Bùng dịch dù đã có vắc xin
4 trong số 5 quốc gia có tỷ lệ tiêm vắc xin Covid-19 cao nhất thế giới đang phải tìm cách ngăn chặn sự bùng phát của đại dịch. Theo Forbes, tính bình quân đầu người, tỉ lệ số người nhiễm Covid-19 ở các nước này còn cao hơn cả Ấn Độ. Tình hình này đã khiến các chuyên gia đặt câu hỏi về hiệu quả của một số vắc xin (đặc biệt là Sinopharm của Trung Quốc) và logic đằng sau việc nới lỏng các hạn chế ngay cả khi hầu hết dân số được tiêm chủng.
Trong số Seychelles, Israel, UAE, Chile và Bahrain - tương ứng là 5 quốc gia được tiêm chủng nhiều nhất trên thế giới - chỉ có Israel là không gặp rắc rối trong việc ngăn chặn sự gia tăng nguy hiểm của đại dịch Covid-19.
Seychelles và Bahrain, cùng với các quốc gia có tỉ lệ tiêm vắc xin cao khác như Maldives và Uruguay, đã ghi nhận số ca nhiễm Covid-19 hàng ngày cao nhất trên toàn thế giới.
Seychelles, một quốc đảo nhỏ với tỷ lệ tiêm chủng gần như gấp đôi Mỹ, đã ghi nhận 328 trường hợp trên 100.000 người, tỷ lệ mắc cao hơn nhiều so với Ấn Độ.
Đợt bùng phát dịch bệnh ở các quốc gia đã được tiêm vắc xin đã làm dấy lên lo ngại về hiệu quả của một số loại vắc xin Trung Quốc so với các loại vắc xin phương Tây mà Israel sử dụng, bao gồm vắc xin Sinopharm. Loại vắc xin này được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công nhận hôm 7/5 và chiếm một phần lớn trong các chương trình tiêm vắc xin của các quốc gia.
Việc nới lỏng các hạn chế về đại dịch và thông điệp trái chiều từ các chính phủ cũng được coi là những lời giải thích tiềm năng cho tình trạng này. Seychelles vốn phụ thuộc vào du lịch và Maldives vẫn mở cửa chào đón du khách. Dubai đã nhanh chóng hủy bỏ phong tỏa trong khi Chile nới lỏng các hạn chế và cho phép du lịch nội địa.
Ở nhiều quốc gia giàu có, vắc xin thường được coi là chiến lược hiệu quả nhất nhằm thoát khỏi tình trạng phong tỏa. Số ca nhiễm đã giảm ở một số quốc gia thực hiện các chiến dịch thành công và nhanh chóng, bao gồm Mỹ, Anh và Israel, mặc dù các chuyên gia chỉ ra rằng tình hình có thể xấu đi nếu gỡ phong tỏa quá nhanh và cảnh báo chỉ riêng vắc xin có thể là không đủ để chống đại dịch.
Hiệu quả của các loại vắc xin cụ thể có thể trở thành mối quan tâm nổi bật khi ngày càng nhiều quốc gia bắt đầu tăng cường các chiến dịch tiêm chủng và có những lo ngại rằng một số loại vắc xin, như vắc xin Sinopharm của Trung Quốc, kém hiệu quả hơn trong việc kiểm soát dịch bệnh so với các loại vắc xin như Moderna và Pfizer.
Ảnh: GETTY
Tất cả 5 quốc gia được tiêm chủng nhiều nhất trên thế giới đều có ít nhất 45% dân số được tiêm chủng một phần. Dữ liệu công khai cho thấy tỉ lệ lần lượt là: Bahrain (47%), Chile (45%), Israel (60%) và Seychelles (69%), UAE có số lượng liều vắc xin được cung cấp trên đầu người cao (khoảng 115.000 trên 100.000 người).
Seychelles (61%) và Israel (56%) cũng có tỷ lệ dân số được tiêm chủng đầy đủ cao nhất, tiếp theo là Chile (38%) và Bahrain (35%). Mỹ, nơi tỷ lệ tiêm chủng đang giảm ở tất cả ngoại trừ bốn bang, chỉ đứng sau Chile và Bahrain, với 35% dân số hiện được tiêm chủng đầy đủ và 46% tiêm một phần.
Phản ứng của Trung Quốc
Hoàn Cầu đưa tin, Tổng thống Seychelles đã bác bỏ những nghi ngờ về hiệu quả của vắc xin Covid-19 của Trung Quốc do Sinopharm sản xuất trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát ở nước này. Tổng thống Wavel Ramkalawan cho biết vắc xin này đang giúp bảo vệ mọi người khỏi bệnh tật một cách hiệu quả.
Các chuyên gia Trung Quốc cho biết việc các phương tiện truyền thông nước ngoài đặt câu hỏi về hiệu quả của vắc xin Sinopharm là "tùy tiện" và sự gia tăng các ca nhiễm COVID-19 ở Seychelles là do nhiều yếu tố, chẳng hạn như các chủng đột biến và mức độ kháng thể của người dân.
