Các hành động của Bắc Kinh tại Biển Đông đang trở thành một vấn đề trọng tâm trong cuộc bầu cử tổng thống Philippines sẽ diễn ra vào năm 2022, khi căng thẳng song phương gia tăng liên quan sự hiện diện của các tàu Trung Quốc tại các khu vực tranh chấp ở Biển Đông.
Tờ South China Morning Post (SCMP) ngày 7-5 dẫn lời các nhà phân tích cho rằng cách tiếp cận của đương kim Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đối với Trung Quốc trước những động thái ngày càng hung hăng của Bắc Kinh tại Biển Đông sẽ ảnh hưởng đến vị trí của những ứng cử viên kế nhiệm ông trong cuộc bầu cử vào tháng 5-2022.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte (trái) và Chủ tịch Tập Cận Bình. Ảnh: REUTERS
Thời gian qua, tình hình căng thẳng giữa Philippines và Trung Quốc tiếp tục leo thang xung quanh khu vực đá Ba Đầu (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam) và bãi cạn Scarborough.
Chính sách của ông Duterte đối với Trung Quốc
Cuộc đua kế nhiệm chức vụ tổng thống của ông Duterte dự kiến sẽ diễn ra gay gắt giữa các ứng cử viên, gồm bà Sara Duterte-Carpio - con gái ông Duterte và hiện là thị trưởng thành phố Davao, Thượng nghị sĩ Manny Pacquiao, cũng như các ứng cử viên từ liên minh 1Sambayan với lập trường đối lập ông Duterte, như Phó Tổng thống Leni Robredo hay Thượng nghị sĩ Grace Poe.
Tuần trước, kết quả khảo sát của công ty Pulse Asia cho thấy bà Sara Duterte đã nhận được sự ủng hộ nhiều nhất trong số các ứng cử viên tổng thống, với tỷ lệ là 27%, theo sau là ông Ferdinand "Bongbong" Marcos Jr. - con trai cựu tổng thống Ferdinand Marcos – với tỷ lệ ủng hộ là 13%, sau đó là bà Grace Poe và ông Isko Moreno, cùng có tỷ lệ ủng hộ 12%.
Tuy nhiên, bà Sara Duterte tuần trước cho biết sẽ không tranh cử tổng thống - điều mà Tổng thống Duterte tuyên bố "không phải là công việc của phụ nữ".
“Tôi đã lập một biểu đồ trong đó liệt kê những lý do ‘tại sao’ và ‘tại sao không’ trước khi quyết định rằng sẽ không tranh cử” – bà Sara cho biết, nói thêm rằng chưa trao đổi lý do với cha mình.
SCMP dẫn lời ông Jeffrey Ordaniel - giám đốc chương trình hàng hải tại Viện nghiên cứu chính sách đối ngoại thuộc Diễn đàn Thái Bình Dương (Honolulu) - nhận định chính sách đối ngoại của Philippines sẽ nổi bật vào năm 2022 - không giống như các cuộc bầu cử tổng thống trước đây - và chính sách về Trung Quốc của các ứng cử viên tổng thống sẽ được xem xét kỹ lưỡng hơn trong bối cảnh căng thẳng tại đá Ba Đầu.
“Trong quá trình thực thi chính sách, ông Rodrigo Duterte đã có một số động thái có lợi cho Bắc Kinh, bao gồm việc hạ thấp phán quyết tòa trọng tài năm 2016 về vấn đề Biển Đông. Tuy nhiên, trước những gì đang xảy ra tại đá Ba Đầu và việc ngư dân Philippines tiếp tục bị đối xử không phù hợp, chính sách này đang trở nên không thể biện hộ được” – ông Ordaniel nhấn mạnh.
Theo SCMP, bất chấp những lời chỉ trích về chính sách đối ngoại và cách xử lý đại dịch COVID-19 của mình, ông Duterte vẫn duy trì tỷ lệ ủng hộ cao. Theo kết quả thăm dò của PUBLiCUS Asia hồi giữa tháng 3, ông Duterte đạt tỷ lệ ủng hộ là 65%, giảm nhẹ so với mức 70% vào tháng 12-2020.
Ông Joshua Kurlantzick - thành viên cấp cao về Đông Nam Á tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại – cho biết ông không nghĩ rằng tranh chấp tại đá Ba Đầu đã ảnh hưởng đến cách tiếp cận của ông Duterte đối với Trung Quốc, vì ông Duterte có vẻ “sẵn sàng tiếp tục với ý tưởng rằng Philippines không có biện pháp đối phó”.
“Tôi nghĩ rằng quan hệ Trung Quốc-Philippines sẽ là một vấn đề trong cuộc bầu cử sắp tới. Tuy nhiên, trong bối cảnh Philippines đang đối mặt nhiều vấn đề nội bộ, như nền kinh tế và đại dịch COVID-19, tôi không chắc vấn đề này sẽ có tính nghiêm trọng như thế nào” – ông Kurlantzick nói.
Những vấn đề này được cho là có mối quan hệ tương quan với nhau, khi Philippines đang tìm cách tăng nguồn cung vaccine ngừa COVID-19 từ Trung Quốc ngay cả khi hai bên đang căng thẳng trên biển.
SCMP dẫn lời ông Derek Grossman - chuyên gia quốc phòng cấp cao tại tổ chức Rand Corporation – cho rằng rất khó để nói liệu các chính sách ủng hộ Trung Quốc của ông Duterte sẽ gây trở ngại lớn như thế nào trong cuộc bầu cử sắp tới, vì ông vẫn rất nổi tiếng.
