vĐồng tin tức tài chính 365

Nỗ lực ổn định giá cả

2021-05-13 09:35

Nhiều doanh nghiệp (DN) đã triển khai kịch bản sản xuất, kinh doanh trong tình huống có dịch, chủ động phối hợp với nhau để kìm giữ giá nhưng đây chỉ là nỗ lực trong ngắn hạn, về lâu dài cần có sự điều tiết vĩ mô

Ứng phó với giá nguyên liệu tăng

Theo ông Lê Xuân Huy, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam, DN có tổng đàn heo lớn nhất Việt Nam hiện nay - giá heo hơi đang có xu hướng giảm do nguồn cung dồi dào giữa bối cảnh sức mua giảm sút.

Hiện giá heo hơi C.P đang ở mức 71.500 đồng/kg (loại 1) và 67.500 đồng/kg (loại 2), giảm 2.000 đồng/kg so với cuối tháng 4. "Dự báo từ nay đến cuối năm, giá heo hơi khó vượt mức 75.000 đồng/kg, thậm chí trong ngắn hạn có thể giảm xuống dưới 70.000 đồng/kg. Do dịch Covid-19 bùng phát, học sinh nghỉ hè nên lượng tiêu thụ giảm trong khi sản lượng tái đàn đang tăng khá nhanh, hiện đã cao hơn cùng kỳ năm ngoái khoảng 15%-18%" - ông Huy dự báo.

Nỗ lực ổn định giá cả - Ảnh 1.

Nguồn cung hàng bình ổn thị trường đang khá dồi dào .Ảnh: TẤN THẠNH

Ông Lê Văn Quyết, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam Bộ, cho hay giá gà lông trắng hiện chỉ còn 19.000- 20.000 đồng/kg, là mức dưới giá thành khi đợt dịch mới bùng phát, trong khi chi phí chăn nuôi đã tăng 20%. "Chi phí sản xuất tăng nhưng giá bán lại phụ thuộc thị trường, người chăn nuôi không thể điều tiết. Do đó, các bộ, ngành cần điều tiết cung cầu nhằm bảo đảm lợi ích giữa người chăn nuôi - giết mổ, phân phối và người tiêu dùng" - ông Quyết kiến nghị.

Thời gian qua, các hệ thống siêu thị đã nhận được đề xuất tăng giá của một số DN là nhà sản xuất, cung cấp các mặt hàng thiết yếu, hàng hóa có sử dụng nguyên liệu nhập khẩu; bộ phận thu mua của các hệ thống siêu thị đang trong quá trình xét duyệt. Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM (Saigon Co.op), nhìn nhận giá nguyên liệu đầu vào một số ngành hàng tăng cao theo diễn biến giá chung trên thế giới, việc điều chỉnh tăng giá bán sản phẩm hàng hóa là không tránh khỏi. "Saigon Co.op đang nỗ lực kéo dãn tiến độ tăng giá, vận động nhà cung cấp phối hợp triển khai các chương trình khuyến mãi, giảm giá nhằm chia sẻ khó khăn với khách hàng trong giai đoạn cả nước đang cùng chống dịch Covid-19" - ông Đức nói.

Nhà bán lẻ này đã kích hoạt chế độ "thời chiến", tăng cường đưa hàng về các siêu thị Co.opmart tại những tỉnh, thành có dịch, tăng dự trữ các mặt hàng nhu yếu phẩm như đường, gạo, dầu ăn, muối, nước mắm, thịt, trứng, thực phẩm khô và đặc biệt là các mặt hàng chống dịch như nước rửa tay, xà bông, khẩu trang vải sát khuẩn... nhằm bảo đảm cung ứng đều đặn với giá bình ổn trong tối thiểu 6 tháng tới.

Tương tự Saigon Co.op, các DN tham gia bình ổn thị trường mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu trên địa bàn TP cũng đã triển khai kịch bản sản xuất, kinh doanh trong tình huống có dịch theo kế hoạch đã được UBND TP HCM phê duyệt trước đó. Trong trường hợp nhu cầu tăng vọt, các DN vẫn bảo đảm khả năng cung ứng đầy đủ hàng hóa với giá bán ổn định để phục vụ người dân.

Chủ động các phương án điều tiết, ổn định giá

Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương, dự báo với tình hình hiện nay, sắp tới có thể xuất hiện các yếu tố tác động đến giá cả, chi phí sản xuất. Vì vậy, sở đã chỉ đạo rà soát kết quả thực hiện chương trình bình ổn thị trường vừa qua và hiện nay để có so sánh đối chiếu. Trên cơ sở đó đánh giá, tìm nguyên nhân và có định hướng, kế hoạch chuẩn bị cung ứng hàng hóa phù hợp nhất, tránh để xảy ra thiếu hàng, tăng giá đột biến trong mọi kịch bản thị trường. 

"Bên cạnh yêu cầu DN báo cáo kết quả thực hiện chương trình, sở chủ động đi kiểm tra, đồng thời liên hệ tổ điều hành thị trường trong nước của Bộ Công Thương nắm thêm thông tin từ các địa phương để có cái nhìn tổng quát nhằm xây dựng kế hoạch, phương án hợp lý, khả thi nhất, bảo đảm ổn định giá cả thị trường từ nay đến cuối năm" - ông Nguyễn Nguyên Phương nhấn mạnh.

