Luật sư Hoàng Tùng (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, hai vợ chồng Giám đốc Hacinco không khai báo y tế khi đi du lịch về, có biểu hiện dịch tễ song vẫn ăn uống đông người... cơ quan chức năng cần khởi tố vụ án hình sự để điều tra.
Theo luật sư Tùng, ngay sau khi đợt dịch thứ 4 tái bùng phát với nhiều ca bệnh liên tiếp cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2, các địa phương đều nhanh chóng ban hành nhiều văn bản để chỉ đạo các cán bộ, công chức hoặc khuyến cáo người dân tuân thủ quy định phòng, chống dịch.
Tại Hà Nội, UBND thành phố có công điện yêu cầu mọi người dân khi trở lại thành phố sau kỳ nghỉ lễ 30.4 bắt buộc phải khai báo y tế qua phần mềm hoặc khai báo trực tiếp với chính quyền địa phương nơi cư trú.
Tuy nhiên, luật sư cho biết theo báo cáo của cơ quan chức năng Hà Nội, ông Nguyễn Văn Thanh (Giám đốc Hacinco) và vợ đã cố tình không khai báo y tế sau khi du lịch Đà Nẵng trở về.
Thậm chí, khi vợ chồng giám đốc Hacinco có biểu hiện ho, sốt, đau họng, họ còn cố ý không khai báo và tham gia liên hoan, ăn uống đông người.
Luật sư Tùng cho rằng, hậu quả của hành vi trên đang trở nên nghiêm trọng, ảnh hưởng rất lớn đến công tác phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh tại Hà Nội.
Theo luật sư, với những căn cứ nêu trên, cơ quan chức năng cần khởi tố vụ án hình sự để điều tra. Trường hợp xác định ông Nguyễn Văn Thanh có dấu hiệu phạm tội thì khởi tố bị can.
Trong khi đó, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, trường hợp có căn cứ cho thấy hai người này đã vi phạm quy định về phòng, chống dịch bệnh, bất kể vi phạm làm gì (không khai báo y tế, không thực hiện quy định về phòng chống dịch bệnh tại bệnh viện, nơi công cộng, không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân là đeo khẩu trang...) nhưng làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng thì sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự.
Ông Cường dẫn chứng, Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm năm 2007, Nghị định 101/2010/NĐ-CP của Chính phủ và các văn bản của chính quyền địa phương về phòng chống dịch bệnh đã nêu rõ các trường hợp tiếp xúc với nguồn lây bệnh, đi qua vùng dịch, đi về từ vùng dịch phải thực hiện việc khai báo y tế và cách ly y tế tập trung hoặc cách ly y tế tại nhà.
Các trường hợp có biểu hiện như sốt, ho, đau họng, chảy nước mũi, những triệu chứng đã được cảnh báo của bệnh dịch này thì phải khẩn trương đến cơ sở y tế để khám, cách ly, điều trị theo quy định.
Bởi vậy việc cơ quan điều tra vào cuộc xác minh làm vụ việc là cần thiết. Nếu quá trình xác minh, điều tra, có đủ căn cứ thì sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 240 Bộ luật hình sự, với mức hình phạt có thể lên đến 12 năm tù.
Luật sư nhận định, những vụ việc vi phạm quy định về phòng chống dịch bệnh trong thời gian gần đây (như vụ nam tiếp viên hàng không) cho thấy, người vi phạm thường có hiểu biết, có nhiều mối quan hệ, đi lại giao tiếp nhiều người.
Nhiều người vi phạm cũng đã bị xử lý hành chính hoặc hình sự nhưng cho đến nay vẫn có nhiều người bất chấp pháp luật, coi thường tính mạng sức khỏe của bản thân mình và người khác.
Bởi vậy những người này cần phải xử lý nghiêm minh bằng các chế tài của pháp luật, thậm chí có thể xét xử lưu động để răn đe, phòng ngừa chung cho xã hội.
Trong sáng nay (13.5), Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, 2 ca mắc COVID-19 tại quận Thanh Xuân được xác định là ông Nguyễn Văn Thanh - Giám đốc Công ty Đầu tư xây dựng số 2 Hà Nội và vợ.
Hiện, rất nhiều địa điểm 2 người này từng đến trong 14 ngày qua đã phải cách ly y tế với hàng nghìn người. Số ca F1 xác định được của 2 vợ chồng đến 8h sáng 13.5 là 150, trong đó 118 đã âm tính, 2 dương tính, số còn lại chưa có kết quả.
Hai tòa chung cư ở quận Hà Đông, Hà Nội, cũng phải phong tỏa do liên quan vị giám đốc này.