Nội dung thương thảo bạc triệu
Ngày 11/5, TAND TP.Hà Nội mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án đưa hối hộ và nhận hối lộ đối với 7 bị cáo trong đường dây bảo kê logo “xe vua” tại Hà Nội.
Trong đó, 4 bị cáo nguyên là cán bộ Thanh tra giao thông gồm: Lê Bá Dũng (sinh năm 1974, nguyên cán bộ Đội Thanh tra Giao thông Vận tải quận Hoàng Mai, Hà Nội), Trần Sỹ Cương (sinh năm 1984, nguyên cán bộ Đội Thanh tra cơ động thuộc Thanh tra Sở Giao thông Vận tải Hà Nội), Nguyễn Quốc Cương (sinh năm 1973, nguyên cán bộ Đội Thanh tra Giao thông Vận tải quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), Hoàng Văn Lân (sinh năm 1963, nguyên cán bộ Đội Thanh tra Giao thông Vận tải huyện Phú Xuyên, Hà Nội) bị VKSND TP.Hà Nội truy tố về tội Nhận hối lộ, theo quy định tại khoản 2, Điều 354, BLHS năm 2015.
3 bị cáo còn lại gồm: Nguyễn Ánh Hào (sinh năm 1981, ở tại phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), Lê Văn Cường (sinh năm 1980, nguyên cán bộ chi cục Quản lý đường bộ I.6 thuộc cục Quản lý đường bộ I - Tổng cục Đường bộ Việt Nam), Phạm Văn Vinh (sinh năm 1993, nguyên Tổng Giám đốc công ty Cổ phần đầu tư thương mại và vận tải Tuấn Vinh) bị VKS truy tố về tội Đưa hối lộ, theo quy định tại khoản 4, Điều 364 - BLHS năm 2015.
Theo cáo buộc của cơ quan công tố: Công ty cổ phần đầu tư Thương mại và vận tải Tuấn Vinh có trụ sở tại quận Hoàng Mai, Hà Nội; chủ yếu kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô tô và vật liệu xây dựng gồm 3 cổ đông do Phạm Văn Vinh là Tổng giám đốc, đại diện theo pháp luật của công ty.
Vào khoảng cuối năm 2015, Nguyễn Ánh Hào (tên gọi khác là Duy) quen biết Lê Văn Cường, là cán bộ cục Quản lý đường bộ I – Tổng cục đường bộ Việt Nam thông qua việc đến cơ quan của Cường để xin xử lý xe tải vi phạm trong lĩnh vực vận tải.
Cũng trong khoảng thời gian này, qua việc mua bán vật liệu xây dựng, Cường biết Phạm Văn Vinh.
Khoảng tháng 3/2016, Hào, Cường, Vinh thống nhất về việc thiết kế một loại logo có dòng chữ mang tên “Cty Tuấn Vinh” và tìm kiếm, mời các chủ xe ô tô tải (thường chở hàng quá tải trọng cho phép) nộp tiền cho Vinh, Hào để hàng tháng đi “quan hệ” với các cán bộ nhà nước trong lĩnh vực giao thông đường bộ, cho các xe tải khi lưu thông sẽ không bị kiểm tra, hoặc được bỏ qua lỗi vi phạm, hoặc xử nhẹ hơn lỗi vi phạm.
Sau đó, Hào và Vinh có nhiệm vụ vận động, mời các chủ xe ô tô tải nộp tiền, dán logo “cty Tuấn Vinh” để Hào, Vinh đi “quan hệ” với các cán bộ nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ.
Trong vụ án, Lê Văn Cường có nhiệm vụ: Khi đi làm nhiệm vụ thanh tra giao thông ở vị trí chốt nào sẽ thông báo cho Vinh hoặc Hào để hai người này thông báo cho các lái xe tránh khu vực, tuyến đường đó.
Trong thời gian đầu do chưa vận động được nhiều chủ xe tải nộp tiền cho nên Hào và Cường bàn nhau góp tiền làm quỹ, Cường góp 100 triệu đồng, Hào góp 50 triệu đồng để lấy vốn đi “quan hệ” (nhưng Cường khai chỉ góp 30 triệu đồng); đối với Vinh hàng tháng vẫn phải nộp số tiền 35 triệu đồng cho 10 xe tải của công ty Tuấn Vinh hoạt động.