Một số DN cho hay trở ngại lớn nhất hiện nay là các DN sản xuất đang phải gánh chi phí nguyên liệu gia tăng trong điều kiện giao dịch không bình thường do Covid-19, chi phí nhân công cũng có xu hướng tăng, DN chỉ có thể nỗ lực giữ giá trong nhất thời. "DN không xin TP hỗ trợ vốn vay ưu đãi mà cần TP giúp DN tìm kiếm, kết nối nguồn nguyên liệu, hỗ trợ trong các thủ tục thông quan nguyên liệu nhập khẩu, các thủ tục thuế... để DN chủ động tổ chức hoạt động" - đại diện một DN chủ lực trong chương trình bình ổn thị trường TP HCM nêu ý kiến.

Chuyên gia kinh tế - TS Cấn Văn Lực và nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, nhận định nước ta là một nước nhập khẩu khá nhiều, việc tăng giá nhiều mặt hàng trong thời gian qua có tác động đáng kể lên mặt bằng giá cả và lạm phát trong ngắn hạn.

Dù vậy, vẫn có những yếu tố làm giảm áp lực lạm phát của Việt Nam, TS Cấn Văn Lực phân tích là nhờ nền tảng vĩ mô cùng tỉ giá cơ bản ổn định. Hiện tại, các cân đối lớn của Việt Nam (nợ công, thâm hụt ngân sách, cán cân thương mại...) ở trạng thái tốt hơn so với giai đoạn trước, cộng với đà kiểm soát lạm phát dưới 4% trong 5 năm qua, quan hệ cung - cầu ngoại tệ khá ổn, thị trường vàng được kiểm soát tốt hơn... "Tất cả những yếu tố này cộng với chính sách điều hành tỉ giá ngày càng linh hoạt, chủ động đã và đang giúp tỉ giá cơ bản ổn định. Từ đầu năm đến nay, VNĐ tăng giá nhẹ (0,22% so với USD) và chúng tôi dự báo cả năm tỉ giá có thể tăng khoảng 0,5%-1%" - TS Cấn Văn Lực nói.

Dù vậy, các chuyên gia cũng khuyến nghị không chủ quan với lạm phát, tiếp tục nắn dòng tiền vào những lĩnh vực có tính lan tỏa cao; tiếp tục các biện pháp chấn chỉnh hiện tượng "sốt giá" bất động sản đất nền.

T.Phương

Theo dõi sát diễn biến cung cầu

Liên quan đến công tác điều hành giá những tháng còn lại của năm 2021, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái vừa yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện công tác quản lý, điều hành giá, kiểm soát lạm phát năm 2021 thận trọng, linh hoạt và chủ động, tập trung vào việc hỗ trợ thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ, vừa giữ ổn định mặt bằng giá để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân vừa hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Về phía Bộ Công Thương, đại diện Vụ Thị trường trong nước, cho biết thời điểm dịch Covid-19 bùng phát trở lại trên diện rộng và diễn biến phức tạp, nguồn hàng vẫn được cung cấp dồi dào trên thị trường, không có tình trạng đầu cơ, tích trữ hàng hóa. Các đơn vị chuyên cung cấp các mặt hàng tiêu dùng, thực phẩm và hàng thiết yếu khác có cam kết cung ứng đủ nhu cầu tiêu dùng cho người dân trước diễn biến mới của dịch Covid-19, bảo đảm giá cả ổn định. "Bộ Công Thương tiếp tục theo dõi và chỉ đạo các đơn vị tại địa phương thực hiện các giải pháp bình ổn, khuyến khích DN duy trì dự trữ hàng. Đồng thời theo dõi sát diễn biến thị trường hàng hóa để kịp thời có phương án xử lý các bất ổn về cung cầu" - đại diện Vụ Thị trường trong nước cho hay.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), khẳng định cơ quan này sẽ theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường, đặc biệt là hàng hóa, dịch vụ thiết yếu để kịp thời đề xuất giải pháp bảo đảm cân đối cung - cầu. Đặc biệt sẽ chú trọng đến các nhóm mặt hàng có nguồn cung bị thiếu hụt cục bộ do ảnh hưởng thiên tai, dịch Covid-19 và hàng hóa có nhu cầu cao dịp trước và trong lễ, Tết. Dự báo về những tháng còn lại của năm 2021, ông Tuấn cho rằng giá cả một số mặt hàng rất khó đoán bởi một số yếu tố tác động bất lợi đến tình hình giá cả, như nhóm mặt hàng nhiên liệu, xăng dầu diễn biến hết sức phức tạp, có yếu tố tăng, giảm không thể lường hết.

M.Chiến

Xem thêm: mth.56581050221501202-ac-aig-hnid-no-cul-on/et-hnik/nv.moc.dln

Comments:0 | Tags:No Tag

“Nỗ lực ổn định giá cả”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools