Thông tin gạo ST24, ST25 của kỹ sư Hồ Quang Cua bị doanh nghiệp ngoại đăng ký bảo hộ thương hiệu khiến nhiều người phải suy nghĩ về câu chuyện làm thế nào để bảo hộ thương hiệu của doanh nghiệp Việt khi "mang chuông đi đánh xứ người".
Doanh nghiệp "tự lực cánh sinh" khi làm thương hiệu
Bác sĩ Phạm Thị Kim Loan (TPHCM) - chủ sở hữu thương hiệu Doctorloan, một trong những thương hiệu được vinh danh tại chương trình "Thương hiệu Quốc gia" 2020 - nổi tiếng với sản phẩm gối và ghế chữa cột sống do bà tự sáng chế.
Mặc dù chưa bán ra thị trường nước ngoài, nhưng bà Phạm Thị Kim Loan đã đăng ký bảo hộ thương hiệu của mình tại hơn 30 quốc gia trên thế giới. Bởi, trong thời gian tới, đây là những thị trường mà bà Loan sẽ "nhắm" đến để xuất khẩu.
Bà Loan tự bỏ chi phí để bảo hộ thương hiệu, lên tới vài triệu USD. Số tiền này không hề nhỏ, nhưng doanh nghiệp này có ý thức bảo vệ thương hiệu của mình, không để bị "hớt tay trên".
"Sản phẩm này đã được tôi công bố tại Tổ chức Sở hữu trí tuệ toàn cầu (WIPO) và đã nhận được bằng sáng chế bảo hộ tuyệt đối trong 20 năm ở hơn 60 quốc gia" - bà Loan cho hay.
Theo nhận định của các chuyên gia, doanh nghiệp Việt phải tự ý thức bảo vệ thương hiệu của mình và việc đăng ký bảo hộ thương hiệu cần phải làm rất bài bản theo quy định chung của quốc tế. Một khi đã xác định thâm nhập, phát triển sản phẩm tại thị trường đó, điều đầu tiên cần làm là đăng ký, bảo hộ nhãn hiệu, thương hiệu, sản phẩm.
Trao đổi với Lao Động, ông Trương Hữu Thông - Chủ tịch Hội đồng thành viên, kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thông Thuận - cho rằng, trong bối cảnh hội nhập hiện nay, việc bảo hộ thương hiệu là vấn đề sống còn cho sự phát triển của một doanh nghiệp.
"Đây là điều phải nghĩ đến đầu tiên khi tham gia thị trường thế giới, dù chi phí đăng ký sở hữu trí tuệ tại các nước rất cao, nhưng kinh doanh là phải lường trước tất cả khó khăn, rủi ro có thể xảy ra và phải thực hiện tất cả biện pháp để giảm thiểu rủi ro, bảo vệ thương hiệu của mình” - ông Trương Hữu Thông nhấn mạnh.
Hỗ trợ cho doanh nghiệp đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ có thể vi phạm các cam kết quốc tế
Ông Hoàng Minh Chiến - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho hay, theo Luật Sở hữu trí tuệ, tất cả sản phẩm, tên thương hiệu muốn được bảo hộ ở quốc gia thứ 3, thì doanh nghiệp phải đăng ký sở hữu trí tuệ, thương hiệu tại thị trường đó.
Doanh nghiệp phải tự đăng ký và đăng ký theo mẫu mà cơ quan quản lý sở hữu trí tuệ nước sở tại quy định. Khi doanh nghiệp Việt nộp hồ sơ, họ sẽ xem xét cấp bảo hộ trên cơ sở hồ sơ doanh nghiệp Việt nộp.
Theo Phó cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, hiện nhà nước không thể chi ngân sách để hỗ trợ doanh nghiệp đăng ký bảo hộ thương hiệu tại thị trường nước ngoài, nên bắt buộc doanh nghiệp phải chịu chi phí đăng ký, thủ tục pháp lý theo đúng quy định.
Cũng theo lãnh đạo Cục Xúc tiến thương mại, trong mọi trường hợp liên quan đến tranh chấp về bảo hộ sở hữu trí tuệ, phải khẳng định trách nhiệm đầu tiên thuộc về doanh nghiệp, vì đây là tài sản (trí tuệ) của doanh nghiệp.
Thậm chí, nếu cơ quan nhà nước có cảnh báo hoặc khuyến cáo về nguy cơ, nhưng doanh nghiệp không mong muốn, không chủ động hay không hợp tác để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ ở một thị trường cụ thể thì cơ quan quản lý nhà nước cũng không thể làm thay được doanh nghiệp.
Hiện nay, Bộ Công Thương đang thực hiện chương trình "Thương hiệu Quốc gia". Đây là chương trình xúc tiến thương mại dài hạn nhằm xây dựng, quảng bá tên thương mại, chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam trên thị trường trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, chương trình Thương hiệu Quốc gia, xúc tiến chỉ có thể hỗ trợ quảng bá ngành hàng nói chung, không hỗ trợ quảng bá riêng cho một vài nhãn hiệu, doanh nghiệp nào, nên không thể có hỗ trợ trực tiếp.
Việc hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp để đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ, hay các biện pháp hỗ trợ cụ thể khác có thể có nguy cơ vi phạm cam kết trợ cấp của Hiệp định chống trợ cấp của WTO.
Xem thêm: odl.860809-teiv-peihgn-hnaod-auc-ueih-gnouht-oh-oab-oan-hcac-52ts-oag-neyuhc-ut/et-hnik/nv.gnodoal