Kết quả kinh doanh ngành dầu khí phân hóa mạnh
Linh Trang
(KTSG) - Mặc dù được hỗ trợ tích cực bởi đà hồi phục của giá dầu nhưng không phải doanh nghiệp dầu khí nào cũng có kết quả kinh doanh cải thiện trong ba tháng đầu năm nay.
Giá dầu duy trì ở mức cao
Các dữ liệu tổng hợp cho thấy, giá dầu thô Brent (dầu thô Biển Bắc nhẹ giao ngay) đạt trung bình 65,6 đô la Mỹ/thùng trong tháng 3-2021, tăng gần 5 đô la Mỹ/thùng, tương đương tăng 6% so với tháng 2. Trước đó, giá dầu tháng 2 cũng tăng 13,5% so với tháng 1. Lũy kế ba tháng đầu năm, giá dầu tăng gần 50% còn so với cùng kỳ năm ngoái thì giá dầu hiện đã tăng 34 đô la Mỹ/thùng, tương đương mức tăng 106%.
Đà tăng trong quí 1 của giá dầu chủ yếu là nhờ tâm lý lạc quan về sự phục hồi nhu cầu tiêu thụ sau khi vaccin ngừa Covid-19 bắt đầu được triển khai tiêm chủng rộng rãi tại nhiều nước trên thế giới, điển hình như Mỹ, Anh... Bên cạnh đó, thị trường dầu cũng được tiếp sức sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden đưa ra kế hoạch chi tiêu 2.300 tỉ đô la Mỹ để đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng như cầu đường, cùng với việc ứng phó với biến đổi khí hậu.
Mặc dù có kết quả kinh doanh phân hóa trong ngắn hạn nhưng về cơ bản, nếu giá dầu thế giới duy trì được ở mức cao như hiện nay, các doanh nghiệp dầu khí ở thượng nguồn, điển hình như PVD, Tổng Công ty cổ phần Dịch vụ kỹ thuật dầu khí Việt Nam (PVS)… sớm muộn cũng sẽ được hưởng lợi. |
Đáng chú ý, giá dầu thô vẫn duy trì ở mức cao bất chấp thông tin Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ cùng với các nước đồng minh (OPEC+) trong cuộc họp mới nhất, đã đạt được một thỏa thuận sẽ nới lỏng dần việc cắt giảm sản lượng từ tháng 5-2021.
Cụ thể, OPEC+ đã nhất trí sẽ nới lỏng mức cắt giảm sản lượng khoảng 350.000 thùng/ngày trong tháng 5-2021, và thêm 350.000 thùng/ngày trong tháng 6 và lên 400.000 thùng/ngày vào khoảng tháng 7.
Theo thỏa thuận đạt được ngày 1-4, từ tháng 5-2021, OPEC+ sẽ thực hiện cắt giảm hơn 6,5 triệu thùng dầu/ngày. Trước đó, OPEC+ đang thực hiện cắt giảm 7 triệu thùng/ngày và Ảrập Saudi tự nguyện cắt giảm thêm 1 triệu thùng/ngày.
Theo đánh giá, việc giá dầu thế giới hồi phục sẽ cải thiện triển vọng kinh doanh và mức định giá của các doanh nghiệp dầu khí. Bên cạnh đó, triển vọng hồi phục nền kinh tế cũng sẽ giúp cải thiện nhu cầu tiêu thụ xăng dầu, khí đốt, giúp các doanh nghiệp ngành dầu khí bán được nhiều hàng hơn.
Theo số liệu của Bộ Công Thương, sản lượng tiêu thụ xăng dầu nội địa của Việt Nam tăng trưởng bình quân 3%/năm trong giai đoạn 2015-2019. Cùng với đó, sản lượng tiêu thụ khí đốt hóa lỏng tăng trưởng bình quân 10,5%/năm trong giai đoạn này. Riêng trong năm 2020, dịch Covid-19 đã tác động đáng kể lên nền kinh tế, qua đó hạn chế các hoạt động sản xuất kinh doanh và giao thông vận tải, khiến nhu cầu tiêu thụ xăng dầu, khí đốt sụt giảm lần lượt 1,2% và 4,3% so với năm 2019.
