Ngày 6-5, ông Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang cho biết, từ đầu vụ đến nay, công tác chỉ đạo sản xuất vải thiều phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu được triển khai sớm, chủ động, các trà vải đến nay đều sinh trưởng phát triển tốt, các đối tượng sâu bệnh được phát hiện sớm và phòng trừ kịp thời.
Dự báo sản lượng vải thiều năm 2021 sẽ vượt 180.000 tấn, tăng 15.000 tấn so với năm 2020, trong đó dự kiến 50% xuất khẩu, 50% phục vụ cho thị trường nội địa.
Cụ thể, nhằm đáp ứng yêu cầu thị trường Trung Quốc, năm 2021 Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo tiếp tục duy trì 149 mã số vùng trồng tại bốn huyện (Tân Yên, Yên Thế, Lục Nam, Lục Ngạn), với sản lượng ước đạt 95.000 tấn.
Về mã cơ sở đóng gói, tổng số cơ sở đóng gói đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm đáp ứng theo yêu cầu của thị trường Trung Quốc đến nay là 300 cơ sở.
Vùng sản xuất để xuất khẩu vải sang Mỹ, ÚC... đạt 1.850 tấn
Đối với thị trường Nhật Bản, năm 2021, tổng số diện tích vùng vải thiều để phục vụ xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản là 219,45 ha, với 30 mã số vùng trồng, sản lượng khoảng 1.860 tấn.
Đối với thị trường Mỹ, EU, Úc, năm 2021 tiếp tục duy trì 18 mã số vùng trồng, diện tích là 218 ha tại sáu xã huyện Lục Ngạn; sản lượng 1.850 tấn.
Theo ông Tấn, về công tác xúc tiến tiêu thụ vải thiều ngay từ đầu vụ Sở Công Thương đã giao Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại làm việc trực tuyến để trao đổi, thông tin với các cơ quan Tham tán thương mại tại nước ngoài.
Đặc biệt là cơ quan Tham tán tại Quảng Tây, Vân Nam-Trung Quốc, Úc, Singapore, Nhật Bản... đẩy mạnh các hoạt động giới thiệu, xúc tiến tiêu thụ vải thiều. Đến nay các cơ quan Tham tán thương mại đã phản hồi nhất trí hỗ trợ.
Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại đã trao đổi, cung cấp thông tin để Tổng Lãnh sự quán tại Vân Nam và Quảng Tây, Trung Quốc quảng bá giới thiệu, thúc đẩy các hoạt động tiêu thụ vải thiều trên mạng trực tuyến yunnan.cn, Alibaba.com trong các hoạt động kỷ niệm năm năm thành lập cơ chế hợp tác Mê Kông-Lan Thương...
Nhân viên văn phòng mua trái vải qua một app
Bên cạnh đó, Sở đã giao Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại nghiên cứu xúc tiến thương mại điện tử, quảng bá và kết nối trực tuyến với các kênh phân phối thông qua internet.
Thực hiện trao đổi thông tin trực tuyến về mùa vụ, sản lượng, chất lượng, nhu cầu tiêu thụ, khả năng cung ứng ra thị trường thông qua tin nhắn SMS, các diễn đàn trực tuyến, các mạng xã hội zalo, youtube, facebook...
“chúng tôi sẽ chủ động bám sát tình hình biến động dịch COVID-19, sản lượng, giá cả, thị trường…để kịp thời có những giải pháp tham mưu UBND tỉnh có những chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người trồng trong sản xuất, thu mua và tiêu thụ vải thiều” - ông Tấn chia sẻ.
Theo Sở Công Thương Bắc Giang, UBND tỉnh đã có công văn gửi Thủ tướng đề nghị cho phép thương nhân Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam thu mua vải thiều tại tỉnh Bắc Giang.
Công văn cho biết để chuẩn bị các điều kiện phục vụ tiêu thụ vải thiều, UBND tỉnh Bắc Giang đã sớm phê duyệt kế hoạch xúc tiến tiêu thụ vải thiều. Tuy nhiên, do dịch COVID- 19 ảnh hưởng lớn đến các kịch bản tiêu thụ vải thiều của tỉnh Bắc Giang, nhất là thị trường xuất khẩu, thương nhân Trung Quốc khó khăn trong việc nhập cảnh, khảo sát, đàm phán và thu mua vải thiều.
Để hỗ trợ tỉnh Bắc Giang, UBND tỉnh trân trọng đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép khoảng 190 thương nhân Trung Quốc được phép nhập cảnh vào Việt Nam, qua cửa khẩu Hữu Nghị tỉnh Lạng Sơn, cửa khẩu Lào Cai để đến tỉnh Bắc Giang khảo sát, đàm phán và thu mua vải thiều kể từ ngày 8-5.
Vải chín sớm dự kiến thu hoạch từ ngày 10-5 đến 10-6; vải chính vụ thu hoạch từ ngày 10-6 đến 20-7. Vải sớm sản lượng 45.000 tấn; vải chính vụ ước đạt 134.500 tấn; vải sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap ước đạt 125.000 tấn. |