vĐồng tin tức tài chính 365

Cải cách hành chính: cơ quan chức năng quá 15 ngày không trả lời xem như đồng ý

2021-05-08 03:54

Cải cách hành chính: cơ quan chức năng quá 15 ngày không trả lời xem như đồng ý

Lê Hoàng

(KTSG Online) - Lãnh đạo TPHCM chỉ đạo trong khâu cải cách hành chính: Nếu quá 15 ngày làm việc, các cơ quan được lấy ý kiến không trả lời bằng văn bản thì xem như đồng ý và phải chịu trách nhiệm về các nội dung có liên quan.

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong quyết liệt chỉ đạo cải cách hành chính tại hội nghị. Ảnh: PLO

Đây là chỉ đạo quyết liệt của Chủ tịch UBND TPHCM với những người đứng đầu của các cơ quan, đơn vị trong việc chậm giải quyết hồ sơ của doanh nghiệp và người dân tại hội nghị triển khai công tác cải cách hành chính hướng tới xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư của TPHCM vào chiều ngày 7-5.

Cải cách theo tinh thần Chính phủ kiến tạo, phục vụ doanh nghiệp

Dù thời gian qua, thành phố đã có nhiều giải pháp đẩy mạnh cải cách thủ tục hành, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nhưng vẫn còn nhiều hạn chế cần phải khắc phục.

Theo Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, hạn chế lớn hiện nay là hoạt động phối hợp trong giải quyết công việc giữa các cơ quan chuyên môn, các quận - huyện, thành phố Thủ Đức vẫn chưa thông suốt, nhịp nhàng. Tình trạng người dân, doanh nghiệp phải bổ sung hồ sơ nhiều lần vẫn còn xảy ra ở một số cơ quan, đơn vị.

Theo người đứng đầu chính quyền thành phố, TPHCM hiện chưa có chuyển biến mạnh mẽ trong khắc phục tình trạng giải quyết hồ sơ trễ hạn trên lĩnh vực đất đai, đầu tư và lý lịch tư pháp. "Hiện nay vẫn còn 56.632 hồ sơ giải quyết quá hạn, trong đó có 1.689 hồ sơ chưa thực hiện Thư xin lỗi", ông Phong dẫn chứng.

Ảnh hưởng đại dịch Covid-19 khiến lần đầu tiên kinh tế của TPHCM tăng trưởng dưới mức 2%, và lần đầu tiên có trên 32.000 doanh nghiệp giải thể và ngưng hoạt động trong một năm.

Và vẫn còn 19,2% doanh nghiệp, người dân chưa hài lòng với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước. Việc tiếp nhận và trả lời phản ánh của người dân, doanh nghiệp chưa kịp thời, nhất là phản ánh trên hệ thống Cổng 1022 của Thành phố và phản ánh kiến nghị về quy định hành chính. Đến nay còn 14/137 trường hợp (chiếm tỷ lệ 10,2%) phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính chưa được trả lời...

Từ đó, Chủ tịch UBND TPHCM yêu cầu thủ trưởng các cơ quan đơn vị phải quán triệt thật nghiêm một số chỉ đạo trong việc cải cách thủ tục hành chính. Cụ thể, nếu quá 15 ngày làm việc, cơ quan được lấy ý kiến không trả lời bằng văn bản thì xem như đồng ý và phải chịu trách nhiệm về các nội dung có liên quan theo đúng Quy chế làm việc của UBND TPHCM đã ban hành năm 2016.

Việc bị thanh tra, kiểm tra nhiều lần luôn là nỗi sợ hãi của các doanh nghiệp. Do đó, ông Phong chỉ đạo thực hiện thanh tra, kiểm tra theo đúng quy định của pháp luật (không quá một lần/năm). Đáng chú là phải kết hợp thanh tra, kiểm tra liên ngành nhiều nội dung trong một đợt thanh tra, kiểm tra, trừ trường hợp thanh tra, kiểm tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật rõ ràng.

Bên cạnh đó, khi cần yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ thì thông báo một lần bằng văn bản cho doanh nghiệp, nhà đầu tư về toàn bộ các nội dung cần phải sửa đổi, bổ sung đối với mỗi bộ hồ sơ theo đúng tinh thần Nghị quyết số 35 của Chính phủ.

Ông Chủ tịch thành phố cũng chỉ đạo các cơ quan, đơn vị phải đặc biệt quan tâm đến những khó khăn của doanh nghiệp theo tinh thần Chính phủ kiến tạo, phục vụ. Ông cho rằng cải cánh hành chính phải đột phá vào việc giải quyết các khó khăn của doanh nghiệp. Và ông lưu ý, công tác cải cách hành chính của TPHCM phải gắn liền với chuyển đổi số.

