Báo cáo cụ thể về năng lực xét nghiệm, bà Nguyễn Minh Hằng, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, test nhanh kháng nguyên nhằm hỗ trợ giám sát, dịch bệnh COVID-19, hỗ trợ cho kết quả của RT-PCR, hiện nay Việt Nam mới có và bắt đầu sử dụng. Còn test nhanh kháng thể mang tính chất sàng lọc, nghiên cứu, đánh giá dịch tễ.
"Các kỹ thuật này đều đã được Bộ Y tế ban hành hướng dẫn thực hiện đầy đủ, nhằm hỗ trợ các phòng xét nghiệm được cấp phép trên cả nước nâng cao năng lực xét nghiệm", bà Hằng nói.
Hiện công suất xét nghiệm của Việt Nam cải thiện rất nhiều, gấp từ 2-3 lần so với các đợt dịch trước đây. Các phòng xét nghiệm trên cả nước có thể thực hiện tới 100.000 mẫu đơn/ngày. Công suất tăng mạnh gấp 5, 10 lần nếu thực hiện bằng phương pháp gộp mẫu (gộp 5, gộp 10, thậm chí 30 mẫu).
Cùng đó, Việt Nam đã ban hành đầy đủ hướng dẫn thực hiện đối với từng loại hình xét nghiệm, cho các tình huống trong đó có tình huống toàn quốc có 30.000 ca nhiễm SARS-CoV-2.
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn chỉ đạo Cục Y tế dự phòng, Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo thường xuyên tổ chức hội nghị chia sẻ kinh nghiệm, cập nhật kiến thức về xét nghiệm cho các đơn vị khác và các cơ sở y tế ở địa phương.
Lãnh đạo Bộ Y tế cũng cho biết sẽ tăng cường truyền thông để người dân rõ hơn về vai trò, ý nghĩa của xét nghiệm SARS-CoV-2 trong phòng, chống dịch COVID-19.
Đến nay, toàn quốc có 175 phòng xét nghiệm có khả năng thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2, trong đó, có 125 phòng đủ năng lực xét nghiệm khẳng định. So với các đợt dịch trước, trong đợt dịch thứ 4 này khả năng xét nghiệm tăng rất nhanh. Chỉ tính từ 27/4/2021 đến nay, Việt Nam đã thực hiện gần 310.000 mẫu xét nghiệm.
HÀ MINH
TIỀN PHONG