Seychelles, một quốc đảo nằm ở Ấn Độ Dương với dân số dưới 100.000 người, cho đến nay là quốc gia được tiêm chủng nhiều nhất trên thế giới với 69% dân số đã được tiêm ít nhất một mũi và 61% đã được tiêm chủng đầy đủ, theo nghiên cứu được xuất bản bởi Our World in Data (tạm dịch: Thế giới của chúng ta qua những con số).
Tổng thống Seychelles Wavel Ramkalawan (phải) trả lời một bác sĩ trước khi nhận liều vắc-xin COVID-19 đầu tiên của Trung Quốc do Sinopharm sản xuất tại Bệnh viện Seychelles ở Victoria vào ngày 10/1/2021. Ảnh: AFP
Tổng thống Ramkalawan cho biết vắc xin Sinopharm được sử dụng cho những người từ 18 đến 60 tuổi trong khi Covishield - một loại vắc xin AstraZeneca được sản xuất tại Ấn Độ - được tiêm cho những người trên 60 tuổi.
Một làn sóng dịch bệnh mới đã tấn công Seychelles, khiến đưa đất nước này trở thành tâm điểm chú ý khi có tới 2.486 trường hợp bệnh nhân đang chữa trị Covid-19, nâng tổng số người nhiễm lên đến 8.172 trường hợp.
Số ca nhiễm Covid-19 tăng cao đã làm dấy lên nghi ngờ về hiệu quả của vắc xin sau khi Bộ Y tế nước này báo cáo rằng hơn 1/3 số ca nhiễm mới là những người đã được tiêm chủng đầy đủ.
Mặc dù không rõ có bao nhiêu bệnh nhân được tiêm chủng đã tiêm vắc xin Sinopharm, nhưng những ý kiến nghi vấn từ một số phương tiện truyền thông nước ngoài chủ yếu nhắm vào vắc xin Trung Quốc.
Tổng thống Ramkalawan đã bác bỏ những nghi ngờ như vậy vào hôm 10/5, nói rằng trong số những người cần nhập viện trong độ tuổi từ 18 đến 60, 80% không được tiêm chủng. Điều này đã cho thấy hiệu quả của vắc xin chống Covid.
"Mọi người có thể bị nhiễm virus nhưng họ không đổ bệnh nặng. Chỉ một số nhỏ bị bệnh. Đây không phải là cách vắc xin hỗ trợ chúng ta sao? Vì vậy, những gì đang xảy ra là bình thường", ông nói và lưu ý rằng hai loại vắc xin mà nước này sử dụng đã giúp đỡ người dân rất nhiều.
Seychelles chưa ghi nhận trường hợp tử vong của những người đã được tiêm chủng đầy đủ, điều này cũng chứng tỏ hiệu quả của vắc xin, ông nhấn mạnh.
Một nhà miễn dịch học có trụ sở tại Bắc Kinh yêu cầu giấu tên cho rằng việc nước ngoài đánh giá hiệu quả của vắc xin Sinopharm là "tùy tiện" và nguyên nhân gây ra các đợt bùng phát ở Seychelles cần được phân tích với thông tin chi tiết hơn về các bệnh nhân. Ngoài ra, cần cân nhắc các yếu tố như chủng đột biến và mức độ kháng thể bảo vệ trong quần thể địa phương.
Mặc dù dữ liệu về giải trình tự gen vẫn chưa có đối với các trường hợp nhiễm bệnh ở Seychelles vào tháng 4, nhưng biến thể B1351 - được xác định lần đầu tiên ở Nam Phi - đã được tìm thấy ở đảo quốc này vào tháng 2, Daniel Lucey, giáo sư y khoa tại Trường Y Dartmouth Geisel cho biết.
Nhà nghiên cứu miễn dịch học cũng chỉ ra việc nới lỏng các hạn chế là nguyên nhân hàng đầu khiến dịch bệnh bùng phát ở nước này kể từ khi nước này mở cửa biên giới cho khách du lịch từ nước ngoài vào ngày 25/3 mà không có hạn chế kiểm dịch đối với khách quốc tế.
Ông nói: "Chỉ riêng với việc tiêm vắc xin thì rất khó để ngăn chặn sự lây lan của Covid-19. Vì vậy, ngay cả khi tiêm vắc xin, dịch bệnh vẫn cần được kiểm soát chặt chẽ".
Sylvestre Radegonde, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Du lịch Seychelles, cho biết ngày càng có nhiều ca mắc mới ở Seychelles cho thấy mọi người đang mất cảnh giác với chương trình tiêm chủng.
"Người dân Seychelles đang chủ quan và nghĩ rằng tất cả đều ổn vì bây giờ họ đã được tiêm phòng. Chúng tôi đang mất cảnh giác, không cẩn thận như trước", ông nói.
WHO lên tiếng
Theo Mariangela Simao, trợ lý Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về việc tiếp cận các sản phẩm y tế, vắc xin Sinopharm COVID-19 của Trung Quốc được sử dụng rất nhiều trên toàn cầu. Vắc xin này được coi là an toàn và hiệu quả.
