Thường nghe những kiệt tác hội họa được mua với giá hàng chục triệu USD nhưng với chính tác giả của những tác phẩm đó chưa chắc đã bán nổi với giá rẻ như cho. Bức “Người nữ nông dân trước nông trại” của Van Gogh từng bán giá chỉ 4 bảng năm 1960 nhưng đã trở lại sàn đấu giá với dự kiến 18 triệu USD. Bức “Khung cảnh Montmartrea” của Van Gogh đấu giá tại Pháp đã bán với hơn 15 triệu USD.
Có bài ca đại ý rằng chúng tôi, những nghệ sĩ ở đồi Montmartrea của Paris ánh sáng. Chúng tôi không đủ tiền thuê nhà… nhưng đêm vẫn mơ tới đỉnh vinh quang. Nghệ sĩ thuần khiết thì nhu cầu phần xác chẳng đáng là bao, phần hồn rất lớn. Nếu không thành công, có người còn tự tử.
Nhiều thế kỷ, họa sĩ kiếm sống châu Âu chỉ làm theo yêu cầu đặt hàng nhất định. Đề tài bó hẹp phục vụ nhà thờ và giới quý tộc. Nghệ sĩ không thể phá không thể bán “cái tôi” trong tranh với giá cao được. Khi nền kinh tế thị trường phát triển thì nghệ thuật cũng biết đưa đẩy cùng “sóng” truyền thông mà giá tăng chóng mặt.
Nếu chỉ cần một chữ “đẹp” có thể biết được giá bán thì may mắn cho giới cầm cọ quá. Nhưng với các nghệ sĩ đều có phẩm chất “Ta là một, là riêng, là thứ nhất” thì chữ đẹp chia làm trăm vạn mảnh. Ngay cả giám tuyển sành sỏi cũng không thống nhất với nhau nhưng họ có thể nhìn trước tương lai nếu tác phẩm mang trong nó những câu chuyện của cuộc đời tác giả, thời đại nó được sinh ra. Như Van Gogh cả đời nhờ người em trai Theodorus chu cấp tiền để sống chứ tranh của ông khi đó chẳng ai quan tâm.
Ở nước ta, một thời tranh chỉ trông vào Tây mua. Sau khủng hoảng kinh tế đầu thế kỷ 21 thì khách Tây vắng dần. Cách đây ít lâu, một họa sĩ Hà Nội tuyên bố giá bức tranh mình 7 triệu USD. Tuyên bố vậy nhưng cũng chưa có ai mua. Bằng hữu bảo điên à, giá căn cứ vào đâu? Người khác nhìn anh với cái nhìn thông cảm. Người lạc quan thì nói ai mà biết được.
Có những họa sĩ từ chối gửi gắm tranh cho nhà giám tuyển bởi các nhà giám tuyển dám định giá tranh của họ đôi khi như xúc phạm. Đôi khi chỉ vì thao tác định giá mà “mất anh mất em”.
Đã là thiên tài thì bao giờ cũng “đầu thai nhầm thế kỷ”. Nói chung những bức tranh bán được giá cao thì họa sĩ thường đã qua đời. Thiên tài như Van Gogh nếu như không tự sát bằng súng thì có thể câu chuyện về những bức tranh của ông cũng khác hoàn toàn. Vậy các họa sĩ chỉ vẽ vì giá bán tranh thì sáng tạo có còn không?
Có một số họa sĩ xứ ta vẽ nhà tu hành bán được thì tiếp tục vẽ nhà tu hành. Có anh vẽ nón lá, bán được, mãi mãi vẽ nón. Có anh vẽ trâu bán tốt, cả đời vẽ hai cái sừng. Khi nghệ sĩ quá nghiêng việc nghe ngóng thị trường thì vai trò tiền phong giảm đi và họ lấn dần sang vai trò kinh doanh. Ngày nay, các nhà sưu tập tranh giá cao ngày càng nhiều người Việt. Nghệ sĩ không sợ đói nữa, chỉ sợ đánh mất mình.
Hãy nhẹ lòng vì giá trị nghệ thuật và giá mua bán tác phẩm là hai vấn đề khác, xa nhau. Làm ra bức tranh đẹp thì họa sĩ làm được, còn giá của nó phải vận hành theo thị trường.
“Chúng tôi không đủ tiền thuê nhà… nhưng đêm vẫn mơ tới đỉnh vinh quang.” Với người phàm thì câu đó của kẻ điên. Nhưng chỉ kẻ điên mới sáng tạo ra thế giới.
Lê TâmXem thêm: /824046-tahn-uht-al-gneir-al-tom-al-aT/yat-oS/nv.moc.dnac.tcgtna