Còn thiếu nhiều vacccine
Với mục tiêu đảm bảo miễn dịch cộng đồng trong năm 2021, Việt Nam cần 150 triệu liều vaccine phòng COVID-19 để tiêm chủng cho người dân. Cùng với sự nỗ lực thúc đẩy nghiên cứu, phát triển vaccine trong nước, Việt Nam đang tiến hành đàm phán với các nhà sản xuất vaccine. Tuy nhiên, so với nhu cầu, Việt Nam vẫn đang còn thiếu lượng vaccine khá lớn. Hiện nay, nước ta mới có vaccine của AstraZeneca từ hai nguồn do COVAC Facylity hỗ trợ và do VNVC mua, đang được tiêm chủng mở rộng với 928.000 liều cho đối tượng ưu tiên. Đến nay, đã có hơn 700.000 người được tiêm phòng vaccine phòng COVID-19 của AstraZeneca cả hai đợt, còn gần 200.000 liều phải cố gắng tiêm xong trong tháng 5-2021. Ngoài ra, Việt Nam còn 1.000 liều vaccine của Liên bang Nga trao tặng, chưa triển khai tiêm.
Cán bộ chiến sĩ Trường Đại học Phòng cháy chữa cháy tiêm vaccine phòng COVID-19 |
Với tốc độ lây lan mạnh của đợt dịch thứ 4 như hiện nay, nhiều người quan tâm về tiến độ nhập khẩu vaccine của Việt Nam trong thời gian tới ra sao và khi nào tiếp tục có vaccine tiêm cho người dân? Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, Bộ Y tế nhận được sự chỉ đạo của Chính phủ và đang nỗ lực tiếp cận bằng mọi cách sớm nhất có vaccine cho người dân Việt Nam. Bộ Y tế bằng nhiều hình thức, từ trực tiếp, gián tiếp qua các đại sứ Việt Nam ở nước ngoài, qua các công ty giới thiệu để tìm nguồn vaccine. Trong năm 2021 và đầu 2022, dự kiến có một số nguồn vaccine nhập khẩu như sau: Thứ nhất là nguồn của COVAX Facility với 38,9 triệu liều, cơ bản đủ cho 19,4 triệu đối tượng ưu tiên theo Nghị quyết 21 của Chính phủ; thứ hai là 30 triệu liều của VNVC mua; thứ ba Bộ Y tế đang đàm phán với Công ty Pfizer (Mỹ) để cố gắng trong năm nay, đầu năm tới có 31 triệu liều vaccine. Ngoài ra, còn nhận thêm 2 triệu liều của một số đơn vị, tổ chức khác, đặc biệt từ Liên bang Nga được 2.000 liều.
Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cho biết, Việt Nam đã nhận được thông tin chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine phòng COVID-19 từ một số đối tác trên thế giới, cụ thể là Nhật Bản. Việt Nam cũng đã nhận được thông báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đồng ý cùng với các đối tác sẽ bàn giao chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine phòng COVID-19 mới nhất cho Việt Nam, đó là công nghệ mRNA do Công ty Pfizer và Moderna đang sở hữu. "Trong tháng 5 chúng tôi sẽ bàn cụ thể hơn với WHO và các đối tác về việc chuyển giao", ông Thuấn cho biết.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, ngoài nguồn nhập khẩu, vaccine phòng COVID-19 nghiên cứu sản xuất trong nước cũng đang rất triển vọng. Hiện, Việt Nam có 2 đơn vị nghiên cứu sản xuất vaccine là NANOGEN và Công ty Sản xuất vaccine và Sinh phẩm y tế (AVAC) đang tiến hành thử nghiệm lâm sàng. NANOGEN chuẩn bị thử nghiệm giai đoạn 3. IVAC hoàn thiện thử nghiệm giai đoạn 1 vào tháng 7 và giai đoạn 2 vào tháng 12-2021. Để sớm có vaccine trong nước tiêm phòng cho người dân, Bộ Y tế đang khẩn trương hỗ trợ các đơn vị nhanh chóng tiến hành thử nghiệm giai đoạn 3. Theo Thứ trưởng Trần Văn Thuấn, nếu không may dịch bùng phát, có thể phê chuẩn vaccine khẩn cấp trong tình hình dịch bệnh, ở thời điểm đó, nếu chúng ta thành công thử nghiệm giai đoạn 3 giữa kỳ, có thể sản xuất vaccine trong nước.