"Chúng tôi vẫn có dữ liệu chứng minh rằng chúng có hiệu quả chống lại bệnh dịch", bà nói trong một cuộc họp báo hôm 10/5. "Sinopharm đã được sử dụng rất nhiều trên toàn cầu. Tôi nghĩ rằng 62 triệu liều đã được sử dụng. Nó được coi là vừa an toàn và vừa hiệu quả."
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus tuần trước đã thông báo rằng vắc xin Sinopharm của Trung Quốc đã được xác nhận để sử dụng trong trường hợp khẩn cấp, đánh dấu vắc xin đầu tiên của Trung Quốc được WHO chính thức công nhận.
Simao cho biết thêm, việc chấp thuận được đưa ra sau khi một nhóm cố vấn kỹ thuật độc lập xem xét nhiều loại dữ liệu khác nhau.
"Chúng tôi đã kiểm tra thực địa ở Trung Quốc vào tháng 1 và tháng 2. Chúng tôi đã truy cập dữ liệu lâm sàng có sẵn của Sinopharm. Vắc xin được coi là phù hợp, có hiệu quả và an toàn trong quá trình sản xuất", bà lưu ý.
Nhiều nguyên nhân phức tạp
Theo Japan Times, vắc xin của Sinovac đang đẩy lùi COVID-19 giữa các nhân viên y tế ở Indonesia.
Đây là một dấu hiệu đáng khích lệ cho hàng chục quốc gia đang phát triển dựa vào loại vắc xin gây tranh cãi của Trung Quốc - vốn được cho là kém hơn nhiều so với vắc xin phương Tây trong các thử nghiệm lâm sàng.
Indonesia đã theo dõi 25.374 nhân viên y tế ở Jakarta trong 28 ngày sau khi họ tiêm liều thứ hai và phát hiện ra rằng vắc-xin đã bảo vệ 100% họ khỏi tử vong và 96% khỏi phải nhập viện ngay sau 7 ngày, Bộ trưởng Y tế Indonesia Budi Gunadi Sadikin cho biết trong một cuộc phỏng vấn hôm 11/5.
Các nhân viên y tế đã được theo dõi cho đến cuối tháng 2. Ông Sadikin cũng nói rằng 94% nhân viên đã được bảo vệ khỏi sự lây nhiễm - đây là kết quả "phi thường", vượt xa những gì đã được đo lường trong nhiều thử nghiệm lâm sàng trước đây. Tuy nhiên, hiện không rõ liệu các nhân viên y tế có được kiểm tra đồng nhất để phát hiện những người mang mầm bệnh không có triệu chứng hay không.
Ông Sadikin cho biết: "Chúng tôi nhận thấy sự sụt giảm rất, rất mạnh về số ca nhập viện và tử vong ở các nhân viên y tế. Hiện không rõ vắc xin Sinovac có tác dụng chống lại chủng virus corona nào ở Indonesia, nhưng quốc gia này không có bất kỳ đợt bùng phát lớn nào do các biến thể đáng lo ngại."
Dữ liệu bổ sung tại Brazil cho thấy Sinovac hiệu quả hơn so với giai đoạn thử nghiệm. Kết quả từ thử nghiệm giai đoạn cuối lớn nhất ở Brazil cho thấy hiệu quả của mũi tiêm, được gọi là CoronaVac, chỉ trên 50%, thấp nhất trong số tất cả các vắc xin COVID-19 thế hệ đầu tiên.
Ngược lại, Chile đã chứng kiến một đợt bùng phát trở lại sau khi tiêm vắc xin cho hơn 1/3 dân số với 19 triệu dân.
Đây là một trong những quốc gia có tỉ lệ tiêm vắc xin nhanh nhất trên thế giới, nhưng không đủ nhanh để ngăn chặn sự lây lan của các biến thể Covid đang càn quét châu Mỹ Latinh. "Nhóm người được tiêm phòng sớm nhất ở Chile là những người già. Chưa tới 15 triệu liều được tiêm ở Chile có nghĩa là chỉ có 7 triệu người có thể nhận được các mũi tiêm của chúng tôi," ông Yin nói.
"Chile chứng kiến đợt bùng phát dịch trở lại của khi các hoạt động xã hội gia tăng ở những người trẻ tuổi, những người chủ yếu không được tiêm chủng."
Trong số những người được tiêm vắc xin CoronaVac ở Chile, 89% đã được bảo vệ khỏi tình trạng bệnh Covid-19 nghiêm trọng cần được chăm sóc đặc biệt, ông Yin cho biết. Khả năng bảo vệ của vắc xin có thể thay đổi tùy theo từng nơi do các biến thể của virus. Ngoài ra, vắc xin Sinovac dường như có khả năng chống lại các đột biến mới.
Đây cũng là một minh chứng phần nào trong bối cảnh các nhà phát triển vắc xin Trung Quốc bị chỉ trích vì tiết lộ ít dữ liệu hơn và kém minh bạch hơn về các tác dụng phụ nghiêm trọng so với các công ty phương Tây. "Kết quả từ áp dụng thực tế và dữ liệu khoa học chúng tôi có được từ các thử nghiệm lâm sàng sẽ cho phép thế giới đánh giá vắc xin Trung Quốc một cách toàn diện," ông Yin nói.