Khuya 11-5, Đà Nẵng dường như không ngủ khi phát hiện cùng lúc 34 ca dương tính với SARS-CoV-2. Đây là những người có liên quan đến BN3545 tên NTN (nhân viên trực tổng đài làm việc tại Khu công nghiệp (KCN) An Đồn, quận Sơn Trà, Đà Nẵng). Đáng ngại hơn khi nguồn lây của chị NTN chưa xác định rõ.
Trước tình hình đó, chủ tịch TP Đà Nẵng yêu cầu các quận, huyện huy động tổng lực để truy vết, lấy mẫu xét nghiệm ngay trong đêm, kiên quyết không để dịch lây lan ra diện rộng.
Thần tốc truy vết, khoanh vùng dập dịch
23 giờ ngày 11-5, người Đà Nẵng chính thức bước vào một trận chiến mới với “giặc COVID-19”.
Ghi nhận nhanh tại điểm 83 Phần Lăng 9, phường Hòa Khê, lực lượng y tế đã có mặt để nhanh chóng lấy mẫu xét nghiệm cho dân. Lực lượng chức năng cũng đã lập chốt phong tỏa mềm để kiểm soát người ra vào tại khu vực này.
Đêm đã khuya nhưng người dân vẫn chấp hành nghiêm quy định chống dịch, mang khẩu trang, sát khuẩn, đảm bảo giãn cách trong quá trình lấy mẫu. Tất cả mọi người được yêu cầu không rời khỏi nhà khi chưa có kết quả xét nghiệm. Sau khi hoàn thành lấy mẫu, nhân viên y tế tiếp tục di chuyển nhanh đến các khu vực khác.
Lấy mẫu xét nghiệm cho công nhân trong KCN An Đồn. Ảnh: BÙI TOÀN
“Mình vừa tranh thủ chợp mắt được một xíu, đêm qua hơi đuối” - giọng nhân viên y tế Thanh Khê tếu táo khi trao đổi với PV trưa 12-5.
Lãnh đạo Trung tâm Y tế quận Thanh Khê cho biết đêm qua trung tâm đã huy động toàn bộ lực lượng để truy vết, khoanh vùng, cách ly các điểm nóng liên quan đến các ca nghi mắc. Hiện tất cả trường hợp F1, F2 đã được lấy mẫu xét nghiệm và đang chờ kết quả.
“Mọi người ra quân từ 20 giờ đến gần 3 giờ sáng thì xong. Việc lấy mẫu được triển khai nhanh, lấy mẫu gộp, quá trình này phải đảm bảo đúng kỹ thuật, tránh tình trạng âm tính giả hoặc tránh lây nhiễm cho người lấy mẫu. Cái khó nhất là phải nhanh chóng truy vết được các F1 để đi cách ly, thiết lập khu phong tỏa mềm để kịp thời kiểm soát tình hình” - vị này nói.
102 ca mắc tại Đà Nẵng Tối 12-5, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP Đà Nẵng cho biết trong 24 giờ qua, TP ghi nhận 42 ca nghi mắc, trong đó có 33 ca là nhân viên Công ty Trường Minh - KCN An Đồn, liên quan đến BN3545. Tổng số ca từ ngày 3-5 đến tối 12-5 là 102. |
BS Phạm Hồng Nam, Giám đốc Trung tâm Y tế quận Sơn Trà, cho biết lực lượng chức năng đã phong tỏa KCN An Đồn ngay khi phát hiện 34 F1 của BN3545 dương tính với SARS-CoV-2. Tất cả hàng quán xung quanh KCN và khoảng 600 công nhân nhanh chóng được lấy mẫu xét nghiệm. Sáng 12-5, hơn 160 nhân viên y tế tiếp tục lấy mẫu tại KCN An Đồn. Tổng số mẫu đã lấy là 6.300, riêng số liên quan đến BN3545 là 171.
