Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi cùng lãnh đạo TP Cần Thơ và lãnh đạo Trường đại học Cần Thơ sau buổi gặp gỡ, tiếp xúc cử tri quận Ninh Kiều, huyện Phong Điền - Ảnh: CHÍ QUỐC
Rất nhiều cử tri gửi gắm những vấn đề nóng, bức xúc của địa phương và của vùng.
Vỡ trận sẽ trả giá rất đắt
Tại các buổi gặp gỡ và tiếp xúc cử tri, trước khi trình bày chương trình hành động của mình, Thủ tướng Phạm Minh Chính dành thời gian để thông tin về tình hình dịch COVID-19 và các giải pháp ứng phó.
Theo Thủ tướng, hiện tại số người mắc bệnh, người vào bệnh viện và số người qua đời nhìn đồ thị thế giới ngày càng cao hơn, cho thấy tính nguy hiểm của dịch bệnh này.
So với 3 đợt bùng phát dịch bệnh trước đó, dịch COVID-19 lần này có khác là biến chủng mới của virus lây lan nhanh. Kinh nghiệm ở thế giới cho thấy cứ bùng phát lần sau lại cao hơn lần trước, phức tạp hơn lần trước, khó khăn hơn lần trước, việc khắc phục vất vả hơn lần trước.
Thủ tướng nhận định tình hình dịch bệnh COVID-19 tại nước ta đang rất nguy hiểm, lan nhanh, không lường được, nhưng đến nay vẫn đang kiểm soát được tình hình.
"Nói như thế để chúng ta không hoang mang, dao động, hoảng hốt, nhưng nguy cơ rất cao, cộng với các tỉnh miền Tây giáp Campuchia. Tôi thay mặt Chính phủ kêu gọi đồng bào, cử tri cả nước, nhất là cử tri ĐBSCL - nơi có nhiều tỉnh giáp biên giới - cùng chung tay chống dịch, thực hiện nghiêm quy định của Chính phủ liên quan phòng, chống dịch COVID-19", Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo Thủ tướng, hiện nay Chính phủ đã phân cấp cho các địa phương theo tinh thần tỉnh phải lo cho tỉnh, thành phố tự lo cho thành phố, quận huyện phải lo cho quận huyện của mình, và xã phường cũng vậy. Mỗi cá nhân phải tự lo cho chính mình. Mỗi người tự lo cho mình là lo cho cả quốc gia.
"Chúng ta vỡ trận này sẽ trả giá rất đắt. Các nước vỡ trận thì kinh tế âm hết, xảy ra nhiều chuyện: mất ổn định chính trị, người dân đói nghèo. Nên mình phải kiên trì, kiềm chế, hạn chế đi lại, giao lưu nhiều lúc này. Nhất là các tỉnh có biên giới với Campuhia luôn luôn phải có kịch bản đối phó nếu như có dịch", Thủ tướng lưu ý.
Huy động vốn tư nhân làm cao tốc, bến cảng...
Cũng tại các buổi gặp gỡ, rất nhiều cử tri ở TP Cần Thơ có kiến nghị chung là mong muốn các ứng cử viên khi đắc cử đại biểu Quốc hội cần "chung tay" phát triển cao tốc về miền Tây.
Cử tri Lê Văn Chuộng cho rằng chỉ có phát triển giao thông thì kinh tế mới phát triển mà giao thông trong vùng ĐBSCL hiện nay rất hạn chế. Hiện tại từ TP.HCM về Cần Thơ mỗi dịp lễ, tết là tắc nghẽn, kẹt xe đôi khi cả chục cây số.
"Đề nghị Thủ tướng và các ứng cử viên ở đây nếu trúng cử nên quan tâm vấn đề này", ông Chuộng đề nghị.
Thay mặt các ứng cử viên đại biểu Quốc hội, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhìn nhận đúng là đường cao tốc kết nối TP.HCM và miền Tây còn chậm, cần tổng kết, rút kinh nghiệm và ông đã giao cho Bộ Giao thông - vận tải thực hiện việc này.
Thủ tướng khẳng định Chính phủ đã tuyên bố rõ rồi là phải xây dựng đường cao tốc xuống tận Cà Mau. Ngay trong chiều nay, ông đã triệu tập một số bí thư tỉnh ủy ở ĐBSCL về TP Cần Thơ để bàn việc giải phóng mặt bằng nhằm đẩy nhanh tiến độ các công trình giao thông.
Theo Thủ tướng, với vốn ngân sách vài ngàn tỉ đồng cho hạ tầng giao thông ĐBSCL trong 5 năm là không nhiều, nên các địa phương cần chủ động huy động các nguồn lực hợp pháp khác của doanh nghiệp, của người dân để cùng thực hiện.
"Phải đi lên từ bàn tay, khối óc. Vốn nhà nước chỉ là vốn "mồi", 1 đồng nhà nước dẫn dắt 3 - 4 đồng của xã hội, của tư nhân. Lúc tôi làm bí thư tỉnh ủy, 1 đồng có thể ra 7 - 8 đồng mới làm được cao tốc, sân bay, bến cảng, trụ sở" - Thủ tướng chia sẻ.
Tổng bí thư ôn lại kỷ niệm tuổi thơ
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại buổi tiếp xúc cử tri - Ảnh: CTV
Ngày 8-5, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các ứng cử viên đại biểu Quốc hội đơn vị bầu cử số 1 của TP Hà Nội, gồm: ông Nguyễn Trúc Anh - giám đốc Sở Quy hoạch và kiến trúc; ông Nguyễn Quốc Duyệt - thiếu tướng, tư lệnh Bộ tư lệnh Thủ đô; bà Nguyễn Thị Hà Tuyên - phó hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Văn Thụ, đã tiếp xúc theo hình thức trực tuyến với hơn 2.400 cử tri các quận Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng để vận động bầu cử.
