Để chuẩn bị cho việc sửa đổi, bổ sung Luật Hàng không dân dụng Việt Nam năm 2006, Cục Hàng không Việt Nam (HKVN) đang dự thảo báo cáo tổng kết thi hành luật này. Trong đó đáng chú ý là đề xuất bỏ quy định giá trần vé máy bay.
Thị trường nội địa có tính cạnh tranh?
Theo Cục HKVN, dịch vụ vận chuyển hàng không cũng như các loại hình vận tải khác là loại “hàng hóa, dịch vụ theo mùa vụ”. Tùy thuộc nhu cầu đi lại của khách, có mùa cao điểm, mùa thấp điểm. Song song đó, chuyến bay có giờ bay phù hợp sẽ được nhiều hành khách mua vé, thậm chí sẵn sàng trả giá cao để mua được vé sát giờ bay, điều kiện linh hoạt, chất lượng dịch vụ cao theo nhu cầu của khách; và ngược lại những chuyến bay muộn, bay ban đêm thường ít hành khách.
Thực tế hiện nay các hãng hàng không luôn xây dựng dải giá linh hoạt với nhiều mức giá, tương ứng với các điều kiện, thời điểm mua khác nhau. Thông thường, dải giá được các hãng xây dựng có khoảng 10-15 mức. Trong đó, có những mức 0 đồng, theo từng đợt khuyến mãi, giảm giá của hãng.
“Với sự tham gia của ngày càng nhiều hãng hàng không, thị trường vận chuyển nội địa đã có tính cạnh tranh rất cao. Việc áp dụng giá trần máy bay sẽ hạn chế việc nâng cao chất lượng dịch vụ nhằm phục vụ đối tượng khách sẵn sàng chi trả cao hơn mức giá trần, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh bằng chất lượng dịch vụ - yếu tố quan trọng trong phát triển bền vững của các hãng hàng không…” - Cục HKVN nhận định.
Theo đó, Cục Hàng không đề xuất sửa đổi Điều 116 của luật về giá dịch vụ vận chuyển hàng không theo hướng: Trường hợp đường bay có từ ba hãng hàng không tham gia khai thác trở lên, hãng hàng không được quyết định giá dịch vụ vận chuyển hành khách nội địa và thực hiện niêm yết giá theo quy định. Tức bỏ quy định giá trần vé máy bay với thị trường nội địa.
Cục Hàng không Việt Nam đề xuất bỏ quy định giá trần vé máy bay với thị trường nội địa. Ảnh: VIẾT LONG
Ý kiến trái chiều
PGS-TS Nguyễn Thiện Tống, chuyên gia hàng không, cho rằng trước đây Việt Nam chỉ có một hãng hàng không duy nhất là Vietnam Airlines nên Nhà nước phải đưa ra giá trần để kiểm soát. Tuy nhiên, đến nay trong nước có thêm nhiều hãng hàng không (Jetstar Pacific, VietJet Air, Bamboo Airways, Viettravel và VASCO) và đang có sự cạnh tranh rất khốc liệt nên việc xem xét bỏ giá trần là phù hợp.
“Theo đó, một hãng hàng không có chất lượng dịch vụ cao có thể đưa ra giá cao, còn hãng chất lượng phục vụ thấp hơn có thể đưa ra giá thấp. Thông qua đó, khách hàng sẽ lựa chọn hãng, giá vé phù hợp với bản thân để mua…” - PGS-TS Nguyễn Thiện Tống nói.
Vị chuyên gia này cũng cho rằng cùng với việc bỏ giá trần vé máy bay, cơ quan chức năng phải tăng cường giám sát, tránh tình trạng các hãng “bắt tay nhau” nâng giá vé, gây thiệt hại cho hành khách.
Tuy nhiên, PGS-TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế - tài chính, lại cho rằng theo quy định hiện hành, Nhà nước sẽ quy định giá trần đối với các mặt hàng của những doanh nghiệp (DN) chiếm vị thế độc quyền, thống lĩnh thị trường nhằm buộc các DN không thể bán quá đắt, gây thiệt thòi cho người tiêu dùng.
Theo đó, Luật Cạnh tranh quy định một DN được coi là có vị trí thống lĩnh thị trường nếu có thị phần từ 30% trở lên trên thị trường liên quan. Hai DN được coi là có vị trí thống lĩnh thị trường nếu cùng hành động nhằm gây hạn chế cạnh tranh có tổng thị phần từ 50% trở lên trên thị trường liên quan. Với ba DN, tổng thị phần là từ 65% trở lên và bốn DN, tổng thị phần là từ 75% trở lên…
Như vậy, có thể nhận thấy việc Nhà nước quy định giá trần không phải dựa vào số lượng DN tham gia thị trường mà dựa vào thị phần DN nắm giữ. “Chẳng hạn như mặt hàng xăng dầu, hiện có 38 DN là đầu mối kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu nhưng Nhà nước vẫn quy định giá trần. Vì hiện nay, riêng Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) vẫn chiếm khoảng 50% thị phần, như vậy DN này đang thống lĩnh thị trường nên Nhà nước vẫn phải quy định giá trần…” - ông Ngô Trí Long dẫn chứng.
Với lĩnh vực hàng không, vị chuyên gia cho rằng theo số liệu gần đây, Vietnam Airlines và VietJet lần lượt chiếm trên 34% đến 42% thị phần hàng không nội địa. Nếu chiếu theo quy định trên, Nhà nước phải quy định giá trần.
“Nếu không quy định giá trần, có khi họ sẽ “bắt tay nhau” tăng giá vô tội vạ, gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Nên tôi cho rằng đề xuất của Cục Hàng không chưa nắm rõ các quy định của pháp luật hiện hành…” - ông Ngô Trí Long nói và cho rằng khi Nhà nước đưa ra giá trần, DN buộc phải cạnh tranh với nhau qua việc giảm chi phí kinh doanh thay vì tăng giá.•
Đề xuất bỏ quy định giá đồ ăn, đồ uống ở sân bay Theo Cục HKVN, quy định hiện hành dịch vụ thiết yếu tại sân bay bao gồm dịch vụ cung cấp một số đồ ăn và đồ uống. Trên thực tế, tại các sân bay hiện nay đã triển khai cung cấp nước uống miễn phí cho hành khách. Đồng thời đối với các chuyến bay nội địa, hành khách có thể mang theo nước, sữa vào khu vực cách ly. Mặt khác, thời gian hành khách làm thủ tục và chờ lên máy bay bình quân khoảng 2-3 giờ. Với thời gian lưu lại sân bay như vậy, hành khách có nhiều lựa chọn như sử dụng dịch vụ ăn uống tại các khu vực khác trước khi đến cảng hàng không, sân bay; mang theo đồ ăn đến và sử dụng tại khu vực ngoài cách ly; sử dụng dịch vụ ăn, uống trên máy bay… Như vậy, có thể thấy việc Nhà nước quy định khung giá dịch vụ thiết yếu tại cảng hàng không, sân bay như hiện nay đã không còn phù hợp. Vì vậy, Cục HKVN đề xuất sửa luật theo hướng đối với các dịch vụ hàng không khác và dịch vụ phi hàng không, DN quyết định mức giá dịch vụ và thực hiện niêm yết giá theo quy định. Tuy nhiên, theo PGS-TS Nguyễn Thiện Tống, hiện nay vào sân bay khách thường bị “chém” giá rất cao. Nếu chúng ta tiếp tục quản lý lỏng, dễ xảy ra tình trạng các cửa hàng ở sân bay “móc túi” hành khách. Vì thế đề xuất này cần phải xem xét cẩn trọng. |