Nhận định thêm về BN3545, BS Nam cho biết đây là trường hợp hết sức phức tạp, hiện vẫn chưa rõ nguồn lây. Tuy nhiên, ngay khi phát hiện ca nghi ngờ này trong đêm 10-5, ngành y tế đã lập tức cách ly, tổ chức truy vết ngay để không bỏ lỡ thời điểm vàng.
“Riêng trường hợp của chị NTN, nếu hôm qua không quyết liệt làm thì tôi nghĩ số F1 dương tính sẽ không dừng ở 34, lúc đó không biết dịch tại Đà Nẵng sẽ nguy hiểm thế nào” - BS Nam nói thêm.
“Mỗi người chung tay một chút thì TP sẽ lại bình yên”
Đà Nẵng đang chạy đua với thời gian để ngăn chặn sự lây lan của đợt dịch này. Trao đổi với PV, Trung tâm Cấp cứu 115 cho biết từ đêm qua, đơn vị đã huy động lực lượng để hỗ trợ các quận, huyện vận chuyển các ca dương tính, F1, F2 đến nơi điều trị, cách ly.
Lãnh đạo Trung tâm Y tế quận Thanh Khê nhấn mạnh điều quan trọng lúc này là làm sao tuyên truyền để nhân dân nâng cao ý thức phòng chống dịch, chủ động khai báo y tế chính xác, đúng sự thật.
Những ngày qua, một số chợ tại Đà Nẵng bắt đầu kiểm soát lượng người ra vào chợ bằng hình thức phiếu đi chợ theo ngày chẵn, lẻ nhằm giảm thiểu tần suất đi chợ của người dân, đề phòng sự lây lan dịch COVID-19. Tại chợ Cồn, lực lượng bảo vệ đặt bàn kiểm soát và thu phiếu đi chợ của người dân, hướng dẫn khai thông tin trên phiếu để đảm bảo truy vết dịch tễ và rửa tay sát khuẩn trước khi vào chợ.
Bà Phan Thị Tâm, tiểu thương tại chợ Cồn (quận Hải Châu), cho biết Đà Nẵng đã trải qua hai đợt dịch, đến nay hầu hết người dân đã quen với việc đi chợ thời COVID-19, không còn tình trạng người dân đổ xô đi mua hàng, tích trữ hàng hóa. “Sau khi biết TP Đà Nẵng quay lại việc sử dụng thẻ đi chợ, tất cả mọi người đều ý thức được việc phòng chống dịch bệnh nên không một ai phàn nàn. Chính bản thân tôi luôn tự nhắc bản thân mình phải chấp hành những quy định mà ban quản lý chợ đã đề ra để dịch bệnh sớm kết thúc” - bà Tâm nói.
Đến lấy thuốc tại Trung tâm Y tế quận Thanh Khê, bà Nguyễn Thị Thuận cho biết thường xuyên theo dõi tình hình dịch bệnh qua báo, đài, thường xuyên mang khẩu trang và hạn chế ra khỏi nhà khi không cần thiết. “Bà nghe tivi thì biết lần dịch này lây nhanh hơn, nguy hiểm hơn rất nhiều so với lần trước. Mọi người đều lo lắng và chấp hành nghiêm quy định chống dịch. Chỉ thương các bác sĩ, dịch mình khổ một thì họ cực hơn mình nhiều lần” - bà Thuận bày tỏ.
“Có lệnh là chiến” đến quên ăn Sáng 12-5, Trung tâm 115 đã chuyển 34 ca dương tính ở Trung tâm Y tế quận Sơn Trà đến Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang và BV Phổi để cách ly, điều trị. Mọi người đi liên tục, nhiều người chưa được nghỉ. Hồi tối mang cho anh em mấy đùm bánh ướt để ăn mà đến khuya vẫn còn nguyên. Mình nghĩ đợt dịch này có thể sẽ khốc liệt hơn hai lần trước nhưng tinh thần của anh em đều rất cao, hễ có lệnh là chiến chứ không có nề hà. BS TRẦN TUẤN, Trung tâm Cấp cứu 115, TP Đà Nẵng |