Từ tháng 6/2016 đến tháng 01/2018, hàng tháng sau khi tính toán số tiền đã thu được từ các chủ xe và tiền chi để đi quan hệ, nếu còn thừa sẽ được chia cho Vinh 10 triệu đồng, số còn lại chia làm 03 phần, Hào nhận 1 phần, Cường nhận 02 phần.
Từ tháng 01/2018 đến tháng 10/2018, Hào, Cường, Vinh thống nhất Vinh sẽ không phải nộp tiền cho các xe ô tô tải của công ty Tuấn Vinh nữa, nhưng cuối tháng sẽ không được nhận 10 triệu đồng và số tiền còn thừa sẽ được chia thành 03 phần ăn chia như trước đó.
Với hình thức nêu trên, từ tháng 6/2016 đến tháng 10/2018, các bị cáo thu được tổng số tiền hơn 6,2 tỷ đồng để thực hiện việc hối lộ. Trong đó, Lê Bá Dũng đã nhận 96 triệu đồng; Nguyễn Quốc Cương nhận 63 triệu đồng, Trần Sỹ Cương đã nhận 136 triệu đồng, Hoàng Văn Lân nhận 11 triệu đồng và 1 chai rượu từ Vinh và Hào, để trong quá trình thực hiện nhiệm vụ sẽ bỏ qua hoặc nếu kiểm tra sẽ phạt lỗi nhẹ hơn so với thực tế đối với các xe tải có logo của công ty Tuấn Vinh.
Lời khai bất nhất
Tại cơ quan điều tra cũng như tại phiên tòa, bị cáo Hào khai nhận tiền “bảo kê” cho khoảng 80 – 90 xe ô tô tải (của 18 chủ xe); mỗi xe Hào thu từ 3 – 4 triệu đồng/tháng. Vào những ngày cuối cùng của tháng, Hào gặp trực tiếp để thu tiền hoặc bảo chủ xe chuyển tiền vào tài khoản mang tên vợ Hào. Hào nói, việc này vợ Hào không hề hay biết. Hào cũng thừa nhận trước tòa là cùng Cường bàn bạc về việc này và những người nhận tiền (4 bị cáo nguyên là cán bộ Thanh tra giao) cũng biết chủ trương “đi đêm” của các bị cáo.
Còn bị cáo Vinh khai nhận tiền của khoảng 20 chủ xe ô tô, với tổng số khoảng 40 – 50 xe tải các loại, mỗi xe Vinh thu từ 2,5 – 4,5 triệu đồng/xe, tùy thuộc vào loại xe. Số tiền Vinh nhận trong 01 tháng khoảng 200 triệu đồng.
Sau khi thu được tiền của các chủ xe, hàng tháng, Hào và Vinh trực tiếp đưa tiền cho các cán bộ có chức năng xử lý vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ để nhờ xử lý.
Đứng trước công đường, bị cáo Vinh nhiều lần nhấn mạnh rằng: “bị cáo trực tiếp đưa tiền cho những người có chức năng xử lý vi phạm là theo chỉ đạo của Hào và Cường. Hai người này bảo bị cáo đưa cho ai thì bị cáo đưa. Về mục đích đưa tiền, bị cáo nghĩ chắc cũng giống công ty của bị cáo đưa tiền để xe không bị xử lý hoặc bị xử lý với lỗi nhẹ hơn thực tế”, Vinh khai.
Trong khi đó, tại cơ quan điều tra, bị cáo Cường lại khai không biết việc Hào, Vinh nhận tiền của ai hay dùng tiền đó để đi “quan hệ” với các cán bộ nào thì Cường cũng không biết, không hỏi. Cứ khoảng 2 – 3 tháng, Vinh hoặc Hào sẽ đưa cho Cường số tiền đã chia nhau từ việc “bảo kê” xe tải mỗi tháng là 20 – 30 triệu đồng. Tổng cộng, Cường hưởng lợi 180 triệu đồng.
Đứng trước công đường, bị cáo Cường thừa nhận có cùng với Hào bàn bạc về việc làm logo cho xe tải. Tuy nhiên, bị cáo Cường cho rằng mình không hề có vai trò gì trong vụ án, bị cáo không biết việc của Hào và Vinh làm, cũng không phải là người đưa tiền cho các cán bộ có thẩm quyền trong việc xử lý vi phạm giao thông.
Chiều nay, phiên tòa tiếp tục với phần xét hỏi.