Hãng bay không trả tiền cho khách, có lý hay vô lý?
Bà Phan Thị Việt Thu – Chủ tịch Hội bảo vệ người tiêu dùng TPHCM - cho rằng khi khách hàng đồng ý mua vé với một hãng là đã xác lập mối quan hệ, hợp đồng mua bán. Loại vé giá rẻ, vé tiết kiệm thường sẽ có quy định là khách huỷ là mất luôn vé, điều khoản này khách mua vé là đã chấp nhận. Và các hãng hoàn toàn có quyền không trả lại các phần dịch vụ riêng lẻ cho khách là không có gì vô lý.
“Đó là thoả thuận cá nhân giữa khách hàng và người cung cấp dịch vụ, vì quy định để cấu thành một tấm vé hoàn chỉnh có cả việc khách hàng phải chi trả cho các phí dịch vụ liên quan. Sân bay hay thủ tục soi chiếu an ninh là dịch vụ bị “phụ thuộc”, nên hãng không thể xé lẻ dịch vụ bồi thường, chi trả riêng cho từng khách, mà thường dựa vào quy định hoàn, trả theo từng hạng vé”, bà Thu cho hay.
Ngược lại, luật sư Trần Đức Phượng – Thuộc đoàn Luật sư TPHCM, việc các hãng hàng không thu hộ phí sân bay, nhưng khách chưa thực hiện trải nghiệm, sử dụng dịch vụ tại sân bay thì hãng phải có nghĩa vụ trả lại tiền phí sân bay cho khách dù là hạng vé nào đi chăng nữa. Nếu khách đơn phương huỷ vé, tương tự như chấm dứt hợp đồng với hãng bay thì cứ chiếu theo thoả thuận là phạt phí huỷ vé. Nhưng khoản phí sử dụng dịch vụ của bên thứ ba buộc hãng bay phải thanh toán, trả lại cho khách hàng, không nên nhập nhằng. Trong khoản thu đó nếu có liên quan đến một số bên thứ ba, thứ tư như đại lý bán vé, phòng vé... thì có thể tính toán trừ vào khoản tiền theo sự đồng thuận của khách và hãng.
“Mà theo tôi các đơn vị cung cấp dịch vụ (ở đây là sân bay) không ai đi thu tiền trước cả, người ta chỉ dựa trên con số thông kê rồi báo cáo về về đơn vị chi trả (ở đây là hãng hàng không). Có chăng bên đơn vị cung cấp dịch vụ chỉ yêu cầu hãng bay đặt trước một khoản tiền sử dụng dịch vụ, đại loại như tiền đặt cọc. Nhưng đúng là khách không dùng dịch vụ sân bay thì mọi chi phí bắt buộc hãng bay phải trả lại cho khách”, luật sư Phượng bày tỏ.
Luật sư Phượng cho rằng, điều vô lý ở các hãng bay hiện tại là các hãng đưa ra các hạng vé như “phổ thông tiết kiệm” làm hạn chế nhiều quyền lợi của người tiêu dùng, trong việc hoàn, đổi trả vé và các dịch vụ đi kèm…, bất lợi luôn nằm ở phía người tiêu dùng.