Kết quả kinh doanh quí 1-2021 phân hóa mạnh
Mặc dù được hỗ trợ tích cực bởi đà hồi phục của giá dầu nhưng không phải doanh nghiệp dầu khí nào cũng có kết quả kinh doanh (KQKD) cải thiện trong ba tháng đầu năm nay. Ước tính lợi nhuận trong quí đầu năm 2021 của các doanh nghiệp dầu khí lớn đang niêm yết trên hai sàn chứng khoán có sự phân hóa khá mạnh.
Ở chiều tích cực, có khá nhiều doanh nghiệp có doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ. Điển hình như Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) ước đạt doanh thu hợp nhất trong quí 1-2021 là 21.209 tỉ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2020; lợi nhuận sau thuế hợp nhất là 1.779 tỉ đồng (cùng kỳ năm ngoái lỗ gần 2.348 tỉ đồng).
Tổng công ty cổ phần Vận tải Dầu khí (PVT) cũng ước đạt 1.750 tỉ đồng doanh thu trong quí 1-2021, tăng 9% trong khi lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 210 tỉ đồng, tăng 75% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong quí đầu năm 2021, cả 9/9 đơn vị thành viên của PVT đều có lãi. Riêng Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (POW) ước đạt doanh thu hợp nhất 7.783 tỉ đồng trong quí 1-2021, giảm 4%, nhưng lợi nhuận sau thuế hợp nhất ước đạt 778 tỉ đồng, tăng mạnh 54% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu nhờ sự đóng góp từ hoạt động thoái vốn tại công ty con là PV Machino với số tiền thu về trên 550 tỉ đồng.
Đáng chú ý, ngành phân đạm - vốn không được hưởng lợi khi giá dầu lên (chi phí sản xuất đầu vào tăng) nhưng hai doanh nghiệp lớn ngành này đang niêm yết trên sàn chứng khoán vẫn có KQKD khá tích cực trong quí 1-2021. Cụ thể, Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (DCM) ước đạt doanh thu hợp nhất 1.911 tỉ đồng trong quí 1-2021, tăng 38% còn lợi nhuận sau thuế hợp nhất ước đạt 198,9 tỉ đồng, tăng 115% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (DPM) ước đạt doanh thu 1.946 tỉ đồng trong quí 1-2021, tăng 12%; lợi nhuận hợp nhất đạt 141 tỉ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ở chiều tiêu cực, một số doanh nghiệp được kỳ vọng sẽ hưởng lợi lớn từ giá dầu tăng lại có KQKD không mấy sáng sủa trong quí 1-2021. Đơn cử như Tổng công ty cổ phần Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (PVD) ước đạt 595 tỉ đồng doanh thu trong quí 1-2021, giảm 65% so với cùng kỳ năm 2020 và lỗ hợp nhất 107 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi ròng 16 tỉ đồng. Tổng công ty Hóa chất và Dịch vụ Dầu khí (PVC) ước đạt doanh thu hợp nhất 332 tỉ đồng trong quí 1-2021, giảm 17%; lợi nhuận sau thuế 1,3 tỉ đồng, giảm 79% so với cùng kỳ năm 2020. Trong khi đó, Tổng công ty Khí Việt Nam (GAS) ước đạt doanh thu hợp nhất 17.845 tỉ đồng trong quí 1-2021, tăng 2%; lợi nhuận sau thuế hợp nhất 2.234 tỉ đồng, giảm 5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Mặc dù có kết quả kinh doanh phân hóa trong ngắn hạn nhưng về cơ bản, nếu giá dầu thế giới duy trì được ở mức cao như hiện nay, các doanh nghiệp dầu khí ở thượng nguồn, điển hình như PVD, Tổng Công ty cổ phần Dịch vụ kỹ thuật dầu khí Việt Nam (PVS)… sớm muộn cũng sẽ được hưởng lợi khi các hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí tại Việt Nam cũng như nước ngoài dần gia tăng trở lại.
Bên cạnh đó, một số công ty ở trung nguồn như GAS cũng có thể được hưởng lợi từ giá dầu cao hơn vì giá bán sản phẩm của doanh nghiệp này được tính theo giá dầu thế giới. Ngược lại, biên lợi nhuận của các doanh nghiệp ở hạ nguồn (nhà máy điện, đạm) có thể sẽ bị thu hẹp do áp lực chi phí đầu vào tăng.
Xem thêm: lmth.hnam-aoh-nahp-ihk-uad-hnagn-hnaod-hnik-auq-tek/110613/nv.semitnogiaseht.www