vĐồng tin tức tài chính 365

Ngành dệt may vẫn khó tận dụng FTA

2021-05-13 10:01

Ngành dệt may vẫn khó tận dụng FTA

Quốc Hùng

(KTSG) - Nhiều doanh nghiệp may mặc Việt Nam bắt đầu lấy lại đà tăng trưởng khi đơn đặt hàng của các nhà nhập khẩu đang quay trở lại. Tuy nhiên, để doanh nghiệp, ngành phục hồi được như thời điểm trước dịch Covid-19 còn nhiều việc phải làm, nhất là khi xu hướng tiêu dùng may mặc thay đổi nhiều, trong khi cái khó về nguồn cung nguyên phụ liệu tiếp tục là thách thức của ngành.

Sự thay đổi về xu hướng tiêu dùng và sự thiếu hụt nguồn cung nguyên phụ liệu tiếp tục là thách thức của ngành dệt may. Ảnh minh họa: TTXVN

Ông Phạm Xuân Hồng - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần May Sài Gòn 3, và là Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TPHCM (AGTEX) - cho biết hiện hầu hết các doanh nghiệp hội viên hiện đã có đơn hàng đến hết tháng 6, một số doanh nghiệp có đơn hàng đến tháng 7 và tháng 8. “Nhà nhập khẩu chính vẫn là ở những thị trường truyền thống như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản. Số đơn hàng nhận hiện nay tương đương với thời điểm chưa xảy ra dịch bệnh”, ông Hồng nói, và cho rằng: “Đơn hàng trở lại này có thể do năm ngoái tiêu thụ sụt giảm mạnh nên năm nay tăng trở lại”.

Tín hiệu phục hồi

Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy giá trị xuất khẩu nhóm hàng này trong quí vừa qua đạt 7,21 tỉ đô la Mỹ, tăng nhẹ 1,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, Mỹ - thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam - tăng 5,9% so với cùng kỳ năm trước, với trị giá đạt 3,51 tỉ đô la và chiếm 48,7% tổng trị giá xuất khẩu hàng dệt may của cả nước hay thị trường EU (27 nước) tiêu thụ 680 triệu đô la, tăng 3,1%... Bộ Công Thương cũng nhận định ngành dệt may trong quí 1-2021 đã có nhiều tín hiệu khởi sắc hơn so với cùng kỳ năm trước, các doanh nghiệp đã tìm được hướng đi phù hợp và thị trường dệt may thế giới đã dần sôi động trở lại.

Hàng may mặc cơ bản thắng thế

Với khoảng 17 tháng chịu đựng đại dịch và lệnh đóng cửa, nay thế giới đã hoạt động trở lại theo cách thức mới và xu thế tiêu dùng các mặt hàng may mặc đã và đang thay đổi so với trước đây. Theo các doanh nghiệp, xu thế tiêu dùng hàng may mặc của thế giới trong thời đại dịch đã thay đổi rất nhiều do người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu. Theo ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT tập đoàn dệt may Việt Nam (Vinatex), trong năm 2020, các mặt hàng veston, sơ-mi, quần âu suy giảm mạnh nhất, trong đó veston giảm 70%, quần âu giảm 45%, áo sơ mi giảm hơn 30%. Đây lại là những mặt hàng thế mạnh của Việt Nam.

Bước sang năm 2021, các mặt hàng thế mạnh kể trên có sự phục hồi dù còn ở mức thấp so với năng lực sản xuất của ngành may Việt Nam hiện có. Việc tăng sản xuất các mặt hàng thế mạnh này trong năm nay theo các doanh nghiệp là vẫn chưa rõ ràng, vì còn phụ thuộc rất nhiều vào cách thức đi lại, làm việc có trở về được như trước khi có dịch Covid-19 hay không. Nếu thế giới vẫn duy trì cách thức làm việc từ nhà thì các mặt hàng đó vẫn không thể phục hồi như cũ được.

Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp, trong sáu tháng đầu năm nay thị trường đã và đang tiếp tục tiêu thụ mạnh các mặt hàng cơ bản, với giá cả tương đối rẻ hơn trước. Và trên thực tế hiện nay, các nhà máy may của Việt Nam vẫn chạy đầy tải các mặt hàng dệt kim, hàng quần áo cơ bản. Do đó, những doanh nghiệp lâu nay làm hàng may mặc thời trang có thể gặp khó khăn trong thời gian đầu chuyển đổi sang sản xuất hàng cơ bản, đơn giản. Còn những doanh nghiệp mạnh về dòng sản phẩm cơ bản, thể thao thì phát triển thuận lợi hơn.

Cùng với việc chuộng mua sắm các mặt hàng may mặc cơ bản này, người tiêu dùng có khuynh hướng chọn loại áo quần có chất liệu vải tốt cho sức khỏe, bền vững môi trường cũng như chọn thương hiệu quan tâm đến quyền người lao động. Xu hướng này còn được luật hóa tại các nước EU, thị trường thời trang lớn của thế giới. Do vậy, khi các luật này được áp dụng, ảnh hưởng của nó đối với toàn bộ thị trường thời trang thật sự là rất lớn.

Cùng với xu hướng tiêu dùng thay đổi là các áp lực phải giảm giá, sự cạnh tranh của phương thức bán hàng trực tuyến khiến giá trị đơn hàng phải nhỏ đi, yêu cầu về tính cá nhân hóa trên các sản phẩm, thời gian giao hàng nhanh lại tăng lên... đang tạo ra áp lực trái chiều đối với các doanh nghiệp dệt may Việt Nam.

Cần gỡ cái khó cố hữu của ngành

Theo các chuyên gia, những ưu đãi thuế của các hiệp định FTA giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) khiến cho nhiều nhãn hàng sẽ tăng sức mua từ Việt Nam. Tuy nhiên, không ít nhãn hàng lưỡng lự vì không rõ liệu Việt Nam có đáp ứng được tiêu chuẩn xuất xứ hay không, vì nếu không đáp ứng được, ưu đãi thuế sẽ không còn có ý nghĩa.

Muốn tận dụng lợi ích về cắt giảm thuế quan từ các FTA, doanh nghiệp phải chứng minh được nguồn gốc sản xuất tại Việt Nam hoặc các nước nội khối trong hiệp định từ khâu sợi trở đi đối với CPTPP, từ vải trở đi với EVFTA...

Thực tế cho thấy, các đơn hàng của Việt Nam phần lớn may theo hình thức gia công, nguồn vải chủ yếu nhập khẩu cho nên việc đáp ứng yêu cầu về xuất xứ từ sợi trở đi là khá khó khăn. CPTPP có một số ngoại lệ cho phép không cần theo quy tắc về xuất xứ mà vẫn có thể hưởng ưu đãi về thuế. Tuy nhiên, khả năng khai thác các ngoại lệ trong quy tắc xuất xứ bị hạn chế do các loại sợi, vải quy định trong danh sách lại ít dùng cho sản xuất các loại quần áo đại trà và không phải là thế mạnh của dệt may Việt Nam.

Đối với EVFTA, yêu cầu về nguyên liệu sản phẩm rất khắt khe, trong khi nguồn nguyên liệu dệt may do Việt Nam sản xuất đạt chất lượng cao hiện chưa đáp ứng đủ nhu cầu của các doanh nghiệp. Dù các doanh nghiệp có thể sử dụng nguồn nguyên liệu nhập khẩu ngoại khối từ các thị trường được EVFTA chấp nhận như Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ... nhưng đây lại là bài toán “cân não” với doanh nghiệp vì chi phí  cao.

Theo ông Phạm Xuân Hồng, tỷ lệ tận dụng lợi thế từ các FTA hiện chỉ đạt mức 20-25%. Nghĩa là, hàng hóa may mặc Việt Nam vẫn đang xuất khẩu với thuế suất cao do không đủ điều kiện để được hưởng thuế suất giảm theo các FTA. Việc tăng kim ngạch xuất khẩu dệt may thời gian qua chỉ tập trung chủ yếu ở khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chứ doanh nghiệp nội địa chưa nhiều. Một xu hướng khác nữa mà các chuyên gia lưu ý đó là các nhãn hàng đang có xu hướng đa dạng hóa nhà cung ứng, đặc biệt là rút ngắn thời gian giao hàng. Do đó, nếu các doanh nghiệp dệt may Việt Nam gia tăng được giá trị sản xuất từ thuần gia công lên mô hình OEM (nghĩa nhà cung ứng chủ động về nguyên vật liệu) và ODM (nhà cung ứng tham gia từ quá trình thiết kế ra sản phẩm), thì sẽ có cơ hội trở thành nhà cung ứng trực tiếp của các nhãn hàng phát triển bền vững hơn. Tuy nhiên, không có nhiều doanh nghiệp Việt Nam đủ tầm để có thể làm trực tiếp với các nhãn hàng.

Vì đa phần các doanh nghiệp dệt may Việt Nam là vừa và nhỏ, khi làm việc trực tiếp với nhãn hàng, họ phải đối mặt với các thách thức, như phải có nguồn lực về phát triển thiết kế, nguyên phụ liệu, thiết bị, công nghệ phát triển mẫu phù hợp với xu thế, phù hợp với dòng sản phẩm của nhãn hàng, kể cả thiết kế 3D, doanh nghiệp phải ra được mẫu, tính được giá. Để đạt được điều này, buộc các doanh nghiệp Việt Nam phải liên kết với nhau.

Và để tồn tại và phát triển yêu cầu đặt ra là doanh nghiệp phải nâng cao năng lực sản xuất theo mô hình OEM hay ODM, chuyển đổi số, đào tạo lại nhân lực trong điều kiện mới, đáp ứng các yêu cầu mới về môi trường và lao động, tự chủ nguồn nguyên liệu đầu vào... 

Xem thêm: lmth.atf-gnud-nat-ohk-nav-yam-ted-hnagn/432613/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Ngành dệt may vẫn khó tận dụng FTA”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools