Tuyên bố của Tổng thống Mỹ, mong muốn tạm thời đình chỉ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine ngừa COVID-19, đã được báo chí châu Âu bàn luận nhiều vào cuối tuần qua. Các báo hoan nghênh thiện chí của Mỹ, nhưng đều nhấn mạnh, chia sẻ bí quyết chế tạo vaccine không có nghĩa là các nước khác sẽ có nhiều vaccine hơn ngay lập tức.
Quan điểm của các nước châu Âu vẫn là đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu vaccine nhằm đối phó với tình huống khẩn cấp lúc này, còn đình chỉ bảo hộ sáng chế sẽ tính sau.
Vaccine COVID-19. Nguồn: Reuters
Tuyên bố bất ngờ của Tổng thống Mỹ đã làm sụt giảm giá cổ phiếu của các hãng sản xuất vaccine ngừa COVID-19. Tuy nhiên, giá những cổ phiếu đó đã lại phục hồi vào cuối tuần.
Tờ Tin tức vùng Rhin ra tại Đức viết rằng để ý tưởng tốt đẹp đó thành hiện thực phải đàm phán trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại thế giới và sẽ vô cùng khó tìm được một lập trường chung mà tất cả 164 quốc gia thành viên đều chấp nhận. Công bằng mà nói ngành công nghiệp dược phẩm đã đầu tư hàng triệu USD vào nghiên cứu, chấp nhận rủi ro thất bại, mất tiền nay các hãng dược đã thành công cũng cần phải thu hồi các khoản đầu tư.
Nhưng quan trọng nhất vẫn là đình chỉ bảo hộ bằng sáng chế không có nghĩa là đẩy nhanh được ngay chiến dịch tiêm chủng tại các nước nghèo, trong khi với tốc độ mở rộng sản xuất như lúc này chỉ năm sau các hãng dược sẽ cung cấp nhiều vaccine hơn nhu cầu của dân số toàn thế giới.
Tờ Le Figaro của Pháp giải thích tại sao bản quyền vaccine có công khai đi nữa cũng không thể lập tức tăng nhanh lượng vaccine. Công thức vaccine không phải là công thức làm bánh, vẫn phải có nhân lực và dây chuyền công nghệ ở trình độ nào đó mới từ công thức biến thành sản phẩm được.
Tờ báo Pháp nêu ví dụ hãng Moderna đã công bố bản quyền vaccine từ mấy tháng nay nhưng cho đến nay chưa có nhà máy nào ở châu Phi hay ở châu Á sản xuất được vaccine Moderna. Bài báo viết nguyên liệu đầu vào là vấn đề cốt lõi. Để sản xuất vaccine ngừa COVID-19, cần tới khoảng 500 nguyên liệu khác nhau, mà lúc này nhiều nguyên liệu không dễ kiếm do nhu cầu quá cao.
Giải pháp cấp bách lúc này vẫn phải là tăng cường xuất khẩu vaccine. Ảnh minh họa - CNN
Một yếu tố khác mà tờ báo Pháp nêu ra là mỗi công đoạn trong dây chuyền sản xuất và mỗi vaccine đều phải được kiểm định, thử nghiệm, cấp phép. Vì vậy, sẽ là cực kỳ phức tạp nếu có quá nhiều hãng sản xuất vaccine.
Lãnh đạo nhiều nước châu Âu cũng như Ủy ban châu Âu đã lên tiếng sẵn sàng thảo luận với Mỹ. Tuy nhiên, công khai công thức vaccine là giải pháp dài hạn. Giải pháp cấp bách lúc này vẫn phải là tăng cường xuất khẩu vaccine.
Tờ Dagsavisen ra tại Nauy trích lời bà Chủ tịch Ủy ban châu Âu yêu cầu tất cả các nước sản xuất vaccine phải mở cửa xuất khẩu ở mức cao nhất có thể, ngầm chê trách Mỹ và Anh vẫn đang hạn chế xuất khẩu vaccine sang các nước khác.
Ý tưởng của Tổng thống Mỹ là thiện chí nhưng để biến ý tưởng thành vaccine dồi dào còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố và cần nhiều thời gian.
VTV.vn - Dù có bãi bỏ bản quyền vaccine, tương lai mà thế giới có thể sản xuất được nhiều liều vaccine hơn vẫn còn khá xa.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.73602929001501202-hnab-mal-cuht-gnoc-al-iahp-gnohk-eniccav-cuht-gnoc-oragif-el/et-hnik/nv.vtv