Công ty CP Gang thép Thái Nguyên (TISCO) vừa có kiến nghị gửi các cấp có thẩm quyền về mong muốn được hồi sinh dự án giai đoạn 2 mở rộng Nhà máy Gang thép Thái Nguyên (gọi tắt là dự án giai đoạn 2) sau nhiều năm "đắp chiếu". Dự án được phê duyệt tổng mức đầu tư ban đầu là 3.843 tỉ đồng, sau tăng lên 8.104 tỉ đồng, khởi công xây dựng từ năm 2007 nhưng đến nay còn dang dở.
Theo TISCO, từ năm 2017 tình hình sản xuất, kinh doanh của công ty rất khả quan, nộp ngân sách 1.442 tỉ đồng, lợi nhuận 227 tỉ đồng, ổn định việc làm, thu nhập cho người lao động. Tuy nhiên, do đầu tư dự án giai đoạn 2 kéo dài 14 năm với nhiều vướng mắc nên hiệu quả sản xuất ,kinh doanh từ năm 2018 có dấu hiệu giảm sút.
Đại diện TISCO cho rằng nếu dự án giai đoạn 2 không sớm được tái khởi động thì doanh nghiệp này sẽ rất khó duy trì sản xuất, gần 4.000 lao động mất việc, ảnh hưởng đến đời sống gia đình người lao động, ước tính trên 20.000 người. Bên cạnh đó, sẽ làm mất vốn của nhà nước (gần 1.200 tỉ đồng), xã hội, các ngân hàng không thu được nợ. Cũng theo đại diện TISCO, chất lượng thiết bị trên hiện trường ngày càng hư hỏng, xuống cấp, chi trả tiền lãi vay, làm tăng chi phí của dự án. Nếu tình trạng này kéo dài thì công ty có thể dẫn tới phá sản.
Nhiều hạng mục của dự án “đắp chiếu”, cỏ mọc um tùm
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động ngày 12-5, đại diện TISCO cho biết công nghệ của giai đoạn 2 hiện nay vẫn là công nghệ tiên tiến; trang thiết bị, máy móc đã chuyển đến công trường lắp đặt và một số được bảo quản lạnh để tránh hư hỏng. Hệ thống trang thiết bị này nếu kết hợp với các lợi thế sẵn có như chuỗi sản xuất liên hợp, tự chủ về nguồn nguyên liệu gang, cốc, phôi thép, nhiên liệu khí, dầu… thì việc sản xuất hoàn toàn khả thi.
TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế trung ương, cho rằng đề xuất của TISCO cũng là một hướng đi cần xem xét để vực dậy một dự án tiêu tốn hàng ngàn tỉ đồng. Tuy nhiên, Chính phủ, các bộ, ngành có liên quan cần lập hội đồng tư vấn độc lập để xem xét các kiến nghị của TISCO, qua đó đánh giá tính khả thi khi hồi sinh dự án này cũng như đưa ra các giải pháp cần thiết.
"Quan điểm của Chính phủ là không dùng ngân sách để cứu các dự án thua lỗ, thay vào đó, cần phải có các cơ chế, chính sách rõ ràng để thu hút các nhà đầu tư. Bởi kêu gọi đầu tư vào một dự án "đắp chiếu" sẽ không hề dễ dàng" - ông Lê Đăng Doanh nhấn mạnh.
Là đại biểu Quốc hội nhiều lần chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc xử lý 12 dự án thua lỗ, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cũng ủng hộ kiến nghị hồi sinh dự án giai đoạn 2 của TISCO. Đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng cần tách bạch việc sai phạm, xử lý sai phạm trong quá trình triển khai dự án với việc vực dậy dự án, phục vụ sản xuất, kinh doanh.
"Ngoài những cá nhân sai phạm đã bị pháp luật xử lý, doanh nghiệp vẫn còn đó những người tâm huyết, những công nhân ngành thép mong muốn được hoàn thành dự án giai đoạn 2. Nhưng cần xem xét kỹ tính hiệu quả cũng như các phương án mà doanh nghiệp nêu" - ông Hòa nói.
Theo ông Hòa, nhà nước tạo điều kiện về cơ chế, chính sách, thu hút các nguồn vốn để tái khởi động dự án giai đoạn 2. "Để xử lý dứt điểm dự án này, giữa nhà nước - doanh nghiệp cần hài hòa lợi ích, nhà nước cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp" - ông Hòa kiến nghị.
Xem thêm: mth.32710821221501202-ueihc-pad-it-nagn-na-ud-hnis-ioh-noum-ocsit/us-ioht/nv.moc.dln