“Tuy nhiên, tôi có thể hình dung ra tâm lý phản đối Trung Quốc của người dân Philippines sau vụ việc đá Ba Đầu, cũng như những hành vi vi phạm khác của Bắc Kinh có thể gây khó khăn cho con gái ông Duterte nếu bà Sara quyết định tranh cử” - ông Grossman nói.
Cân bằng quan hệ Mỹ-Trung?
Theo SCMP, tổng thống Philippines kế nhiệm ông Duterte sẽ vẫn phải đối mặt sự cạnh tranh chiến lược ngày càng tăng giữa Trung Quốc và Mỹ.
Chính sách của ông Duterte đối với Mỹ và Trung Quốc những năm gần đây đã gây áp lực lên quan hệ đồng minh Mỹ-Philippines, trong đó có việc đình chỉ Thỏa thuận các lực lượng thăm viếng (VFA). Ông Duterte đã yêu cầu Washington tăng gấp bốn lần viện trợ để nối lại thỏa thuận này.
Phippines sẽ cân bằng quan hệ Mỹ-Trung ra sao? Ảnh: PERRY TSE
Theo ông Xu Liping - chuyên gia về Đông Nam Á tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, Trung Quốc và Biển Đông sẽ là các vấn đề trong các cuộc tranh luận và cuộc đua tranh cử tổng thống sắp tới, song sẽ rất khó để một tổng thống mới có thể đánh giá lại hoàn toàn chính sách đối với Trung Quốc của ông Duterte, khi quan hệ giữa hai nước ngày càng được tăng cường.
Tuy nhiên, chuyên gia Grossman cho rằng bất kể ai trở thành nhà lãnh đạo tiếp theo đều sẽ coi trọng mối quan hệ với Mỹ vì không quốc gia nào khác có thể giúp Manila phòng thủ trước sự quyết đoán của Bắc Kinh. Ông cho rằng bản thân ông Duterte, trong một bài phát biểu hồi tháng 2, cũng đã nhận ra tầm quan trọng của VFA, mặc dù đã chỉ trích Mỹ vì lý do chính trị.
“Điều này khiến tôi tin rằng Philippines đang sát cánh cùng Mỹ, dù điều đó có tốt hay không. Những phát ngôn gần đây của ông Duterte thách thức Trung Quốc chỉ tái khẳng định rằng Mỹ sẽ vẫn là đồng minh của Manila. Tôi mong đợi một VFA được khôi phục hoặc quá trình đàm phán lại sẽ được công bố trong những tháng tới" – ông Grossman nói.
Theo ông Richard Heydarian – chuyên gia địa chính trị tại ĐH Bách khoa Philippines, một số đồng minh của ông Duterte đã thất vọng với cách xử lý của ông trong mối quan hệ với Trung Quốc.
“Và trong dư luận Philippines, các chính sách về Trung Quốc của ông Duterte đã thất bại, khi đã không mang lại lợi ích lớn nào cho Philippines ở Biển Đông" – ông Heydarian nói.
Theo ông Heydarian, ngay cả khi Manila thúc đẩy quan hệ kinh tế với Bắc Kinh, các dự án cơ sở hạ tầng đã lên kế hoạch vẫn chưa bắt đầu, điều này càng dấy lên nhiều lời kêu gọi về đường lối mạnh mẽ hơn trong chống lại Bắc Kinh. Tuy nhiên, việc VFA bị đình chỉ hồi năm 2020 đã gây thêm bất ổn.
“VFA đang trong tình trạng lấp lửng, và điều này làm phức tạp thêm nỗ lực của Mỹ trong việc tiến hành các cuộc tập trận quy mô lớn và lập kế hoạch dài hạn. Philippines đã để lại một khoảng trống đáng kể khiến Mỹ khó có điều kiện phát triển sức mạnh trong khu vực. Nếu Trung Quốc lôi kéo Philippines tránh xa Mỹ, điều này sẽ khiến Washington khó răn đe Bắc Kinh hơn” – ông Heydarian nói.
Theo ông Ordaniel, sự hiện diện được triển khai từ trước của quân đội Mỹ thông qua VFA là rất quan trọng đối với các nỗ lực ngăn chặn của Washington trước các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông.
“Sẽ khó hơn trong việc ngăn chặn Trung Quốc trên biển từ những nơi như Guam, Okinawa hoặc Darwin” - ông Ordaniel đề cập các căn cứ quân sự của Mỹ tại khu vực, nhận định rằng các căn cứ này "ở quá xa".
Theo ông Grossman, Trung Quốc có thể đã bỏ lỡ cơ hội để thúc đẩy quan hệ chặt chẽ hơn với Philippines giữa lúc Manila và Washington chưa thống nhất về vấn đề VFA.
“Bắc Kinh lẽ ra đã có thể tận dụng tình hình bằng cách công khai đề xuất cung cấp cho ông Duterte mọi thứ trong khi vẫn giữ im lặng ở Biển Đông. Tuy nhiên, không rõ vì lý do gì, Trung Quốc lại đi trước hoàn toàn trong việc thách thức Philippines. Sự quyết đoán của Trung Quốc dường như chỉ giúp củng cố liên minh Mỹ-Philippines chống lại Trung Quốc" - ông Grossman nhận định.