Con đường gập ghềnh
Tháng 7-2015, một thỏa thuận về chương trình hạt nhân Iran được ký kết giữa Iran với nhóm P5+1 (gồm 5 thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và Đức). Theo thỏa thuận này, Iran đã đồng ý cắt giảm kho dự trữ uranium cũng như số lượng máy ly tâm của mình. Các hoạt động làm giàu uranium sẽ được giới hạn chỉ để phục vụ mục đích dân sự.
Để theo dõi sự tuân thủ của Iran, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) sẽ giám sát thường xuyên tất cả các cơ sở hạt nhân của nước này. Đổi lại việc tuân thủ các cam kết, Iran sẽ nhận được sự trợ giúp từ Mỹ, EU và Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc để gỡ bỏ các lệnh trừng phạt liên quan đến hoạt động hạt nhân trước đó.
Quyết tâm quay lại đàm phán với Iran là khác biệt lớn nhất giữa ông Biden so với người tiền nhiệm. |
Thỏa thuận này kết thúc hơn một thập niên căng thẳng về nguy cơ xuất hiện một nhà nước sở hữu vũ khí hạt nhân ở khu vực Trung Đông. Đây được coi là chiến thắng ngoại giao quan trọng nhất trong giai đoạn cầm quyền của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama. Ở thời điểm đó, ông Joe Biden, vị tổng thống hiện tại của nước Mỹ - là phó tổng thống của ông Obama - là một trong những nhân vật quan trọng thúc đẩy đạt được thỏa thuận này.
Thế nhưng, vào tháng 5-2018, Tổng thống Donald Trump đơn phương rút Mỹ khỏi JCPOA, đồng thời áp đặt các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt đối với Iran. Các biện pháp trừng phạt về kinh tế thậm chí được tăng cường khi Iran đương đầu với đại dịch COVID-19 khiến cho đất nước này trở thành điểm bùng phát dữ dội nhất ở Trung Đông, đã dẫn đến cái chết của gần 50.000 người.
Các biện pháp cứng rắn của chính quyền ông Donald Trump tạo sức ép lên chính quyền Iran nhưng cũng khiến cho phía Iran quay lại phản ứng một cách mạnh mẽ hơn. Sự trỗi dậy của các nhóm cứng rắn ở cả hai bên đã kéo theo những căng thẳng trong quan hệ song phương, đẩy Trung Đông vào một giai đoạn bất ổn mới.
Với tư cách là một trong những người đã tạo nên JCPOA, ngay sau khi lên nắm quyền, Tổng thống Joe Biden đã đặt mục tiêu khôi phục thỏa thuận này như một nhiệm vụ quan trọng trong nhiệm kỳ của mình. Thật may mắn khi ông không phải người duy nhất muốn làm điều đó.
Những động lực thúc đẩy phục hồi JCPOA
Ngay khi ông Joe Biden được công nhận giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, phía Iran cũng đã có những phản ứng tích cực. Trong một phát biểu trên tờ Al Jazeera từ ngày 25-11-2020, Tổng thống Iran, Hassan Rouhani cho biết nếu chính quyền ông Joe Biden sắp tới có ý chí chính trị thì quan hệ Mỹ-Iran có thể đảo ngược: “Iran và Mỹ đều có thể quyết định trở lại các trạng thái như trước ngày 20-1-2017 (thời điểm ông Donald Trump lên nắm quyền). Đây có thể là một giải pháp tuyệt vời cho hàng loạt vấn đề”.
“Vấn đề” mà ông Rouhani đề cập đến chính là khó khăn mà chính quyền Iran gặp phải khi chịu lệnh trừng phạt của Mỹ. Về kinh tế, ít nhất 20 tỷ USD tiền bán dầu của Iran đã bị Mỹ phong tỏa. Các đối tác làm ăn với Iran bị trừng phạt, ngăn chặn. Đây là cú đánh mạnh vào nền kinh tế quốc gia Trung Đông này. Những cuộc tấn công trực diện như vụ bắn tên lửa vào tướng Soleimani thì làm bùng phát làn sóng chống Mỹ gây căng thẳng trong nước.
Ông Rouhani, một người được biết tới với quan điểm ôn hòa liên tục phải chịu sức ép chính trị từ những thế lực cứng rắn. Chính vì thế, mong muốn của Tổng thống Hassan Rouhani là Iran và Mỹ có thể đảo ngược quãng thời gian 4 năm qua và trở lại trạng thái trước khi ông Donald Trump làm tổng thống.
Vienna lại một lần nữa trở thành điểm đến của các bên cho cuộc gặp nhằm tái lập JCPOA. |
Về phía Mỹ, ngoài việc “đòi lại” một thành tựu trong quá khứ của mình, ông Joe Biden cũng nhìn nhận: việc gây sức ép với Iran dường như không đem lại tác dụng. Với việc Iran nhanh chóng làm giàu uranium lên mức 60% trong thời gian ngắn, mối lo về việc có một quốc gia Hồi giáo sở hữu vũ khí hạt nhân ngay giữa Trung Đông trở nên rất rõ ràng. Nếu điều này xảy ra, Mỹ sẽ không thể đảm bảo an toàn cho các đồng minh trong khu vực và một cuộc chạy đua hạt nhân là điều khó tránh khỏi. Đây sẽ là thất bại lớn của nước Mỹ cũng như cả thế giới nói chung.
