốc và không có nơi nào gần đủ mẫu virus để xác định rõ ràng nguyên nhân.
Các biến thể virus của Vương quốc Anh đang lây lan ở các vùng của Ấn Độ, cũng như các biến thể khác vẫn chưa được nghiên cứu chính xác. Dự đoán tốt nhất của các nhà dịch tễ học là chúng có khả năng lây lan cao hơn so với các chủng virus đã lây trong nước vào năm ngoái.
Thứ hai là nguyên nhân tới từ hệ thống chính trị. Nhiều mối quan tâm hoặc lo ngại đã xuất hiện ở Ấn Độ kể từ ít nhất là vào tháng 12 năm ngoái, khi các ca bệnh đang giảm, vì vậy chúng khó có thể là yếu tố duy nhất thúc đẩy đợt bùng phát mới này. Ấn Độ đã nới lỏng phần lớn các biện pháp cách ly và giãn cách xã hội vào tháng 3 - một quyết định hiện được coi là một đánh giá sai lầm sâu sắc về chính trị.
Số ca mắc COVID-19 ở Ấn Độ bắt đầu giảm mạnh từ tháng 9. Đó có thể là một cơ hội để củng cố hệ thống chăm sóc sức khỏe của quốc gia và xây dựng cơ sở hạ tầng tiêm chủng trước làn sóng thứ hai lớn hơn mà các quốc gia khác đã chứng kiến và là điều mà nhiều nhà khoa học cảnh báo là không thể tránh khỏi.
Thay vào đó, Ấn Độ cho phép tiến hành các cuộc vận động bầu cử, tổ chức các trận đấu cricket, tổ chức sự kiện Kumbh Mela - một trong những cuộc tụ họp lớn nhất trên thế giới, thu hút hàng triệu người hành hương đến sông Hằng trong vài tuần.
Đối với nhiều người Ấn Độ, sống trong những khu ổ chuột đông đúc hoặc buộc phải làm việc để tồn tại, việc giãn cách xã hội là điều không thể. Tuy nhiên, những người khác, đặc biệt là những người thuộc tầng lớp trung lưu ở các thành phố lớn hơn, đã có thể thực hiện các biện pháp phòng ngừa COVID-19 vào năm ngoái để giúp làm chậm sự lây lan của virus.
Gia đình bệnh nhân cố gắng đưa người thân của mình tới các bệnh viện để chữa trị. |
Dù vậy, nhận được tín hiệu từ giới lãnh đạo, nhiều người Ấn Độ đã từ bỏ các biện pháp này trong suốt tháng 2 và tháng 3, quay trở lại các nhà hàng, thẩm mỹ viện và trung tâm thương mại. Đối với một số người, đây là một quyết định chết người.
Thứ ba là việc cơ sở hạ tầng y tế yếu kém gây khó khăn cho công tác điều trị, chăm sóc bệnh nhân. Ấn Độ có nhiều bệnh viện và chuyên gia y tế giỏi nhưng hệ thống chăm sóc sức khỏe nhà nước của nước này là một trong những hệ thống được tài trợ kém nhất trên thế giới, chỉ ở mức hơn 1% GDP. Cứ 1.000 người dân thì có ít hơn một bác sĩ, con số này còn giảm hơn nữa ở các vùng nông thôn và các bang nghèo hơn.
Kết quả là một hệ thống y tế mong manh khiến các bệnh viện có ít giường bệnh hơn mức cần thiết, trong khi nguồn cung cấp thiết bị y tế, thuốc và oxy không thể chịu tải nổi trước số lượng ca bệnh tăng cao. Điều đó cũng có nghĩa là hệ thống y tế ít có khả năng theo dõi quy mô của đại dịch. Ở các vùng nông thôn, hầu hết mọi người được cho là chết tại nhà, nguyên nhân tử vong của họ không được khai báo.
