Sáng 10-5, báo cáo tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM, ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết vào ngày 4-5, TP ghi nhận một ca bệnh (BN 3008) là thuyền viên tàu MD SUN đi từ Phillipines đang neo tại Bến Phao Phước Long 5 (huyện Nhà Bè) hết hạn hợp đồng được lên bờ cách ly theo diện nhập cảnh.
Tiếp tục xét nghiệm F1, F2, TP tiếp tục phát hiện 2 thuyền viên dương tính nữa là BN 3124 và BN 3125. 16 thuyền viên còn lại và 74 người tiếp xúc với tàu trong quá trình vào bến, neo đậu, chuyển hàng... đều có kết quả âm tính.
Theo Giám đốc Sở Y tế, hiện TP đang tiếp tục điều tra các trường hợp tiếp xúc, lưu ý trường hợp tiếp xúc bất hợp pháp với các thuyền viên.
Theo ông Bỉnh, tuy những trường hợp trên tàu MD SUN hiện chưa phát hiện lây nhiễm ra cộng đồng, song với số lượng lớn người xuống tàu làm việc với thuyền viên không có trang phục phòng hộ, các thuyền viên từ nước ngoài về không được xét nghiệm thì nguy cơ là không nhỏ.
Ngoài ra, việc neo đậu nhiều ngày cũng là điều kiện thuận lợi cho việc xuống tàu và lên bờ bất hợp pháp mang theo mầm bệnh xâm nhập cộng đồng.
“Hiện TP có 60 cảng biển lớn, nhỏ, có đội tàu thuyền đông, lưu trú dài ngày, có nhiều trường hợp khi chuyển hàng xuống tàu phải sử dụng người bốc vác, do vậy nguy cơ tiếp xúc giữa nhân viên trên bờ với người trên tàu cao” - ông Bỉnh nói.
Do đó, ông Bỉnh đề nghị phải tăng cường kiểm soát dịch xâm nhập đường thủy, cần có camera giám sát người lên xuống, quá trình thuyền vận hành.
Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM kiểm tra công tác phòng dịch tại Cảng Cát Lái. Ảnh: HCDC
Báo cáo với chủ tịch TP Nguyễn Thành Phong, đại diện huyện Nhà Bè, cho biết tàu MD SUN do trạm biên phòng Phú Mỹ, huyện Nhà Bè quản lý. Ngay khi nhận thông tin thuyền viên dương tính, huyện đã điều tra được 41 trường hợp F1 là người dân tạm trú, neo đậu, hiện có 37 người âm tính, 4 người đang chờ kết quả.
Để kiểm soát người xuống tàu làm việc, theo đại diện Cảng vụ hàng hải TP.HCM, cảng vụ đã phối hợp với lực lượng biên phòng yêu cầu những người này phải có giấy phép của biên phòng. Công nhân rời tàu phải được sự kiểm tra, giám sát của biên phòng.
Tuy nhiên, theo đại diện lực lượng biên phòng, việc giám sát người lên xuống tàu làm hàng cũng gặp khó khăn khi liên lạc để xác minh địa chỉ cụ thể không có, đây là lỗ hổng cần tập trung kiểm soát.
Bổ sung thêm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) Nguyễn Trí Dũng cho rằng: Ở cảng có 2 đối tượng nguy cơ là hoa tiêu lai dắt tàu từ cảng về và nhân viên điều độ lên tàu ký hồ sơ giao nhận, phải tiếp xúc với thuyền viên trên tàu. HCDC đã nắm được danh sách có 130 người và đề nghị tiêm vaccine cho họ.
Ông Dũng đề nghị thuyền viên ở 60 cảng hàng hải qua vùng dịch, khi neo đậu tại TP phải làm xét nghiệm COVID-19 có trả phí. Ông Dũng cũng lo ngại việc kiểm soát người tàu bất hợp pháp gặp khó khăn khi tàu neo đậu thời gian lâu.
“Năm rồi có trường hợp lên tàu thăm chồng khi tàu neo đậu nhưng may mắn xét nghiệm âm tính. Nếu chẳng may có trường hợp lên tàu nhưng không phát hiện được mà có ca dương tính thì tình hình sẽ rất phức tạp” - ông Dũng dẫn chứng. Do đó, ông Dũng đề nghị các lực lượng chức năng cần giám sát việc lên tàu bất hợp pháp chặt chẽ.
Sau khi nghe báo cáo, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong lo ngại các F1 về gia đình thì sẽ có nhiều F2. Trong điều kiện mới không cho phép bằng lòng với kết quả âm tính, phải tiếp tục theo dõi, nếu không sẽ trả giá cho việc theo dõi không nghiêm ngặt.
Người đứng đầu TP yêu cầu các cảng biển, cảng nào thường xuyên tiếp nhận vận chuyển hàng hóa gắn với địa phương nào cần phối hợp với lực lượng biên phòng để thống nhất quy trình kiểm soát dịch chặt chẽ.