vĐồng tin tức tài chính 365

Tăng vốn mạnh - ngân hàng chấp nhận mạo hiểm hơn?

2021-05-07 09:04

Tăng vốn mạnh - ngân hàng chấp nhận mạo hiểm hơn?

Thụy Lê

(KTSG) - Hơn 100.000 tỉ đồng là vốn điều lệ dự kiến tăng thêm của các ngân hàng nội địa trong năm 2021, đánh dấu kế hoạch tăng mạnh nhất từ trước đến nay, trong đó chỉ riêng năm ngân hàng có kế hoạch tăng lớn nhất đã chiếm gần 50%. Kế hoạch trên, nếu thành công sẽ giúp các ngân hàng tăng cường nội lực tài chính, nhưng cũng có thể khiến các ngân hàng chấp nhận kinh doanh mạo hiểm hơn.

SCB cũng có kế hoạch tăng vốn thêm 5.000 tỉ đồng. Ảnh: HOÀNG TÂN

Cuộc đua tăng vốn

Vietcombank đứng đầu với kế hoạch tăng vốn điều lệ nhiều nhất với 12.900 tỉ đồng, lên mốc 50.000 tỉ đồng. Nếu thành công, ngân hàng này sẽ vượt qua BIDV và VietinBank để trở thành ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất vào cuối năm nay. Đáng lưu ý là cả VietinBank và BIDV cũng có kế hoạch tăng vốn khủng trong năm nay, lần lượt là 10.800 tỉ đồng và 8.300 tỉ đồng, xếp thứ 2 và thứ 4 về mức tăng, lên 48.000 tỉ đồng và 48.500 tỉ đồng, tiếp tục nằm trong tốp 3 ngân hàng có quy mô vốn điều lệ cao nhất.

Việc tăng vốn mạnh sẽ giúp nâng cao năng lực tài chính cho các ngân hàng, nhưng kèm theo đó là cổ phiếu bị pha loãng, hệ quả tất yếu sẽ ảnh hưởng lên các tỷ số sinh lời và hệ số định giá của các ngân hàng.

Trong nhóm ngân hàng thương mại cổ phần ngoài quốc doanh, MBBank đặt kế hoạch tăng cao nhất là 10.700 tỉ đồng, con số này chỉ thấp hơn hai ngân hàng quốc doanh là Vietcombank và VietinBank. 

Nếu thành công, MBBank cũng sẽ vượt qua Techcombank để vươn lên vị trí thứ 4 về quy mô vốn điều lệ, và trở thành ngân hàng ngoài quốc doanh có vốn lớn nhất vào cuối năm nay. ACB xếp thứ 5 về mức tăng với 5.400 tỉ đồng, để vượt qua VPBank lên xếp vị trí thứ 7.

Các ngân hàng khác có kế hoạch tăng khá cao gồm SCB và LienVietPostBank đều tăng 5.000 tỉ đồng; VIB dự kiến tăng 4.900 tỉ đồng; SeABank tăng 4.500 tỉ đồng; HDBank tăng 4.000 tỉ đồng và SHB tăng 3.800 tỉ đồng. Theo đó, SHB, SCB và HDBank có thể vượt qua Sacombank nếu như Sacombank trong năm nay không thể sử dụng 6.500 tỉ đồng lợi nhuận giữ lại để tăng thêm vốn theo đề xuất gần đây.

Xét theo mức tăng tương đối, Ngân hàng Nam Á dự kiến tăng cao nhất là 92%, tương ứng tăng thêm 4.100 tỉ đồng, Quốc Dân tăng 71%, tương ứng 2.900 tỉ đồng; kế tiếp ABBank với mức tăng gần 65% tương ứng 3.700 tỉ đồng. Các vị trí tiếp theo lần lượt là LienVietPostBank tăng 46%, VIB tăng 44%, MBBank tăng 38%, SeABank tăng 37%, Vietcombank tăng 35%, SCB tăng 33%, OCB tăng 32%,...

