Đường vành đai 3 thường xuyên ùn tắc vào các giờ cao điểm, dịp lễ, tết - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Trước đó, chiều 6-5, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ Giao thông vận tải, thường trực tỉnh ủy 4 tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc và Bắc Giang để thống nhất định hướng, quy hoạch, phương án đầu tư xây dựng tuyến đường vành đai 4 trình Thủ tướng phê duyệt.
Tại cuộc họp, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh việc tổ chức hội nghị cho định hướng chủ trương, quy hoạch và đầu tư tuyến đường vành đai 4 - vùng thủ đô trong giai đoạn hiện nay là cần thiết.
Sau cuộc họp trên, chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cùng 4 tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc và Bắc Giang trình kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xin chấp thuận chủ trương đầu tư tuyến đường vành đai 4.
Lãnh đạo 5 tỉnh, thành phố cho rằng tuyến đường vành đai 3 đã cơ bản hoàn thành nhưng đang quá tải. Hiện nay mật độ lưu lượng giao thông rất lớn, gấp 2,5 lần so với lưu lượng tiêu chuẩn vào các khung giờ cao điểm. Tại các lối lên, xuống thường xảy ra ùn tắc kéo dài. Tình trạng ùn tắc giao thông thường xảy ra khi có sự cố, hoặc khi lưu lượng giao thông tăng đột biến vào các ngày nghỉ và dịp lễ, tết.
Theo lãnh đạo 5 tỉnh, thành phố, việc đầu tư tuyến đường vành đai 4 - vùng thủ đô tạo điều kiện, tiền đề để các thành phố và các tỉnh phát triển đô thị, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, kinh tế đô thị và nông thôn khu vực hai bên tuyến đường nói riêng, vùng thủ đô, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và vùng Đồng bằng sông Hồng.
Lãnh đạo 5 tỉnh, thành phố cũng cho rằng dự án trên sẽ tạo điều kiện phát triển đô thị trung tâm hoàn chỉnh và chuỗi đô thị trong khu vực giữa vành đai 3 và vành đai 4, tạo sức hút giãn mật độ dân cư khu vực trung tâm đô thị; phát triển chuỗi 5 đô thị vệ sinh gồm Sóc Sơn, Sơn Tây, Hòa Lạc, Xuân Mai, Phú Xuyên, kết nối chùm đô thị thành phố Hà Nội và các khu vực đô thị, công nghiệp vùng thủ đô.
Đề xuất với Thủ tướng về phương án đầu tư, 5 tỉnh và thành phố thống nhất thay vì tách thành các dự án độc lập, đầu tư từng phân đoạn theo địa phận của từng địa phương thì sẽ triển khai đầu tư nối thông toàn tuyến, không chia nhỏ thành các đoạn nhằm đảm bảo tính kết nối.
Chủ tịch 5 tỉnh, thành phố cũng đề xuất ngoài quy hoạch chi tiết đã được Thủ tướng phê duyệt, sẽ nghiên cứu thêm phương án quy hoạch xây dựng phần đường cao tốc là cầu cạn trên cao thay cho việc đi bằng, với quy mô 4 - 6 làn xe cao tốc.
Qua rà soát, tính toán sơ bộ để đầu tư tuyến đường vành đai 4 - vùng thủ đô, kinh phí đầu tư dự án theo phương án cao tốc đi bằng cần khoảng 105.000 tỉ đồng. Dự án triển khai làm cao tốc đi trên cầu cạn toàn tuyến có kinh phí xây dựng khoảng 135.000 tỉ đồng (đã bao gồm 2 cầu lớn vượt sông Hồng). Ngoài ra, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng của dự án ước tính 25.000 tỉ đồng.
Theo đó, chủ tịch UBND 5 tỉnh, thành phố kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận phương án đầu tư cao tốc đi trên cầu cạn toàn tuyến (kinh phí đầu tư khoảng 135.000 tỉ đồng) tương tự như phương án đường cao tốc trên cao vành đai 3 - Hà Nội đã xây dựng, khai thác.
Với mức kinh phí xây dựng nói trên, việc đầu tư toàn bộ tuyến đường bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước là khó khả thi, thời gian thực hiện sẽ kéo dài. Vì vậy, lãnh đạo 5 tỉnh, thành phố đề xuất nghiên cứu đầu tư dự án theo hình thức hỗn hợp giữa đầu tư công và đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP). Trong đó, toàn bộ phần cao tốc đi trên cao sẽ thực hiện 100% bằng hình thức PPP, loại hợp đồng BOT.
Theo quy hoạch giao thông vận tải thủ đô đã được Thủ tướng phê duyệt, tuyến đường vành đai 4 được xác định là tuyến đường kết nối liên vùng, kết nối Hà Nội với các tỉnh thuộc vùng thủ đô.
Tuyến đường vành đai 4 dài khoảng 98km đi qua địa phận Hà Nội (56,5km), Hưng Yên (20,3km), Bắc Ninh (21,2km). Hai tỉnh Vĩnh Phúc và Bắc Giang nằm ngoài phạm vi đầu tư xây dựng nhưng có vị trí tiếp giáp với điểm đầu và điểm cuối tuyến vành đai 4.
Tại cuộc họp với 5 tỉnh ngày 6-5, về cơ cấu nguồn vốn, theo Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn, dự kiến đề xuất trung ương hỗ trợ kinh phí giải phóng mặt bằng khoảng 25.000 tỉ đồng cho 3 địa phương Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh. Các địa phương có tuyến đi qua ưu tiên bố trí vốn ngân sách tham gia một phần kinh phí đầu tư xây dựng phần đường dưới thấp, dự kiến 50.000 tỉ đồng/3 địa phương.
Cũng theo ông Tuấn, toàn bộ kinh phí còn lại (ngoài phần kinh phí trung ương và địa phương cân đối bố trí khoảng 50%) là phần vốn của nhà đầu tư BOT, khoảng 50%.
TTO - Trong năm nay, Hà Nội sẽ chi 12,3 tỉ đồng từ ngân sách để cắt xén dải phân cách trên tuyến đường vành đai 3 nhằm chống ùn tắc giao thông.
Xem thêm: mth.92495047121501202-hnit-4-auq-ion-ah-ut-dsu-it-6-gnoud-na-ud-gnout-uht-hnirt/nv.ertiout