Trình bày trước cử tri, Tổng bí thư tâm sự rằng mình nhiều khóa là đại biểu Quốc hội, hai khóa làm Chủ tịch Quốc hội, chương trình hành động đã viết ra và gửi tới ban tổ chức, do đó tại cuộc tiếp xúc này xin được "ôn nghèo kể khổ". Ông nói: "Năm 1946 tôi mới 2 tuổi, mẹ kể lại là đã gánh tôi một bên thúng ngồi, chị tôi một bên thúng ngồi, đi bộ từ Đông Anh lên Thái Nguyên tản cư, ở nhờ suốt từ năm 1946 đến năm 1950. Đến năm 6 tuổi thì tôi hồi cư trở về quê và bắt đầu được đi học" - ông kể.
Trong những năm tháng chiến tranh, ông cũng từng xin nhập ngũ để chiến đấu nhưng không được đồng ý, rồi ông vào đại học, ra trường công tác qua nhiều nhiệm vụ khác nhau. Tổng bí thư cũng tâm sự thêm là ông sinh năm Giáp Thân - 1944, như người ta nói là "ngậm ngùi tuổi Thân", "số vất vả".
"Bây giờ đã 77 tuổi, đại hội vừa rồi tôi đã xin thôi, từ đại hội trước đã xin thôi, hôm họp báo bế mạc Đại hội XIII tôi nói công khai rồi, là tôi tuổi cao sức khỏe có hạn nhưng Trung ương quyết, Đại hội bầu, là đảng viên tôi phải chấp hành" - ông nói. Đồng thời hứa trước cử tri: "Lần này được giới thiệu ứng cử, nếu được trúng cử đại biểu Quốc hội thì rất vinh dự, tôi sẽ cố gắng làm hết sức mình".
Các ứng cử viên khác cũng đều cam kết sẽ gắn bó mật thiết với cử tri, phản ánh trung thực ý kiến của cử tri, bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân, nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ trên cương vị công tác và nếu trúng cử sẽ hoàn thành nhiệm vụ của người đại biểu nhân dân theo quy định của luật.
Nhắn nhủ với người ứng cử, cử tri Nguyễn Quốc Thước (quận Ba Đình) cho biết ông từng là đại biểu Quốc hội, ban đầu phát biểu "thẳng quá" cũng lo nhưng sau vẫn "thoát nạn", quan trọng là đại biểu Quốc hội phải biết hi sinh vì lợi ích quốc gia dân tộc, vì nhân dân thì sẽ được dân ủng hộ.
Đáp lại ý kiến cử tri, thay mặt các ứng cử viên đơn vị bầu cử số 1 TP Hà Nội, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: "Từng đại biểu phải làm tròn trách nhiệm, không được cua cậy càng cá cậy vây, phải đoàn kết. Các bác, các anh, các chị nói quá hay, quá đúng, chúng tôi dù có trúng cử hay không cũng phải làm công dân gương mẫu của nước Việt Nam anh hùng, của thủ đô ngàn năm văn hiến".
LÊ KIÊN
Trưởng Ban Tuyên giáo trung ương vận động bầu cử tại Tây Ninh
Chiều 8-5, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, trưởng Ban Tuyên giáo trung ương, cùng 4 ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XV, thuộc đơn vị bầu cử số 1, đã có buổi tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử, cử tri 2 xã Hiệp Thạnh, Phước Trạch và Công ty cổ phần Cao su Tây Ninh, thuộc huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh.
Phát biểu trước cử tri Tây Ninh về chương trình hành động nếu được tín nhiệm bầu làm đại biểu Quốc hội khóa XV, ông Nguyễn Trọng Nghĩa xác định các nội dung trọng điểm như: thực hiện tốt quan điểm "dân làm gốc", giữ mối liên hệ gắn bó mật thiết với nhân dân, lắng nghe và phản ánh kịp thời ý chí, nguyện vọng của nhân dân đến với Quốc hội, với Đảng và các cơ quan chức năng có liên quan. Cùng Đảng bộ và nhân dân tỉnh Tây Ninh thực hiện có hiệu quả 19 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025.
TUẤN ANH
Cử tri Lê Xã Hội (nguyên phó tư lệnh Quân khu 9):
Gửi gắm việc… chọn người
Sắp tới việc chọn cán bộ cần đảm bảo các tiêu chí như có ý chí, có đạo đức, dũng cảm và có tinh thần hi sinh. Những người đó chúng ta chọn rồi thì phải đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng và quản lý thế nào.
Ngoài ra, cần có quy hoạch tổng thể, thống nhất từ cấp phường xã, quận huyện, tỉnh thành bởi hiện nay có tình trạng "hai bữa nhập xã, bốn bữa nhập huyện rồi hai bữa lại tách xã" rất tốn kém. Nên có một sự quy hoạch ổn định và việc này cần làm khẩn trương.
TTO - Tiếp xúc cử tri quận Cái Răng (TP Cần Thơ), Thủ tướng Phạm Minh Chính kêu gọi lãnh đạo các địa phương chủ động trong việc phát triển ở địa phương. Thủ tướng cho rằng không tự ti vì cái nghèo mà không vươn lên.
Xem thêm: mth.96170339090501202-cot-oac-gnoud-mal-nab-yu-hnit-uht-ib-cac-pat-ueirt-gnout-uht/nv.ertiout