Bệnh viện K là thành trì thứ 2 trong hệ thống bệnh viện tuyến trung ương phải phong tỏa để phòng chống đại dịch COVID-19. Đã 5 ngày trôi qua kể từ khi ba cơ sở của bệnh viện này thực hiện lệnh “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, gần 3.500 người gồm bác sĩ, nhân viên y tế, bệnh nhân và người nhà cùng nhau sống, điều trị bệnh và chiến đấu với kẻ thù vô hình mang tên SARS-CoV-2. Đó không đơn thuần là cuộc phong tỏa như từng diễn ra ở nơi này nơi kia. Ở đây là số phận hàng nghìn bệnh nhân mà sức đề kháng với bệnh tật như đèn dầu trước gió.
Lệnh phong tỏa phát đi, hơn 700 bác sĩ, điều dưỡng và nhân viên y tế được lệnh không rời vị trí công việc. Tại khoa Nội 6, bác sĩ Phùng Thị Huyền, Trưởng khoa, cho biết có 5 bác sĩ, 7 điều dưỡng, 42 người bệnh và 12 người nhà bệnh nhân đi kèm đang thực hiện cách ly tại Bệnh viện K. Ngoài ra, có 5 bác sĩ và 6 điều dưỡng đang ở bên ngoài khu cách ly. Cả hai vợ chồng chị đang cách ly tại bệnh viện, có thể kéo dài 14 ngày, 21 ngày hoặc lâu hơn, trong khi 2 con của chị vẫn còn nhỏ.
“Tôi cũng xác định nhiệm vụ của mình và cần thực hiện trong bất kì hoàn cảnh nào. Nên trước đó, khi đến bệnh viện, luôn chuẩn bị thêm tư trang, sẵn sàng ở lại bệnh viện bất cứ lúc nào”, bác sĩ Hiền nói.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm kiệt sức sau nhiều giờ làm việc liên tục Ảnh: Trần Hà |
Hiện tại, khoa Nội 6 có 1.000 bệnh nhân ở bên ngoài và đang chờ đến đợt để tới viện điều trị. Mỗi bác sĩ phải nắm được tình trạng của bệnh nhân mình quản lý bao gồm tên, tuổi, địa chỉ và ngày bệnh nhân quay lại điều trị. Gần 1 tuần qua, giữa bộn bề lo toan công việc, những chiến sĩ áo trắng đều xác định mình đang ở tâm dịch nên tuân thủ nghiêm ngặt quy định về phòng chống COVID-19.
Không có những phút rảnh rỗi để trò chuyện, tâm sự nhưng sau lớp khẩu trang y tế vẫn có những nụ cười chia sẻ niềm vui ai đó trong số họ nhận kết quả xét nghiệm âm tính. Đồng nghĩa với tiếp thêm niềm tin và sức mạnh để họ yên tâm điều trị cho bệnh nhân. Những người thân ở nhà bớt âu lo.
Điều dưỡng H.Th.H cho biết, dù áp lực nhưng không vì thế mà những người như chị nản lòng. Họ luôn theo sát người bệnh khi có các triệu chứng liên quan ung thư cũng như COVID-19. Bác sĩ Huyền nói: “Chúng tôi chủ động gọi điện và căn dặn bệnh nhân, nếu bệnh nhân cần cấp cứu phải liên lạc tới bác sĩ quản lý và đến các cơ ở y tế địa phương gần nhất để điều trị. Chúng tôi luôn sẵn sàng cung cấp thông tin tình trạng bệnh tật, những can thiệp y tế với bệnh nhân để các bác sĩ tuyến dưới tiến hành điều trị, cấp cứu”.
Trước khi bị bệnh viện bị phong tỏa, TS. Nguyễn Khắc Điềm, Trưởng khoa Ngoại lồng ngực, và các đồng nghiệp đã chuẩn bị sẵn tâm thế. “Nhưng với người bệnh thì rất thương vì họ cần điều trị đúng thời gian, thời điểm. Người bệnh chưa chuẩn bị trước cho tình huống này. Rất nhiều bệnh nhân cũng hỏi chúng tôi phải làm gì. Hiện, chúng tôi đảm bảo cung cấp nhu yếu phẩm cho người bệnh từ kem đánh răng, bàn chải, khăn tắm, dầu gội đầu… để mong người bệnh cùng với bác sĩ vượt qua thời gian cách ly này”, bác sĩ Điềm nói.
Bệnh viện K không phải là bệnh viện đầu tiên rơi vào tình huống phải phong tỏa nên vợ chồng bác sĩ Huyền từng trò chuyện về việc này. Chị cũng trao đổi với con gái để con hiểu và chuẩn bị tinh thần. Nhưng cô con gái nhỏ chưa thể hiểu thế nào là cách ly, chỉ nghĩ bố mẹ đi vắng. Cô bé hứa với mẹ sẽ chăm chỉ học bài, trông em, gọi điện cho bố mẹ. Mỗi tối khi tranh thủ được thời gian, hai vợ chồng lại gọi về cho các con.
Kể đến đây, giọng bác sĩ Huyền nghẹn lại, chưa lần nào các con xa cùng lúc cả bố và mẹ lâu đến thế. Dẫu đã chuẩn bị tinh thần cho con từ sớm nhưng ngày đặc biệt đến vẫn khiến người mẹ trẻ nhói lòng.
“Buổi sáng 7/5 khi tôi nhận thông tin phong toả, yêu cầu lãnh đạo khoa, phòng phải vào viện. Giây phút quay lại nhìn các con đang ngủ, mình sẽ xa chúng trong khoảng thời gian dài như vậy, thực sự tôi cũng chảy nước mắt, rất thương. May mắn, có các phương tiện truyền thông giao tiếp hiện đại, tôi vẫn theo dõi sinh hoạt của các con hằng ngày nên yên tâm hơn”.
Đến chiều 11/5, để đảm bảo an toàn trong giãn cách cho gần 3.500 người cách ly tại bệnh viện cùng với quyết tâm khoanh vùng, dập dịch trong thời gian sớm nhất, bệnh viện đã di chuyển 500 người bệnh và người nhà đến Trường Cao đẳng Nghề công nghệ cao Hà Nội trong điều kiện tuân thủ tuyệt đối nguyên tắc phòng chống dịch.
Từ sáng sớm, những người được đưa đi cách ly ngoài bệnh viện đều mặc trang phục bảo hộ và đảm bảo khoảng cách tại khu tập kết để chuẩn bị lên các xe đã phun khử khuẩn và sẵn sàng di chuyển. TS. Ngô Xuân Quý, Trưởng khoa Ngoại đầu cổ (Bệnh viện K), chia sẻ: “Khoa Ngoại đầu cổ hôm nay chuyển 44 người bệnh và 28 người nhà đến khu tập trung mới để đảm bảo giãn cách tại bệnh viện. Những người bệnh đã chuyển đi chủ yếu bệnh lý giai đoạn sớm, đã phẫu thuật ổn định, sức khỏe hồi phục tốt và có kết quả xét nghiệm RT-PCR âm tính. Sau 4 ngày cách ly tại bệnh viện, người bệnh và người nhà cũng chủ động hơn, thoải mái về tinh thần hơn và sẵn sàng phối hợp thực hiện đúng theo quy định của bệnh viện”.
Đúng 7h sáng 11/5, đoàn 12 xe cấp cứu lăn bánh từ Bệnh viện K cơ sở Tân Triều. Từng đợt, từng khoa lần lượt 6 người bệnh và người nhà được sắp xếp ngồi trên 1 xe. Mỗi xe di chuyển có 1 cán bộ y tế phụ trách để đảm bảo theo dõi sức khỏe người bệnh, người nhà trên đường đi. Hiện tại, ở cả 3 cơ sở của Bệnh viện K có khoảng 3.000 người cách ly tại 3 cơ sở, riêng cơ sở Tân Triều có khoảng 2.400 người.
Lặng lẽ “xóm ung thư”
Nằm đối diện cổng chính Bệnh viện K cơ sở Tân Triều, “xóm ung thư” (tổ 15, phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, Hà Nội) là nơi hàng trăm bệnh nhân ung thư sinh sống mỗi ngày. Họ là người nghèo nơi xa đến chữa bệnh. Sau mỗi lần xạ trị tại Bệnh viện K, họ lại về phòng trọ chật hẹp nghỉ ngơi đợi đến ngày xạ trị lần sau. Nơi này vốn đông đúc, nhưng giờ đây lặng lẽ chưa từng có. Anh Mạnh Hùng, chủ một nhà trọ trong xóm, cho biết, chỉ vài tiếng kể từ khi Bệnh viện K Tân Triều bị phong toả, người nhà bệnh nhân, người bệnh không trong diện cách ly đã khăn gói về quê.
Một số người ở lại thấp thỏm vì không biết đến khi nào mới có thể điều trị tiếp. Bà Nguyễn Thị Hồng (Bắc Giang) cho biết, chồng bà bị ung thư đại tràng, mới xạ trị được 1 lần, 3 hôm nữa là đến ngày xạ trị tiếp. “Ông ấy phải trải qua 10 đợt xạ trị, sau mỗi đợt phải nghỉ ngơi vài ngày rồi mới xạ trị tiếp. Tôi gọi điện cho bác sĩ thì nhận được thông báo, chiều thứ Sáu này mới biết kết quả xem có xạ trị được nữa không”.
Hàng xóm của bà đã khăn gói về quê, còn hai vợ chồng với mấy người ở lại ai cũng tâm trạng buồn bã, u ám. Nhà bà Hồng chỉ cách Hà Nội 60km nhưng ông bà không dám về vì Bắc Giang đang có nhiều ca mắc COVID-19, nhỡ về bệnh chồng bệnh thì không biết làm thế nào, mà ở lại thì tiền trọ cũng tốn thêm.
Ông Tr. M.Th. (quê ở Hà Nam) bị ung thư dạ dày cũng lên xạ trị. Ban đầu còn có người thân đi cùng, nhưng khi bệnh viện phong tỏa, ông bảo người nhà về quê, mình ông ở lại đợi ngày được điều trị tiếp. Giờ ông chỉ mong bệnh viện nhanh chóng trở lại bình thường để những người như ông không khốn khổ vì chờ đợi…
Thái Hà
Tiền Phong
Xem thêm: nhc.49330440121501202-aot-gnohp-ib-irt-hnaht-gnort-y-gnoul/nv.zibefac