Chính vì thế, JCPOA được tất cả các cường quốc ủng hộ như một cách để kiểm soát tình hình. Bởi, JCPOA có thể chưa hoàn thiện nhưng nó tạo khuôn khổ để Mỹ kìm hãm cũng như kiểm soát được chương trình hạt nhân của Iran, sau khi mọi biện pháp khác đã áp dụng đều thất bại. Việc nới lỏng các lệnh trừng phạt Iran sẽ giúp cho các nhóm ôn hòa trong chính quyền được phát triển. Những hành động “ngáng đường” hoặc “chống đối” Mỹ trong khu vực sẽ giảm. Thực tế, cả Iran và Mỹ đều có những mối quan hệ chồng chéo trong khu vực, một sự “hợp tác” ở bất cứ mức độ nào đều đem đến nhiều lợi ích cho cả hai.
Iran cần dỡ bỏ cấm vận còn Mỹ cần một sự đảm bảo. Thỏa thuận là rất rõ ràng, vấn đề là ai sẽ tiến tới trước.
Những bước đi mới
Thỏa thuận vốn đã có từ trước thời điểm ông Biden lên nắm quyền khá lâu. Mục đích chỉ là khôi phục nó và cả hai phía đều muốn làm như vậy. Có điều, vấn đề khó đối với cả hai bên là trở lại JCPOA như thế nào để không bị coi là yếu thế trước bên kia. Ngay khi có tin ông Biden thắng cử, trái với sự hồ hởi của Tổng thống Rouhani, lãnh đạo tinh thần tối cao của Iran là Đại giáo chủ Ali Khamenei khẳng định: Cần "hành động chứ không phải lời nói suông". Iran muốn người Mỹ rút lại những lệnh trừng phạt trước, đồng thời đảm bảo việc phá vỡ thỏa thuận sẽ không xảy ra một lần nữa.
Ngày 15-2-2021, một vụ tấn công bằng rocket vào căn cứ liên quân do Mỹ đứng đầu tại Iraq đã khiến 1 người chết và 5 người bị thương. 15 quả rocket được phóng ra bởi một nhóm du kích thân Iran với lý do "nhằm vào những kẻ thù chiếm đóng". Dù không trực diện nhưng cuộc tấn công này được coi là phép thử đối với tân Tổng thống Mỹ Joe Biden về quan hệ Mỹ-Iran. Động thái "ra đòn trước" này của Iran cũng đi ngược lại với những gì mà họ từng thể hiện dưới thời Tổng thống Donald Trump trước đó khi phía Iran thường phản ứng theo sau những bước đi của người Mỹ chứ không chủ động khơi mào như vậy.
Ngày 16-2, Ngoại trưởng Mỹ Blinken tuyên bố: "Con đường ngoại giao hiện đã mở". Một tuyên bố ở thời điểm nhạy cảm cho thấy chính quyền hiện tại của Mỹ có thể "bỏ qua" một số vấn đề để đạt tới mục đích chính mà mình mong muốn. Đây chính là phản ứng mà Iran chờ đợi. Thay bằng những quả tên lửa bắn lại, bàn tay ngoại giao đã được chìa ra.
Cuộc đàm phán nhằm khôi phục lại thỏa thuận hạt nhân hồi năm 2015 đã chính thức bắt đầu từ ngày 15-4 vừa qua tại Vienna, Áo. Theo đó, các quan chức Mỹ và Iran sẽ có mặt cùng đại diện của các cường quốc Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức để hướng tới khôi phục JCPOA.
Đã có nhiều bước tiến trong cuộc đàm phán nhờ sự thiện chí của hai bên. Nhưng, như đã nói, vì là một cuộc "tái lập" nên cả hai bên đều cần bổ sung những điều khoản mới nhằm đảm bảo thỏa thuận sẽ không dễ dàng bị hủy bỏ một lần nữa.
Thêm vào đó, ông Hassan Rouhani, vị tổng thống ôn hòa của Iran lại sắp rời nhiệm sở vào tháng 6 tới đây sau 2 nhiệm kỳ nắm quyền liên tiếp. Ai sẽ kế nhiệm ông Rouhani và liệu người đó có đủ nhiệt thành để tiếp tục cuộc đàm phán hay không vẫn là câu hỏi bỏ lửng. Chính vì vậy, dù rất muốn, có lẽ JCPOA cũng sẽ không thể trở lại sớm hơn được thời điểm bầu cử đó. Còn thế giới sẽ vẫn phải ngồi chờ những bước đi chủ động tích cực từ cả hai phía, cho một lộ trình dài.
Tử UyênXem thêm: /378046-gnoud-noc-tom-nan-naiG/ed-neyuhC/nv.moc.dnac.tcgtna