Tiêm vaccine rồi, có mắc COVID-19 thì bệnh sẽ nhẹ hơn nhiều
Trong những ngày qua, dư luận đặc biệt quan tâm đến hiệu lực bảo vệ của vaccine AstraZeneca khi một số trường hợp là nhân viên y tế của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương mắc COVID-19 sau khi tiêm vaccine mũi 1. Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế), tiêm mũi 1 vaccine phòng COVID-19 chưa thể đánh giá được sinh miễn dịch. "Thông thường, với bất cứ loại vaccine nào, 15 ngày sau tiêm là sinh miễn dịch. Miễn dịch đạt được đỉnh nhiều hay ít tùy thuộc vào từng loại vaccine. Qua nghiên cứu chưa đầy đủ, tính sinh miễn dịch của vaccine AstraZeneca được khoảng 60-70% trở lên tùy theo các báo cáo, tuy vậy cũng chưa biết mức độ giảm nguy cơ lây bệnh như thế nào, sự tồn tại miễn dịch trong cơ thể con người bao lâu, vẫn còn đang tiếp tục nghiên cứu. Trên thế giới, tỷ lệ nhiễm COVID-19 sau tiêm mũi 2 vẫn có", ông Phu cho biết. Tại Việt Nam, trên 700 nghìn trường hợp tiêm vaccine phòng COVID-19 mới tiêm mũi 1, có một số ít người bắt đầu tiêm mũi 2.
Trong tiến trình sản xuất vaccine, WHO cho phép vaccine phòng COVID-19 có hiệu quả hơn 50% được thông qua quy trình khẩn cấp để sử dụng cho chống dịch, tức là số phần trăm còn lại vẫn có thể nhiễm virus SARS-CoV-2, nhưng sẽ hạn chế được tỷ lệ người mắc bệnh nặng hoặc nhập viện nếu không may bị nhiễm. Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường, hiệu quả của vaccine phòng COVID-19 đã được thế giới công nhận. Tuy nhiên, không một loại vaccine nào đạt hiệu quả 100% mà vẫn có nguy cơ sau tiêm vaccine, người tiêm có thể bị nhiễm virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, nếu tiêm vaccine rồi mà mắc COVID-19 thì bệnh sẽ nhẹ đi rất nhiều.
Khẳng định về điều này, TS. BS Phạm Quang Thái, Trưởng văn phòng Tiêm chủng mở rộng Khu vực miền bắc, Khoa Kiểm soát Bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương nói: Việc tiêm vaccine chính là bảo vệ người được tiêm khỏi mắc thể nặng và phải nhập viện. Cho đến thời điểm này, vaccine được sử dụng tại Việt Nam đã được chứng minh trên thực địa khi chưa có trường hợp tiêm đủ hai mũi nào bị bệnh nặng hay tử vong.
Chuyên gia Trần Đắc Phu cũng nhấn mạnh, việc phòng bệnh truyền nhiễm nói chung và COVID-19 nói riêng, vaccine vẫn là bền vững nhất. Nếu có đủ vaccine tiêm cho người dân thì không có gì tốt hơn. Tuy nhiên, giờ chúng ta đang thiếu vaccine, nên biện pháp phòng dịch của toàn dân là vô cùng quan trọng. Ông Phu cũng cho biết, sau khi Bộ Y tế đưa ra hàng loạt các biện pháp khám sàng lọc, cấp cứu sau tiêm, xử lý phản ứng, đã ghi nhận ít trường hợp phản ứng sau tiêm hơn, tâm lý người dân ổn định và không ngần ngại tiêm.
Tuy nhiên, theo khuyến cáo, kể cả tiêm 2 mũi vaccine, người được tiêm vẫn có thể nhiễm và là nguồn lây cho người khác. Vì vây, vẫn phải thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm 5K của Bộ Y tế.
Trần Hằng