Thứ tư là do thiếu hụt vaccine. Ấn Độ tham gia phòng, chống đại dịch với tư cách là nhà sản xuất vaccine lớn nhất thế giới. Nước này tiếp tục sản xuất hơn 80 triệu liều mỗi tháng nhưng hiện đang bị Trung Quốc và Mỹ bỏ xa, những nước đã đầu tư đáng kể vào sản xuất của họ vào năm ngoái. Ngược lại, Ấn Độ đang rơi vào tình trạng thiếu hụt, mặc dù việc tiêm vaccine ở Ấn Độ chậm hơn dự kiến.
Nhưng, do quy mô quá rộng, việc tiêm vaccine để thoát khỏi đại dịch là điều nằm ngoài tầm với của Ấn Độ. Tính đến ngày 24-4, đã có khoảng 1 tỉ liều vaccine COVID-19 được sử dụng trên toàn thế giới. Nếu từng loại một trong số đó được sử dụng ở Ấn Độ và giả sử là vaccine 2 liều (Johnson & Johnson là vaccine 1 liều duy nhất cho đến nay) thì tổng số vaccine này chỉ đủ để tiêm chủng cho khoảng 500 triệu người Ấn Độ - bỏ lại khoảng 400 triệu người trưởng thành vẫn đang chờ được tiêm.
Những hệ quả khó lường trên chính trường Ấn Độ
Việc phản ứng chậm chạp của Chính phủ Ấn Độ khiến lòng tin của người dân vào ông Modi và đảng Bharatiya Janata (BJP) cầm quyền bị suy giảm nghiêm trọng.
Hồi tháng 3, khi đợt dịch chết chóc đã nhen nhóm, nhiều lãnh đạo bang thuộc đảng BJP lên báo trấn an người hành hương rằng mọi thứ đều “an toàn” và “sạch sẽ”. “Không ai sẽ bị ngăn cản nhân danh COVID-19, vì chúng ta tin chắc niềm tin vào Chúa sẽ vượt qua nỗi sợ virus” - Thủ hiến bang Uttarakhand tuyên bố như thế ngày 20-3.
Mãi cho đến giữa tháng 4, Thủ tướng Narendra Modi mới chịu lên tiếng kêu gọi người dân tham gia hành hương một cách “tượng trưng” thôi để ngăn dịch. Nhưng, đã quá trễ.
Các nhà hỏa thiêu tại Ấn Độ đang quá tải. |
Khi toàn thế giới sốc trước số liệu COVID-19 ở Ấn Độ, đảng cầm quyền Bharatiya Janata lại lên Twitter đăng video Thủ tướng Modi đi... vận động bầu cử, bên cạnh ông là Bộ trưởng Nội vụ Amit Shah. Dư luận đặt câu hỏi tại sao họ không ở thủ đô điều phối chống dịch. Chỉ sau khi làn sóng chỉ trích dâng cao, Thủ tướng Modi ngày 22-4 mới thông báo hủy cuộc vận động bầu cử ở Tây Bengal để họp khẩn với các bộ trưởng.
Từ tháng 1-2021, ông Modi liên tục tổ chức các sự kiện vận động chính trị ở nhiều bang và cho phép các lễ hội tôn giáo như Kumbh Mela diễn ra. Là đất nước xuất khẩu vaccine đi khắp nơi nhưng ông không lên tiếng trấn an người dân hay khuyến khích họ đi tiêm phòng.
Nguy cơ đảng cầm quyền của Thủ tướng Modi thất cử không phải không thể xảy ra. Điều này được tái khẳng định sau khi kết quả bầu cử tại bang quan trọng Tây Bengal được công bố hôm 2-5. Đảng Trinamool Congress của Thủ hiến Tây Bengal Mamata Banerjee đã giành hơn 200 trong 294 ghế tại bang này, đánh bại đảng BJP của Thủ tướng Narendra Modi. Thất bại của BJP ở Tây Bengal dường như cũng phản ánh nỗi bất bình của người dân với chính quyền Thủ tướng Modi. Giới quan sát cho rằng COVID-19 sẽ kéo theo những sóng gió không nhỏ trên chính trường Ấn Độ.
Đỗ TiếnXem thêm: /620046-91-DIVOC-iov-gnouc-yauq-oD-nA/gtna-naul-hniB-neik-uS/nv.moc.dnac.gtna