Văn phòng này cho biết tàn dư trở lại bầu khí quyển vào lúc 10 giờ 24 phút (giờ địa phương) và rơi xuống 1 vùng biển ở 72,47 độ kinh Đông và 2,65 độ vĩ Bắc. Một số thông tin cho rằng đó thuộc Ấn Độ Dương và gần Maldives.
Tên lửa bay ngang qua các vì sao khi chuẩn bị rơi xuống Trái Đất. Ảnh: Daily Mail
Thân tên lửa Trường Chinh 5B. Ảnh: Daily Mail
Phần lớn tên lửa đã cháy rụi trong quá trình rơi xuống, chấm dứt nỗi lo kéo dài 1 tuần nay của chính phủ và người dân các nước.
Tờ South China Morning Post đưa tin tên lửa được phóng từ đảo Hải Nam của Trung Quốc hôm 29-4 và mang theo mô đun không người lái Thiên Hà. Trường Chinh 5B cao hơn 30 m và nặng 22 tấn, bao gồm một tầng lõi và 4 tên lửa đẩy, là vật thể lớn thứ 6 trở lại bầu khí quyển của Trái Đất.
Chương trình không gian của Trung Quốc bị nhiều chuyên gia hàng không vũ trụ và chính phủ các nước chỉ trích, trong đó có Washington, vì đã để tên lửa lớn như Trường Chinh 5B tái xâm nhập bầu khí quyển một cách không kiểm soát.
Tên lửa Trường Chinh 5B khi được phóng lên không gian. Ảnh: Reuters
"Đối với tất cả những người làm việc trong lĩnh vực không gian, nên có yêu cầu về việc hoạt động trong một chế độ an toàn và chu đáo, và đảm bảo rằng chúng tôi cân nhắc những điều đó khi lập kế hoạch và tiến hành các hoạt động" - trích lời Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin hôm 6-5.
Thông thường, các giai đoạn của tên lửa được phóng gần Trái Đất hơn trước khi chúng đến qũy đạo để chúng có qũy đạo dễ đoán khi rơi. Ngoài ra, tên lửa có thể được trang bị 1 loại thiết bị cho phép nó chọn điểm tái xâm nhập bầu khí quyển để ngăn không cho mảnh vỡ rơi vào khu dân cư.
Tuy nhiên, Trung Quốc không sử dụng những biện pháp này đối với Trường Chinh, khiến nó mất khả năng điều khiển. Bắc Kinh đã xoa dịu nỗi lo ngại của các nước khi 1 phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định quá trình bốc cháy trong khí quyển "khiến khả năng gây thiệt hại đối với các cơ sở và hoạt động hàng không hoặc mặt đất là cực kỳ thấp".
Vào năm ngoái, một sứ mệnh khác của tên lửa Trường Chinh cũng dẫn đến việc mảnh vỡ rơi xuống Bắc Châu Phi vì tái xâm nhập bầu khí quyển không kiểm soát. Khi đó, Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) gọi đây là sự cố "hết sức nguy hiểm" và may mắn là không ai bị thương.