Một bạn trẻ giơ tay phát biểu: Xin chia sẻ rất thật, chúng em hôm nay phần lớn không có sách gối đầu giường, mà chỉ có iphone gối đầu giường. Nhiều ngày sau, tôi vẫn nghĩ về chia sẻ của bạn trẻ, và hình dung tới cái ngày có thể toàn bộ nhân loại sẽ bước vào một kỷ nguyên đọc với một thứ văn hoá đọc hoàn toàn khác so với những lớp người đi trước.
Ảnh: LG. |
Khi nói về giai đoạn Minh Trị Duy Tân của người Nhật, các học giả thường nói đến những cuốn sách của Fukuzawa, điển hình nhất là "Bàn về văn minh". Ở giai đoạn cuối thế kỷ 19, khi tiếng súng xâm lược phương Tây bắn vào nước Nhật, khi một nền văn minh mới đụng chạm với một nền văn minh cũ thì những nhà tư tưởng như Fukuzawa hiểu rằng, thanh niên Nhật cần phải biết thế nào là "văn minh mới". Có những vấn đề bây giờ đọc lại thấy rất đơn giản nhưng ở thời điểm đó lại có ý nghĩa bản lề, mở ra một cách nghĩ mới, một cách sống mới, một tâm thế mới cho thanh niên Nhật.
Chẳng hạn như việc Fukuzawa so sánh "đạo đức" với "tri thức" và khẳng định những phạm trù đạo đức như lòng tốt, sự lương thiện, tinh thần thượng võ… trải qua các thời đại gần như là những giá trị bất biến, còn tri thức lại thiên biến vạn biến, trong đó cái sau không ngừng phủ nhận cái trước. Cho nên nếu chỉ khư khư bàn về đạo đức, gìn giữ đạo đức, coi đấy là tiêu chí duy nhất của văn minh, mà coi thường tri thức, đặc biệt là không chịu cập nhật những tri thức mới, người Nhật sẽ càng ngày càng tụt hậu.
Cũng với tinh thần đó, Fukuzawa nói rằng, bàn về khái niệm độc lập dân tộc mà chỉ bàn ở khía cạnh địa lý hành chính thì mới chỉ chạm vào cái vỏ đơn thuần của khái niệm. Cái bản chất quan trọng của khái niệm là trình độ tri thức - trình độ phát triển của dân tộc ấy đến đâu? Những tư tưởng rất mới mẻ vào thời điểm đó làm bừng tỉnh thanh niên Nhật, và "Bàn về văn minh" của Fukuzawa vì thế trở thành cuốn sách gối đầu giường cho một lớp người kiên quyết vùng lên, tìm cách thay đổi thứ hạng của dân tộc mình.
Nhìn rộng ra, ở nhiều dân tộc khác, trong những bước chuyển mang tính bản lề của lịch sử luôn có những cuốn sách gối đầu giường định hướng cho một lớp người. Mọi so sánh đều khập khiễng, và cũng khó tạo ra những tác động sâu sắc đến tầng lớp thanh niên như cách mà "Bàn về văn minh" của Fukuzawa đã làm được ở Nhật Bản, nhưng vào đầu những năm 40 của thế kỷ 20 ở Việt Nam, cuốn "Trai nước Nam làm gì?" của nhà văn hoá Hoàng Đạo Thuý cũng khiến một bộ phận người nào đó phải cật vấn lại chính mình. Phải làm gì để vượt thoát khỏi một luỹ tre làng đầy ám ảnh trong tâm tưởng? Phải làm gì để hy vọng có thể vững vàng tiến về phía chân trời văn minh? Trong cuốn sách ấy, Hoàng Đạo Thuý còn chia sẻ những vấn đề rất cụ thể nhưng rất mới mẻ với thanh niên Việt Nam đương thời: phải ăn uống ra sao cho đủ chất? Phải tập luyện mỗi ngày ra sao cho đủ sức khoẻ?
"Trai nước Nam làm gì?", câu hỏi ấy đến thời đại hôm nay vẫn đầy nhức nhối. Ở khía cạnh chúng ta đang bàn, có thể co hẹp lại: Trai nước Nam hôm nay đọc sách gì? Và có thể tìm những cuốn sách gối đầu giường nào không?
"Chúng em hôm nay phần lớn không có sách gối đầu giường, mà chỉ có iphone gối đầu giường" - câu trả lời rất chân thành của một bạn thanh niên mà tôi dẫn ở trên liệu có tính phổ quát không? Về nguyên tắc, cần một cuộc khảo sát xã hội học mới có thể trả lời tương đối chính xác. Nhưng khi chưa có một khảo sát như vậy, chúng ta buộc phải dừng lại ở góc độ cảm nhận, và chỉ bằng cảm nhận có lẽ chúng ta đều thống nhất: chuyện người trẻ "ăn iphone, ngủ iphone, đọc iphone" là thực tế dễ nhận ra. Từ "sách gối đầu giường" đến "iphone gối đầu giường" thể hiện hai nhịp điệu khác nhau của nhân loại, và hãy khách quan xem xét sự tương phản của hai nhịp điệu ấy mà không gắn vào nó bất cứ định kiến nào.
