Tổng thống Mỹ Joe Biden đã khiến các đồng minh châu Âu và ngành dược phẩm choáng váng khi chính quyền của ông tuyên bố ủng hộ các cuộc đàm phán quốc tế về việc từ bỏ bảo hộ bằng sáng chế cho vaccine COVID-19 . Cùng lúc, có những dấu hiệu cho thấy ông quan tâm đến một thỏa hiệp khiêm tốn hơn.
Thông báo của Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai rằng việc chính quyền sẽ ủng hộ việc từ bỏ bảo hộ bằng sáng chế là đảo ngược chính sách lâu đời của Mỹ về việc tài sản trí tuệ của các công ty là bất khả xâm phạm.
Nhưng trong tuyên bố của mình, bà Tai cũng cho biết chính quyền sẽ hỗ trợ một "quy trình" của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) để cố gắng đạt được thỏa thuận về việc miễn các bằng sáng chế vaccine, thay vì một đề xuất cụ thể từ Nam Phi và Ấn Độ.
Các cuộc đàm phán của WTO sẽ không diễn ra nhanh chóng. Theo quy định của tổ chức, bất kỳ quyết định nào cũng phải được các thành viên nhất trí. Trong khi đó, ông Biden lại chịu áp lực đáng kể từ các đồng minh tự do trong Quốc hội để ủng hộ việc từ bỏ bằng sáng chế.
Bằng cách hỗ trợ tiến trình của WTO, ông Biden có thể đáp ứng tư tưởng tiến bộ của đảng Dân chủ khi tham gia vào các cuộc đàm phán có thể không bao giờ đạt được sự đồng thuận hoặc có thể bị thờ ơ.
Những làn sóng ủng hộ việc từ bỏ quyền sáng chế đã lan rộng.
Thủ tướng Đức Angela Merkel đã lên tiếng phản đối việc này. Một nữ phát ngôn viên của chính phủ Đức nói rằng nó sẽ tạo ra "những vấn đề nghiêm trọng" cho việc sản xuất vắc-xin.
Điểm mấu chốt trong thông báo của ông Biden là Mỹ sẽ "tích cực tham gia vào các cuộc đàm phán dựa trên văn bản" tại WTO - điều mà bà Tai cho rằng sẽ mất thời gian và trái ngược với việc ủng hộ đề xuất của Ấn Độ - Nam Phi.
Đề xuất của Ấn Độ - Nam Phi có nhiều điểm hơn và bao gồm việc miễn trừ thuốc điều trị đối với COVID-19, điều mà ông Biden không tán thành.
Những người ủng hộ chỉ ra rằng ông Biden đã hứa về một chương trình miễn bằng sáng chế cho vaccine COVID-19 trong chiến dịch tranh cử năm ngoái và đã nói nhiều lần rằng việc đó sẽ mất thời gian.
Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan cho biết Mỹ đang tìm kiếm "một con đường phía trước" và điểm mấu chốt là các công ty dược phẩm phải "cung cấp vaccine với quy mô lớn và chi phí thấp cho toàn thế giới để không có rào cản y tế, tạo điều kiện cho tất cả mọi người đi tiêm chủng. "
Các nhà sản xuất dược phẩm hôm 6/5 cho biết sự ủng hộ của Tổng thống Mỹ Joe Biden đối với việc từ bỏ bằng sáng chế vaccine COVID-19 có thể phá vỡ chuỗi cung ứng mong manh. Thay vào đó, các nước giàu nên chia sẻ nhiều hơn với các nước đang phát triển.
Hôm 5/5, ông Biden đã ủng hộ việc từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine COVID-19, việc này khiến các công ty dược phẩm dựa chủ yếu vào nghiên cứu tức giận.
Liên đoàn Các nhà sản xuất và Hiệp hội Dược phẩm quốc tế (IFPMA) cho biết, nếu được Tổ chức Thương mại Thế giới thông qua, đề xuất này sẽ tạo điều kiện cho các nhà sản xuất thiếu năng lực áp đảo các công ty dược có uy tín.
Tổng giám đốc IFPMA Thomas Cueni nói với Reuters: "Tôi đã nghe nhiều người (các nhà sản xuất vắc-xin) nói về việc nguồn lực của họ bị căng thẳng trong khi các nhân viên phải hoạt động hết công suất".
Quyết định ủng hộ từ bỏ các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của chính quyền ông Biden vấp phải sự phản đối của các nhà sản xuất và nghiên cứu dược phẩm Mỹ, gồm các nhà sản xuất vắc-xin Covid-19 như AstraZeneca, Pfizer và Johnson & Johnson.
Một quan chức chính quyền ông Biden cảnh báo rằng các cuộc thảo luận của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về việc dỡ bỏ các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với vắc-xin có thể mất thời gian vì các phán quyết của cơ quan này dựa trên sự đồng thuận của tất cả 164 thành viên.