Bên cạnh những ngân hàng có kế hoạch tăng vốn mạnh, cũng có một số ngân hàng đặt kế hoạch tăng khá thấp dù quy mô vốn điều lệ hiện nay cũng chỉ ở mức khiêm tốn. Đơn cử như VietBank dự kiến tăng chưa đến 600 tỉ đồng, Bắc Á tăng gần 450 tỉ đồng, Kiên Long tăng 416 tỉ đồng, SaiGonBank tăng 154 tỉ đồng; thậm chí có những ngân hàng không có kế hoạch tăng vốn trong năm nay.

Động lực tăng vốn

Đáng lưu ý là các nhà đầu tư nước ngoài cũng đang quan tâm trở lại đối với ngành tài chính Việt Nam.

Hiện tại đang có khá nhiều yếu tố thuận lợi thúc đẩy các ngân hàng nỗ lực tăng vốn. Đầu tiên là bối cảnh thị trường chứng khoán vẫn đang có triển vọng tăng trưởng tích cực, nhất là khi sau khi chỉ số VN-Index vượt mốc kháng cự nhiều năm qua tại 1.200 điểm.

Được xem là cổ phiếu vua và chiếm tỷ trọng lớn trong chỉ số chung, theo đó cổ phiếu ngân hàng thường xuyên thu hút dòng tiền đổ vào mạnh mẽ mỗi khi thị trường có diễn biến tích cực.

Yếu tố quan trọng thứ hai là nhiều ngân hàng đã trải qua một năm 2020 và quí 1 năm nay tăng trưởng mạnh về lợi nhuận, trong đó có những ngân hàng ghi nhận lợi nhuận cao nhất từ trước đến nay, nhờ biên lãi suất được mở rộng cũng như nguồn thu nhập phi lãi tăng trưởng mạnh đóng góp lớn vào kết quả kinh doanh. Do đó, các ngân hàng này có điều kiện chia cổ tức bằng cổ phiếu cho cổ đông từ nguồn lợi nhuận giữ lại rất lớn đã tích lũy trong các năm qua để phục vụ mục tiêu tăng vốn. Ngoài ra, các ngân hàng gốc quốc doanh còn có thêm chính sách tháo gỡ để được tăng vốn từ nguồn ngân sách nhà nước.

Đáng lưu ý là các nhà đầu tư nước ngoài cũng đang quan tâm trở lại đối với ngành tài chính Việt Nam. Đơn cử như trong kế hoạch tăng vốn của LienVietPostBank năm nay, ngân hàng này cho biết chuẩn bị bán 4,99% vốn cho nhà đầu tư nước ngoài. Các ngân hàng như Nam Á, Quốc Dân, OCB, SCB hay Bản Việt đều có kế hoạch bán vốn cho đối tác chiến lược nước ngoài trong thời gian tới.

Hay như VPBank, dù năm nay không có kế hoạch chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn, nhưng ngân hàng này mới đây đã bán 49% vốn điều lệ tại Công ty Tài chính Việt Nam Thịnh Vượng (FE Credit) với giá 1,37 tỉ đô la Mỹ cho tập đoàn tài chính Sumitomo Mitsui (SMFG) của Nhật. 

Theo đó, mức định giá để bán FE Credit lên đến 2,8 tỉ đô la. Thương vụ này sẽ giúp VPBank có thêm một nguồn vốn đáng kể cho hoạt động sắp tới. Hay như SHB trong cuộc họp đại hội đồng cổ đông mới đây cũng cho biết việc bán vốn tại SHB Finance đang được thương thảo với 2-3 đối tác nước ngoài, dự kiến hoàn tất trong năm 2021.

Chấp nhận mạo hiểm hơn?

Trước nhu cầu đáp ứng các chỉ tiêu an toàn ngày càng chặt chẽ và tiệm cận hơn với chuẩn quốc tế, việc tăng vốn trong những năm qua cho đến giai đoạn tới luôn là mục tiêu quan trọng của ngành ngân hàng. Từ năm ngoái đến nay, một số ngân hàng Việt Nam đã áp dụng chuẩn Basel 2 thành công, trong khi thế giới đã tiến lên chuẩn Basel 3. Hiện nay cũng đã có một vài ngân hàng trong nước sắp thử nghiệm chuẩn Basel 3.

Việc tăng vốn mạnh sẽ giúp nâng cao năng lực tài chính cho các ngân hàng, nhưng kèm theo đó là cổ phiếu bị pha loãng, hệ quả tất yếu sẽ ảnh hưởng lên các tỷ số sinh lời và hệ số định giá của các ngân hàng. Khi đó, lãnh đạo các tổ chức tín dụng này phải đối mặt với áp lực tăng nhanh lợi nhuận để giữ vững các chỉ số đánh giá hiệu quả, vì vậy có thể buộc phải chấp nhận các chiến lược kinh doanh mạo hiểm hơn với rủi ro cao hơn để có lợi nhuận cao hơn.

Vốn tăng nhanh cũng có thể làm tăng mức độ thừa vốn và buộc các ngân hàng phải tìm cách đẩy vốn ra, thông qua hoạt động cho vay hoặc góp vốn đầu tư vào các lĩnh vực khác. Từ đầu năm đến nay có thể thấy không ít ngân hàng đã giảm mạnh lãi suất cho vay để cạnh tranh tín dụng, trong khi tại các cuộc họp đại hội đồng cổ đông gần đây, lãnh đạo nhiều ngân hàng cũng tuyên bố sẽ tiếp tục giảm lãi suất cho vay trong thời gian tới.

Nhìn lại quá khứ, giai đoạn 2005-2007 chứng kiến hàng loạt ngân hàng lên sàn chứng khoán trong bối cảnh thuận lợi, vốn của các ngân hàng này cũng tăng nhanh nhờ các thương vụ phát hành thêm cổ phiếu với số lượng lớn và bán vốn cho đối tác nước ngoài.

Với lượng tiền có được nhờ vốn tăng quá nhanh, các ngân hàng đua nhau tăng trưởng nóng qua hoạt động cho vay dễ dãi và đầu tư góp vốn, mua cổ phần ở nhiều lĩnh vực khác, trong đó một lượng vốn khổng lồ đã chảy vào và mắc kẹt lại ở thị trường bất động sản. Hệ quả sau đó khi nền kinh tế lâm vào khủng hoảng, thị trường nhà đất đóng băng, nợ xấu của nhiều ngân hàng tăng vọt và cho đến nay vẫn chưa thể xử lý hết.

Cuối cùng, việc tăng vốn cũng khiến chênh lệch và sự phân hóa ngày càng mở rộng giữa các ngân hàng. Nếu như 10 năm trước, vốn điều lệ của ngân hàng cao nhất so với ngân hàng thấp nhất chỉ gấp khoảng 7,5 lần, thì nay đã lên tới hơn 16,5 lần. Trong khi những ngân hàng lớn có điều kiện để tiếp tục tăng vốn mạnh, thì những ngân hàng thuộc nhóm nhỏ nhất vẫn gặp không ít chật vật với câu chuyện tăng vốn.

Điều này khiến lợi thế cạnh tranh ngày càng nới rộng khoảng cách, dẫn đến việc các ngân hàng nhỏ luôn phải neo lãi suất huy động cao để thu hút và giữ chân khách hàng, đồng thời chấp nhận cho vay các lĩnh vực, khách hàng rủi ro hơn để duy trì được biên độ sinh lãi.

Xem thêm: lmth.noh-meih-oam-nahn-pahc-gnah-nagn--hnam-nov-gnat/900613/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Tăng vốn mạnh - ngân hàng chấp nhận mạo hiểm hơn?”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools