Em Paul Frilingos, 15 tuổi, được tiêm vắc xin Pfizer tại bang Georgia, Mỹ, ngày 11-5 - Ảnh: REUTERS
"Mọi quốc gia trên thế giới hiện đang xem xét Mỹ như nguồn cung vắc xin", ông Biden nói trong một cuộc họp trực tuyến với các thống đốc bang ngày 11-5.
"40% các nhà lãnh đạo trên thế giới gọi điện và đề nghị liệu chúng ta có thể giúp họ không", ông Biden nói.
Tổng thống Mỹ không đề cập cụ thể tới nước nào. Tuy nhiên, theo Hãng tin AFP, dư luận quốc tế ngày càng có nhiều lời phàn nàn về việc chia sẻ số vắc xin khổng lồ mà Mỹ đang thừa cho các nước khác thiếu vắc xin.
Tháng trước, ông Biden cam kết sẽ phân phối 60 triệu liều AstraZeneca cho Ấn Độ, quốc gia đang chìm trong khủng hoảng COVID-19. Trước đó, Nhà Trắng cho biết họ cho nước láng giềng Mexico và Canada vay 4 triệu liều vắc xin AstraZeneca.
Washington đang phải chịu áp lực ngày càng lớn trong việc điều phối vắc xin, với số lượng thừa dự kiến lên tới hàng trăm triệu liều.
Ông Biden trong cuộc họp lặp lại quan điểm rằng ông ưu tiên tiêm chủng cho người Mỹ, nhưng cũng nói "sẽ làm việc với các quốc gia khác, vì có rất nhiều biến thể virus".
Theo Đài CNN, nước Mỹ đã tiến hành tiêm 261,2 triệu liều vắc xin tính tới ngày 11-5, tương đương với cứ 100 người thì có 79 liều vắc xin được tiêm.
Ngày 10-5, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đã cấp phép khẩn cấp tiêm vắc xin ngừa COVID-19 của Hãng dược Pfizer cho trẻ em từ 12 đến 15 tuổi.
Quyết định này là bước đi quan trọng để đảm bảo các trường trung học cơ sở và trung học phổ thông có thể mở cửa trở lại và học sinh có thể học trực tiếp trong năm học từ mùa thu tới.
TTO - Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 hoành hành, các trường y và những chương trình đào tạo về y tế cộng đồng tại Mỹ bất ngờ nhận được sự quan tâm rất lớn từ giới trẻ.