Chị Nguyễn Thị Anh Thư - nhân viên ban quản lý chợ Hòa Khánh Nam - soát thẻ người đi chợ
9h sáng 11-5, hàng người vẫn lần lượt xếp hàng ngay ngắn trước một chốt đo thân nhiệt tại chợ Hòa Khánh Nam (Liên Chiểu, Đà Nẵng). Nhiều người quên phiếu đã buộc phải quay đầu xe.
Giấy thông hành đặc biệt
Mất nhiều thời giờ để lo cho hai đứa con, dọn dẹp nhà cửa trước khi ra chợ, chị Nguyễn Trần Khánh Dung - tổ 29 Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) - mới tới được cổng chợ. Chị dừng xe, đo thân nhiệt xong nhưng chợt nhớ ra mình chưa được phát phiếu vào chợ.
"Tui nghe loa phường báo mỗi hộ sẽ có phiếu vào chợ, nhưng ở khu phố tôi chưa thấy được phát". Nghe chị phân trần, dù rất thông cảm nhưng bảo vệ chợ đành lắc đầu yêu cầu chị quay xe.
9h15, chúng tôi có mặt tại nhà tổ trưởng tổ dân phố 29 trên đường Đồng Trí 3, phường Hòa Khánh Nam. Cửa nhà vị này khóa trong, nhưng một cách chu đáo, ngay sát bên phải cửa là chiếc bàn đặt những xấp phiếu màu trắng được xếp ngay ngắn. Cạnh đó là chai dung dịch sát khuẩn, những tờ phiếu ghi rõ địa chỉ tổ, phường.
Tổ trưởng tổ dân phố còn viết mẩu giấy nhắn lại với nội dung "Bà con lấy đúng tiêu chuẩn mình cần, ai không có nhu cầu thì nhường người khác". Cầm trang giấy A4 in 5 ô phiếu đi chợ, chị Dung cười vì đã có thể đến chợ mua sắm.
Bốn ngày qua là quãng thời gian khó quên đối với người dân Đà Nẵng. Câu chuyện tem phiếu hay những mẩu giấy thông hành nhận lương, phát gạo, đi mua hàng... vốn chỉ qua lời kể của người sống thời bao cấp nhưng lại được tái hiện đầy sống động ngay giữa thời dịch giã này.
Điều đáng nhớ là trong các đợt tấn công của COVID-19, Đà Nẵng chính là nơi đầu tiên khởi xướng chuyện đi chợ bằng phiếu (tháng 7-2020). Không ít người, sau khi qua đợt dịch giữa năm 2020, đã đem đi ép nhựa, đóng khung lưu tờ giấy đi chợ như kỷ vật nhớ đời. Nhưng một lần nữa, dịch quay trở lại và những mẩu phiếu lại tiếp tục sứ mệnh đặc biệt của mình.
Người vào chợ phải đo thân nhiệt
Ngã giá bằng... ánh mắt
Ở quận Liên Chiểu, khu chợ Hòa Khánh Nam được xem như "chợ đầu mối". Trước khi dịch ập đến, bốn trục đường vào chợ luôn chật nêm người. Thế nhưng mọi thứ đã thay đổi hoàn toàn từ sáng 8-5, thời điểm TP Đà Nẵng tái áp dụng lệnh đi chợ theo phiên. Thay vì tới chợ tự do, mỗi người dân sẽ được cấp 5 phiếu đi chợ trong thời gian từ 8-5 đến 15 ngày kế tiếp.
Trên mẩu giấy này, chính quyền cũng yêu cầu mỗi người dân chỉ được ra chợ 3 ngày một lần, mỗi phiếu khi qua cổng chợ phải kê khai thông tin đầy đủ và nạp lại cho ban quản lý chợ để lưu lại thông tin.
Cũng vì áp số lần đi chợ theo "slot" (lượt ra vào các bến xe, sân bay) mà những phiên chợ đông đúc như sựng lại. Tiểu thương các gian hàng từ rau, củ, quả cho tới đồ ăn tươi sống, thịt cá, quần áo và giày dép, đâu đâu cũng cảnh ngồi nhàn rỗi.
Người cúi đầu bấm điện thoại xem YouTube hài và thỉnh thoảng lại giật vai cười khùng khục, người cầm cành cây đuổi ruồi, có người lấy vải ra tranh thủ thêu vá, thậm chí có người lấy ốc lể (ốc nhỏ bằng hạt đậu đen) ra ngồi lể để giết thời gian.
"Bình thường tui làm hai con heo, bán buổi sáng đã hết vèo hai, ba tạ thịt. Nhưng từ ngày có dịch tới nay làm nửa con bán vẫn ế" - một nữ tiểu thương hàng thịt nói khi được hỏi chuyện. Mấy chủ hàng thịt ngồi kế đó cũng cho biết: "Hắn (dịch) hành đi hành lại cả hai năm qua ế ẩm, làm ăn không được cái chi".
