Tuần vừa qua, hãng dược Pfizer công bố đã xuất khẩu lô vaccine đầu tiên ra nước ngoài từ cơ sở tại Mỹ. Nước nhập khẩu là Mexico, nước láng giềng. Lô hàng này làm tăng hy vọng các hãng dược Mỹ sẽ xuất khẩu vaccine nhiều hơn và tốc độ đối phó với COVID-19 của thế giới sẽ nhanh hơn.
Hãng thông tấn Reuters cho biết, Pfizer sẽ sản xuất 25 triệu liều mỗi tuần cho tới giữa năm, như vậy sẽ vượt nhu cầu 300 triệu liều cho riêng nước Mỹ vào cuối tháng 7. Vì vậy, hãng bắt đầu tính chuyển hơn 1 tỷ liều tới các nước khác trên thế giới, theo hợp đồng ký trước.
Theo Bloomberg, sau Mexico, có thể Canada sẽ là quốc gia tiếp theo mua được vaccine từ Mỹ, nghĩa là 2 nước có biên giới với nước này.
Tổng thống Biden và người tiền nhiệm Trump đều có quan điểm ưu tiên vaccine cho nước Mỹ trước, vì vậy đã đặt mua hết các liều đầu tiên của Pfizer và Moderna. Điều này khiến các quốc gia khác phải đợi hoặc dựa vào nguồn nhập khẩu từ Nga và Trung Quốc.
Với tốc độ như hiện nay, 92 nước trên thế giới sẽ không có đủ vaccine cho 60% dân số tới năm 2023. (Ảnh minh họa: AP)
Như vậy, để có thêm nhiều quốc gia tiếp cận với các liều vaccine từ Mỹ, ít nhất phải đến cuối năm nay hoặc sang năm sau. Trong khi đó, rủi ro dịch bùng phát mạnh tại nhiều nước đang tăng cao và thế giới có thể phải đối mặt với một rủi ro khác. Đó là rủi ro sản xuất vaccine ngưng trệ do thiếu nguyên liệu.
Nhật báo phố Wall trích lời các chuyên gia thương mại cảnh báo: "Các nhà sản xuất vaccine đang phụ thuộc vào nguyên liệu từ nhiều nước bên ngoài. Nếu vẫn hạn chế xuất khẩu, họ có thể đối mặt với trả đũa".
"Câu lạc bộ vaccine thế giới" có 12 nước và khối, 88% nguyên liệu được các thành viên này san sẻ với nhau, 12% nhập từ các nước không sản xuất vaccine.
Biểu đồ sản xuất và xuất khẩu vaccine cho thấy Mỹ, Anh là 2 nhà sản xuất lớn, nhưng hầu như chỉ dùng cho nội địa, xuất khẩu lớn là Trung Quốc, EU và Ấn Độ.
CNN trích lời các chuyên gia y tế rằng sẽ là khó trách khi một nước muốn kiểm soát dịch trong nước trước, sau đó mới san sẻ vaccine. Tuy nhiên dịch tại Mỹ đã đỡ hơn rất nhiều và giờ là lúc tính tới việc chia sẻ với các nước đang phải vật lộn với COVID-19. Bởi với tốc độ như hiện nay, 92 nước trên thế giới sẽ không có đủ vaccine cho 60% dân số tới năm 2023.
Tất cả các nước chỉ an toàn khi toàn cầu đạt miễn dịch, khi đó sẽ giảm được nguy cơ phát triển các chủng mới và các hoạt động kinh tế toàn cầu mới có thể hồi phục trở lại.
VTV.vn - Dữ liệu nghiên cứu mới nhất cho thấy, việc tiêm 1 liều vaccine AstraZeneca giảm 80% nguy cơ tử vong do COVID-19, trong khi tiêm 2 liều vaccine Pfizer giảm 97%.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!