Trao đổi với Lao Động, đại diện các siêu thị khẳng định, mặt hàng dầu ăn và đường có tăng nhẹ nhưng không biến động nhiều. Trong khi đó, các mặt hàng thiết yếu khác, giá cả rất ổn định.
Dầu ăn, đường tăng nhẹ
Chị Nguyễn Thị Yến – chủ quán bún chả ngõ 44 Trần Thái Tông (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, gần đây, các mặt hàng thiết yếu như dầu ăn, mì chính, nước mắm, rau xanh... đồng loạt tăng nhẹ. Ví dụ, mặt hàng dầu ăn tăng từ 800 - 900 đồng/chai, thậm chí cao hơn.
"Tôi mới mua một can dầu ăn về làm hàng, một chai dầu ăn Cái Lân tăng từ 28.000 đồng/can 1 lít, nay tăng lên 29.000 đồng/chai 1 lít; rau xanh cũng tăng nhẹ, như rau xà lách tăng từ 30.000/kg lên 32.000 đồng/kg... Mỗi thứ tăng một ít, cộng vào khiến tôi phải tăng một suất bún chả từ 30.000 đồng - 35.000 đồng", chị Yến nói.
Anh Tuấn - chủ một cửa hàng tiện lợi trên đường Cầu Giấy (Hà Nội) cũng chia sẻ, giá các mặt hàng sang tháng 5 đều tăng nhẹ, từ 400 đồng đến 800 đồng/sản phẩm. Không những vậy, tại sạp này, giá mặt hàng bút, tập vở... cũng tăng vì nguyên liệu bột giấy tăng.
Tuy nhiên, ghi nhận của Lao Động, thời điểm này, giá cả hàng hoá tại các siêu thị vẫn giữ mức ổn định. Giá các mặt hàng thiết yếu như sữa, bột dinh dưỡng, mì tôm, gạo… không biến động. Thậm chí, nhiều mặt hàng còn chạy các chương trình khuyến mãi, mua 1 tặng 1, hoặc giảm giá nhiều sản phẩm.
Trao đổi với Lao Động, bà Trần Thị Thanh Huyền – Giám đốc Siêu thị Mega Market Thăng Long - cho biết, tất cả mặt hàng được bán tại siêu thị giá cả bình ổn, lượng hàng hoá dồi dào.
“Xác định trong thời gian tới, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nên chúng tôi chuẩn bị lượng hàng thiết yếu tương đối đầy đủ. Thực tế chúng tôi đã có kinh nghiệm ứng phó sau khi trải qua 2 đợt dịch vừa rồi, chúng tôi làm việc với các nhà cung cấp để chuẩn bị sẵn lượng hàng đảm bảo đủ cho khách hàng.
Chúng tôi đã chuẩn bị lượng hàng tương đương 93 tỉ đồng để dự trữ cho nhu cầu mua hàng, được chia đều cho 3 vùng Bắc – Trung – Nam.
Trong đó, riêng với miền Bắc, chúng tôi dự trữ lượng hàng tương ứng 28 tỉ đồng cho mặt hàng thiết yếu. Những điểm nóng dịch chúng tôi dành 30% số lượng dự trữ đó cho các vùng dịch”, bà Huyền cho hay.
Nhiều siêu thị khẳng định giá cả ổn định
Đại diện truyền thông Central Retail cũng khẳng định - hầu hết mặt hàng tại các chuỗi bán lẻ Big C và Go! không tăng giá. Chỉ có giá đường và dầu ăn tăng nhẹ, nguyên nhân do nguyên liệu đầu vào tăng.
"Để đảm bảo cung ứng các mặt hàng cho người dân, nhất là thời điểm dịch diễn biến phức tạp, hệ thống siêu thị của chúng tôi đã tăng gấp đôi lượng hàng hoá so với những tháng bình thường", đại diện Central Retail cho hay.
Ông Nguyễn Anh Đức -Tổng giám đốc Saigon Co.op - cũng khẳng định giá cả các mặt hàng trong hệ thống hiện không tăng, thậm chí còn giảm so với trước do siêu thị đang áp dụng chương trình khuyến mãi.
Theo đó, Saigon Co.op sẽ giảm giá từ 20-50% cho 10.000 sản phẩm thiết yếu gồm sữa, dầu ăn, đường, mì ăn liền, thịt lợn, thủy hải sản, rau củ quả, đồ dùng gia đình... nhằm thiết thực chia sẻ áp lực chi tiêu với khách hàng.
Theo lãnh đạo Saigon Co.op, thị trường đang có dấu hiệu từng bước thiết lập mặt bằng giá mới khi hàng loạt mặt hàng từ nhu yếu phẩm đến vật liệu xây dựng đồng loạt tăng giá.
Xem thêm: odl.195609-hnid-no-uig-gnad-nav-iht-ueis-gnah-tam-ueihn-aig-gnat-gnourt-iht/et-hnik/nv.gnodoal