Với sách, chúng ta sẽ tập trung vào một chủ đề lớn (được thể hiện trong từng cuốn sách mình chọn lựa), còn với iphone chúng ta dễ bị phân tán, bởi đây là công cụ cho phép có thể đọc nhiều chương trình cùng lúc. Đấy là chưa nói tới việc khi đang đọc sách online, bất chợt faecbook thông báo có một commnet mới, gmail thông báo có một thư điện tử mới, youtube thông báo có một video mới đến từ một kênh mình đăng ký. Tất cả những thông báo đó đều vô cùng cám dỗ, người đọc sách online có chấp nhận lờ đi mọi cám dỗ để chuyên tâm vào việc đọc? Vì thế chăng mà trong thời đại bùng nổ thông tin và cám dỗ thông tin, một nhận xét kinh viện thường được dẫn đi dẫn lại: chúng ta đang ngập ngụa thông tin mà đói khát tri thức. Thói quen lướt mạng, đọc nhanh, xử lý nhiều chức năng online cùng lúc khiến chúng ta dễ nạp rất nhiều thông tin vào mình, nhưng thường trống vắng kỹ năng và phông văn hoá để tổ chức các thông tin đó. Và thông tin không được tổ chức chỉ là những thông tin vụn, chứ không thể trở thành tri thức, chìm lặn vào bộ óc mỗi người.
Với sách, mắt chúng ta tiếp cận văn bản giấy, còn với máy tính, iphone, mắt chúng ta chạm vào những màn hình thông minh. Tất cả những màn hình này đều có tấm đèn nền phát ra ánh sáng với những tần số nhất định, cho nên khi đọc sách online, thực tế mắt chúng ta đang trực tiếp nhìn vào hàng triệu bóng đèn nhỏ thi nhau nhấp nháy. Ngày nay, những nhà sản xuất không ngừng quảng cáo về những màn hình thân thiện/ không độc hại/ không nhức mắt/ không mệt mỏi, nhưng sự khác biệt giữa những màn hình đó với những trang sách giấy trong việc tác động vào thế giới tưởng tượng của chúng ta là điều mà mỗi người đều có thể trả lời thông qua những thực hành cá nhân. Với riêng mình, không biết có phải do thói quen được lập trình từ nhiều năm hay không mà khi đọc sách giấy, tôi thấy sự tưởng tượng của mình dễ dàng và phong phú hơn khi đọc sách online. Mà năng lực tưởng tượng là năng lực tối quan trọng của sáng tạo
Tóm lại, xét ở phượng diện tư duy, sách giống như biểu tượng của sự tập trung, còn iphone giống như biểu tượng của sự phân mảnh. Cho nên "sách gối đầu giường" và "iphone gối đầu giường" là 2 cách thế khác nhau trong quá trình tiếp cận tri thức của con người. Tới đây, có ít nhất 2 câu hỏi phải đặt ra: Một, trong tương lai xa xôi nào đó, iphone có thể loại bỏ mọi khiếm khuyết hiện có để giành giật luôn cái chức năng "duy trì sự tập trung" tưởng là chức năng độc quyền của sách? Hai, kể từ lúc này cho đến thời điểm đó, khái niệm "gối đầu giường" còn phù hợp nữa không?
Với câu hỏi thứ nhất, bên cạnh những biến chuyển khó tưởng tượng của công cụ cũng phải tính đến những biến chuyển khó tưởng tượng của con người. Chẳng hạn như đã có những giả thuyết về việc để khắc phục tình trạng bị nhấn chìm tới mức vô phương hướng trong dòng bão lũ thông tin, con người trong tương lai khi sinh ra sẽ được cài một con chip đặc biệt vào não bộ. Với một con chíp đặc biệt như thế, khả năng tương tác và tập trung giữa con người và iphone có thể còn tối ưu hơn nhiều so với khả năng tương tác giữa con người và sách vở. Đến lúc đó, những cuốn sách tuyệt chủng cũng chưa biết chừng.
Còn với câu hỏi thứ hai, thì ở phương Tây ngay từ cuối thế kỷ 19 đã được đặt ra. Khi đó các nhà triết học hậu hiện đại cho rằng sau hàng thế kỷ bị "cầm tù" bởi các đại tự sự, tức là những tư tưởng lớn - những cuốn sách lớn - những công cuộc "gối đầu giường" lớn, đã đến lúc con người phá bỏ tất cả để chỉ sống với những câu chuyện và những chọn lựa của riêng mình. Lúc này đại tự sự được thay bằng tiểu tự sự, và trong quỹ đạo của tiểu tự sự, hẳn nhiên chẳng việc gì phải "gối đầu" vào một cuốn sách. Nhưng sau quá trình các tiểu tự sự bị lạm phát, ai cũng thi nhau chứng tỏ uy quyền của cái tôi cá nhân thì chủ nghĩa hỗn độn xuất hiện ở đây đó, biểu hiện rõ nhất là ở trên không gian mạng.
Cho nên có thể không cần gối đầu giường bằng những cuốn sách lớn/ những đại tự sự nhưng con người vẫn cần tham khảo nó trong quá trình kiến tạo những tiểu tự sự chín chắn và có trách nhiệm. Chỉ có như vậy, chủ nghĩa hỗn độn mới không đe dọa những giá trị căn cốt mà loài người luôn hướng đến, vì sự tồn vong của chính mình!
Phan Mỹ ChíXem thêm: /534046-gnouig-uad-iog-enohpi-iad-ioht-tom-oC/mad-nahN/nv.moc.dnac.tcgtna