Phấn đấu nâng chỉ số PCI vào tốp đứng đầu

Lãnh đạo các sở ngành, quận-huyện ký cam kết thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính và cùng bắt tay cam kết thực hiện tại hội nghị. Ảnh: Lê Hoàng

TPHCM cũng quyết tâm kích thích tăng trưởng bằng hành động quyết liệt trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, trong đó đáng chú ý là phấn đấu vào tốp 5 địa phương đứng đầu cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).

Là đầu tàu kinh tế của cả nước nhưng chỉ số PCI của TPHCM liên tục bị rớt hạng trong những năm qua. Cụ thể chỉ số PCI của TPHCM giai đoạn 2016-2020, thứ hạng đã giảm từ hạng thứ 8 của năm 2016 giảm xuống 14 năm 2020.

Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, TPHCM xác định năm 2021 là “Năm xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư” và đã triển khai nhiều biện pháp cụ thể trong đó có việc nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).

Và vào tháng 4-2021, UBND Thành phố đã có Quyết định 1229/QĐ-UBND về việc ban hành Kế hoạch cải thiện môi trường kinh doanh, môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số PCI của TPHCM giai đoạn 2021 - 2025.

Quyết tâm nâng cao PCI cũng đã được đưa vào Nghị quyết đại hội đảng bộ TPHCM lần thứ XI nhiệm kỳ 2020- 2025: “phấn đấu thành phố nằm trong nhóm 5 địa phương dẫn đầu cả nước về chỉ số PCI và về chỉ số cải cách hành chính (PAR-index)”.

Theo Quyết định 1229, Thành phố đưa ra mục tiêu tiếp tục nâng cao chỉ số PCI hàng năm, kiên quyết khắc phục những hạn chế, yếu kém, đề ra giải pháp tự hoàn thiện để có các bước cải thiện rõ nét hơn về môi trường đầu tư, kinh doanh của Thành phố theo hướng thuận lợi, minh bạch và bình đẳng giữa các thành phần kinh tế; đưa Thành phố vào nhóm các địa phương có chất lượng điều hành kinh tế - xã hội ở nhóm tốt nhất cả nước.

Đồng thời, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh của Thành phố qua từng năm. Từ đó, phấn đấu đến năm 2025 đưa Thành phố trở thành điểm đến hàng đầu trong khu vực về thu hút đầu tư, đổi mới sáng tạo, phát triển khoa học công nghệ và tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, an toàn cho người dân, doanh nghiệp và các nhà đầu tư.

Mặt khác, cải thiện môi trường kinh doanh, môi trường đầu tư theo hướng chuyển đổi số hướng đến phát triển kinh tế số nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh giúp các doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố phát triển bền vững.

Cải thiện ngay chỉ số PCI của Thành phố từ năm đầu nhiệm kỳ, tăng điểm và tăng hạng qua từng năm; phấn đấu giai đoạn 2021 - 2025 đứng trong nhóm 5 địa phương dẫn đầu cả nước về chỉ số PCI.

Theo bà Võ Thị Trung Trinh, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, thời gian tới, TPHCM sẽ đẩy mạnh ứng dụng chữ ký số, hướng tới 100% xử lý văn bản và hồ sơ công việc trên mạng; triển khai 100% dịch vụ công đủ điều kiện lên mức độ 4.

Thành phố cũng sẽ hoàn thiện quy trình số hóa và hệ thống lưu trữ điện tử cơ quan; tích hợp hệ thống lưu trữ điện tử thành phố. Đáng chú ý việc nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến như hỗ trợ tự động điền thông tin mẫu đơn; hướng dẫn người dân tự động (Chatbot)…cũng sẽ được thực hiện.

Trong khi đó, Giám đốc Sở Công Thương, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, cho biết sở này cũng phối hợp đẩy mạnh xây dựng Kho dữ liệu dùng chung và phát triển hệ sinh thái dữ liệu mở, hướng đến người dân và doanh nghiệp chỉ cung cấp thông tin một lần nhờ việc chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước...

Xem thêm: lmth.y-gnod-uhn-mex-iol-art-gnohk-yagn-51-auq-gnan-cuhc-nauq-oc-hnihc-hnah-hcac-iac/131613/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Cải cách hành chính: cơ quan chức năng quá 15 ngày không trả lời xem như đồng ý”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools