“Bố lớn tuổi rồi, trên 70 rồi, có sao cũng… chả sao, bây giờ bố đang đá hiệp thứ 14 và có thể là hiệp 15, 16…”, đó là câu nói của HLV Lê Thụy Hải khi trả lời con trai mình mỗi khi nghe con hỏi tình hình sức khỏe của bố.
Ông Lê Thụy Hải là HLV Việt Nam giàu thành tích ở V-League nhất với bốn ngôi vô địch cùng CLB B. Bình Dương. Ở tuổi 76, nhưng ông vẫn lạc quan yêu đời dù trong người mang phải căn mệnh hiểm nghèo.
Ông Lê Thuỵ Hải luôn lạc quan yêu đời cả trên sân bóng lẫn giường bệnh
Những tháng ngày hạnh phúc với bốn chức vô địch cùng B. Bình Dương. Ảnh: XUÂN HUY
Năm 2019 ông dự Lễ Công bố giải Fair Play của báo Pháp Luật TP.HCM sau ca mổ và 13 lần hóa trị. Ông kể: “14 hiệp đấu trong cái không gian yên ắng chỉ nghe tiếp “bip-bip” của thiết bị điện tử và mùi hóa chất của phòng hóa trị mỗi khi vào thuốc. Nó nghiệt ngã và khốc liệt và khốc liệt hơn rất nhiều so với những năm tháng đá bóng trên sân mà tôi phải đối mặt với “đòn rát” của đối phương”.
Hôm ấy các đồng nghiệp của ông như cựu thủ môn Cảng Sài Gòn, Lưu Kim Hoàng, tuyển thủ Hồ Thanh Cang, đàn em Nguyễn Hồng Phẩm nhìn ông Hải vẫn lạc quan yêu đời và cươi rất tươi sau hiệp đấu 14 thì ai cũng mừng.
Thời những năm 1980 chỉ nghe cầu thủ Lê Thụy Hải qua những lần trực tiếp trên sóng phát thanh Đài Tiếng nói Việt Nam với chất giọng của nhà báo Đình Khải và Hoài Sơn… Nay nghe ông kể về trận cầu lịch sử, tôi mạo muội hỏi ông vì sao anh có biệt danh “Hải Lơ” nghe rất “phủi” và cũng rất… khó hiểu thì ông nhỏ nhẹ và nhớ lại thời ngang dọc sân cỏ: “Chuyện là thế này, những năm 1980 khi Tổng cục Đường Sắt thi đấu tại Nha Trang. Tôi bị cầu thủ đội bạn đá rất rát, rất au đến độ gục ngã trên sân phải cáng ra ngoài. Biết tôi đau lắm nhưng vẫn cố trở lại thi đấu mà chỉ chănm chú đến bóng, chẳng thèm phản ứng cũng chẳng thèm né đòn người hay đá đau tôi và cũng chẳng thèm chơi lại nên các đồng đội đặt cho tôi cái tên Hải Lơ”.
Sau hiệp đấu 14 ông đến với Báo Pháp Luật TP.HCM dự Lễ Công Bố Fair Play 2019 và thật lạc quan, vui đua với các phóng viên, ban tổ chức.
Ảnh: HUỲNH TRÍ DŨNG
Và cái tên đó rất đúng với ông bây giờ khi ông còn lơ cả với căn bệnh hiểm nghèo và sống thật lạc quan, thật yêu đời…
Sau hiệp 14 đấy ông về lại Hà Nội và tiếp tục nhiều hiệp đấu khác.
Đầu năm 2021, khi Ban tổ chức giải Fair Play trao danh hiệu “Vinh danh Fair Play” – thành tựu trọn đời cho ông vì những cống hiến lớn và tầm ảnh hưởng với bóng đá Việt Nam thì ông lại trải qua một ca phẫu thuật lớn mà sau này ông tâm sự: “Ca mổ đấy bệnh viện quốc tế đã chê nhưng một bác sĩ thân với gia đình nói rằng nếu mổ thì phần chết lớn hơn phần sống mọi người cân nhắc thế nào. Tôi nói giờ thì sống chết còn nghĩa lý gì và tôi nói gia đình cứ để tôi mổ. Kết quả là thành công và tôi tuy không đi nhận giải được nhưng đã có anh Lưu Kim Hoàng nhận cúp nhận giải thưởng cho tôi. Thật ý nghĩa và thật vinh dự với danh hiệu cuối đời…”.
Trưa 7-5, những người thân trong gia đình thông báo ông Lê Thuỵ Hải đã ra đi và ông đi thật nhẹ nhàng. Có lẽ trong ông vẫn nhớ về những hiệp đấu 15, 16 mà cuộc đời ông dù trên sân cỏ hay trên giường bệnh vẫn cứ luôn nhớ về những hiệp đấu.
Dòng trạng thái của cựu tuyển thủ Vũ Như Thành khi nói về bố Hải thật xúc động và lột tả được về tính cách cũng như cái tâm của ông với bóng đá, với cầu thủ: Tạm biệt Bố.... cuộc đời có người yêu người ghét không ai hoàn hảo cả như câu bố thường nói “Nhân Vô Thập Toàn” nhưng có một điều mãi trong tâm trí con bố là một người đàn ông gai góc và sống rất “Đời” và giàu tình cảm thương yêu dậy dỗ cầu thủ một cách rất đặc biệt. Dù yêu hay ghét nhưng có một điều chắc chắn rằng tất cả luôn phải tôn trọng Bố.
Có những câu Bố nói mà 5, 10 năm sau ngẫm lại mới thấy nó đúng và có ích như thế nào trong bóng đá cũng như trong cuộc sống.
Đời vô thường...
Bố An Nghỉ .....
Ông là thế, ông ra đi nhưng bóng đá Việt Nam và nhất là những học trò vẫn luôn gọi ông bằng Bố luôn nhớ và mang ơn ông.
Đi thanh thản nhé, chúng tôi vẫn nhớ mãi nụ cười lạc quan và yêu đời của ông…