Chúng tôi đi sâu vào những góc hàng rau, trái cây trong chợ, đâu đâu cũng thấy cảnh vắng khách. Hàng hóa, thịt cá tấp tràn đầy, những đống rau cao lút đầu người nhưng thỉnh thoảng mới có người ghé mua. Tất cả đều vội vã, ít lời trao đổi qua lại và chẳng ai thấy mặt nhau sau lớp khẩu trang.
Nỗi ám ảnh dịch bệnh đã làm người mua lẫn người bán cảnh giác cao độ, họ trò chuyện với nhau tối thiểu và ngã giá bằng ánh mắt. Sau mỗi lần mua bán, trao đổi hàng hoá xong, những tờ tiền còn được một số người cẩn thận "xịt" sát khuẩn...
"Sứ mệnh lớn" của mẩu phiếu
Mẩu phiếu có thông tin người vào chợ được thu lại - Ảnh: B.D.
Ban chỉ đạo phòng chống dịch TP Đà Nẵng cho biết dù chỉ là mẩu giấy đơn giản nhưng phiếu vào chợ đang phát huy sứ mệnh chống dịch rất tốt. Không chỉ hạn chế số người tập trung vào chợ trong một thời điểm, những tờ phiếu còn giúp truy xuất thông tin, biết chính xác số điện thoại, nơi ở và thời điểm vào chợ của người dân.
Những mẩu giấy vào chợ sẽ được tập hợp, ghim thành tệp và phân theo khu vực. Khi có ca nghi nhiễm xuất hiện tại chợ, cơ quan chống dịch sẽ truy xuất và tìm ra người liên quan.
Cảnh mua bán vội vã, kiệm lời vì lo sợ dịch - Ảnh: B.D.
Chợ ế ẩm
Chị Nguyễn Thị Anh Thư - nhân viên ban quản lý chợ Hòa Khánh Nam - cũng nói rằng dù sát ngày rằm, cao điểm của những ngày đầu tiên áp dụng tem phiếu nhưng lượng người vào chợ rất vắng.
"Đợt dịch trước mỗi ngày chợ nhận về 3.000 - 4.000 phiếu vào chợ, nhưng mấy hôm nay bình quân chưa tới 2.000. Bà con đa phần đã quen, xoay xở thực phẩm từ nhiều nguồn và dịch căng thẳng nên họ ngại ra chợ" - chị Thư nói.
Tương tự, ở chợ Cồn, chợ đầu mối Hòa Cường (Đà Nẵng), lượng hàng hóa tồn cũng rất lớn. Các lối ra vào chợ được siết chặt, đo thân nhiệt, soát phiếu và không hề có cảnh xếp hàng dày đặc.
Nhiều người cho biết hiện nay nếu không đi chợ cũng có nguồn khác để mua thực phẩm. Đó là các siêu thị tiện lợi, cửa hàng mini. Đặc biệt là hệ thống các "chợ" di động tới tận cổng nhà dân do các tiểu thương tổ chức.
Ngoài ra, không ít người dân còn chọn cách "đi chợ một lần" cho nhiều ngày bằng cách xuống chợ hải sản tập trung ở quận Sơn Trà hoặc tới chợ đầu mối mua thực phẩm, rau củ quả về trữ trong tủ đông lớn.
Không chỉ khách hàng thay đổi cách thức ra chợ, mua sắm, ăn uống mà cả tiểu thương ở các chợ cũng phải thích ứng những cách buôn bán mà họ chưa từng trải qua. Nhiều tiểu thương ở chợ Hòa Khánh Nam cho biết không chỉ lấy ít hàng hơn mà nhiều người còn mở Facebook, in số điện thoại ngay trước quầy để mua bán qua mạng, qua điện thoại.
"Tui vẫn ngồi ở chợ, nhưng khách không có phiếu vào thì chỉ cần gọi là tui xách ra ngoài cung cấp hoặc chở tới tận nhà" - chị Nguyễn Thị Hà, chủ quầy thịt, nói.
TTO - Trung tâm cấp cứu 115 TP.HCM. 18h. 'Reng… Reng… Reng'. Đầu dây, giọng nam gấp gáp: 'Tôi, bác sĩ Bằng. Khu A của ký túc xá Đại học Quốc gia có 2 ca từ nước ngoài về cách ly tập trung nghi nhiễm COVID-19. Sốt cao 38,5 độ, ho, đau ngực'.
Xem thêm: mth.42391901221501202-91-divoc-aum-ohc-id-gnan-ad-iougn/nv.ertiout