Một số nguồn tin cho CNBC biết, Tesla đã dừng kế hoạch mở rộng và đưa nhà máy sản xuất ở Thượng Hải thành trung tâm sản xuất toàn cầu. Lý do "sự không chắc chắn" trong quan hệ Mỹ - Trung.
Cũng theo các nguồn tin, với mức thuế 25% với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc cùng những khoản thuế vẫn được áp dụng từ thời cựu tổng thống Donald Trump, Tesla hiện có ý định hạn chế tỷ trọng sản lượng ở Trung Quốc trong chuỗi sản xuất toàn cầu.
Trước đó, Tesla đã xem xét mở rộng xuất khẩu Model 3, được sản xuất ở Trung Quốc, ra nhiều thị trường hơn, trong đó có cả Hoa Kỳ. Hiện Model 3 đang được xuất khẩu tới châu Âu.
Gian hàng của Tesla ở triển lãm ô tô Thượng Hải 2021
Nhà máy ở Thượng Hải của Tesla được thiết kế với công suất 500.000 xe/năm. Hiện nhà máy đang sản xuất mẫu Model 3 và Model Y với công suất 450.000 chiếc mỗi năm.
Các nguồn tin cho hay, vào tháng 3, Tesla đã từ chối đấu thầu một khu đất đối diện với nhà máy vì nó không còn nhằm mục đích mở rộng năng lực sản xuất tại Trung Quốc, ít nhất là trong thời điểm hiện tại.
Trong khi đó, trả lời hãng thông tấn Reuters, Tesla cho biết nhà máy ở Thượng Hải đang "phát triển theo kế hoạch". Chính quyền Thượng Hải không đưa ra bình luận nào về vấn đề này.
Thực tế, một cách công khai, Tesla chưa bao giờ tuyên bố có ý định mua lại khu đất đối diện có diện tích bằng một nửa nhà máy hiện tại. Nếu mua lại, công suất dây chuyền của Tesla ở Thượng Hải sẽ được nâng từ 200.000 đến 300.000 xe nữa.
Doanh số bán hàng tại Trung Quốc của Tesla dù công ty đang gặp phải nhiều rắc rối. Doanh thu của Tesla ở Trung Quốc trong 3 tháng đầu năm đã chạm mốc 3 tỷ USD, tăng gấp 3 lần so với cùng kì năm trước và chiếm 30% trong tổng doanh thu.
Cuối tháng 4, tại triển lãm ô tô ở Thượng Hải, một khách hàng đã leo lên nóc chiếc Tesla Model 3, hét lên phản đối hệ thống phanh bị lỗi trên xe và bất bình trước cách công ty sản xuất xe điện xử lý khiếu nại của cô.
Sau sự cố này, làn sóng phản đối Tesla lan truyền nhanh chóng trên các mạng xã hội. Đáp trả, Tesla tuyên bố sẽ chịu trách nhiệm đến cùng nếu sản phẩm có vấn đề, nhưng vẫn kiên quyết với lập trường "không thỏa hiệp với những đòi hỏi vô lý".
Người phụ nữ đứng trên nóc xe phản đối Tesla (Ảnh: WSJ)
Tuy nhiên, tuyên bố này chỉ không xoa dịu được dư luận mà còn khiến làn sóng phản đối mạnh hơn. Ngày 21/4, Cơ quan Quản lý thị trường và Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng Trung Quốc đã ra thông cáo kêu gọi điều tra về chỉ trích của khách hàng, hối thúc Tesla tôn trọng quyền lợi hợp pháp và lợi ích của khách hàng, bảo đảm chất lượng cũng như yêu cầu hãng đưa ra lời giải thích thỏa đáng và phương án giải quyết hiệu quả.
Ngay sau đó, Tesla đã ra tuyên bố thứ hai khẳng định đã liên lạc với nhà chức trách địa phương, cam kết hợp tác điều tra và chấp nhận kết luận điều tra.
Vụ việc trên xảy ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng trong quan hệ Mỹ-Trung và nhiều công ty Trung Quốc, trong đó có Huawei, Xiaomi, Alibaba và thậm chí cả DJI - nhà sản xuất máy bay không người lái hàng đầu thế giới, đều đang bước chân vào thị trường xe điện.
Dù là thị trường rộng lớn và màu mỡ, nhưng Tesla đang phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt ở Trung Quốc khi các công ty nội địa của nước này ngày càng lớn mạnh như Nio. Hiện Nio đang xem xét sản xuất các sản phẩm cho thị trường đại chúng theo một thương hiệu khác.
Thêm một thực tế nữa là ngay cả trước khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung căng thẳng, tương đối ít ô tô do Trung Quốc sản xuất được chuyển đến Hoa Kỳ.
General Motors hiện bán Buick Envision sản xuất tại Trung Quốc tại Mỹ Hoa Kỳ với mức thuế bổ sung 25%. Tuy nhiên số lượng bán ra là không lớn.
VTV.vn - Tesla đang phải hứng chịu làn sóng chỉ trích tại Trung Quốc sau khi hình ảnh một vị khách thể hiện bất mãn về hãng xe tại Triển lãm ô tô Thượng Hải lan truyền trên mạng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!