Sáng 13-5, Tổng công ty Đầu tư và phát triển nhà Hà Nội (Handico) đã báo cáo UBND TP Hà Nội và Sở Nội vụ về việc đã tạm đình chỉ chức vụ bí thư đảng ủy, giám đốc công ty đầu tư xây dựng số 2 Hà Nội (Hacinco) đối với ông Nguyễn Văn Thanh để làm rõ trách nhiệm trong công tác phòng chống dịch COVID-19.
Lịch trình lây nhiễm phức tạp
Theo lịch sử dịch tễ, ngày 30-4, ông Thanh và vợ đi du lịch Đà Nẵng và quay về Hà Nội vào ngày 2-5. Tiếp đó, ông bà dự nhiều cuộc họp, ăn uống, vui chơi và gặp gỡ nhiều người.
Từ ngày 9-5, vợ ông Thanh có biểu hiện viêm họng nhưng ông Thanh vẫn không giảm tần suất hội họp, gặp gỡ mọi người.
Đến ngày 12-5, hai vợ chồng đi khám tại BV hữu nghị Việt - Xô, không khai báo dịch tễ khi có dấu hiệu đau họng, ho, sốt. Tại đây, vợ chồng ông Thanh được phát hiện đều dương tính với SARS-CoV-2.
Theo CDC Hà Nội, tính đến sáng 13-5, số F1 của vợ chồng ông Thanh là 150 trường hợp. Trong đó, 118 người đã có kết quả xét nghiệm âm tính, hai trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, số còn lại đang chờ kết quả.
Vi phạm hành chính đã rõ
Hành vi không khai báo y tế dẫn đến việc lây nhiễm dịch trong cộng đồng sẽ bị xử lý ra sao?
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM, nhận định hành vi của vợ chồng ông Thanh đã vi phạm các quy định về công tác phòng chống dịch COVID-19.
Cụ thể, luật sư Hậu cho biết tại khoản 3 Điều 7 Nghị định 117/2020, cá nhân không khai báo hoặc khai báo không kịp thời về tình trạng bệnh của bản thân sẽ bị phạt tiền 10-20 triệu đồng.
Khi trở về từ Đà Nẵng, vợ chồng ông Thanh đã không khai báo y tế. Đến ngày 9-5, dù người vợ có dấu hiệu viêm họng, một trong các dấu hiệu nhiễm COVID-19 nhưng cả hai không đến cơ sở y tế khai báo tình trạng bệnh. Ông Thanh còn tiếp tục đến các địa điểm đông người.
Ngoài ra, ngày 12-5, hai vợ chồng đến BV hữu nghị Việt - Xô khám bệnh nhưng vẫn không thực hiện việc khai báo y tế.
Luật sư Hậu nói thêm: Theo Công điện số 05 của chủ tịch UBND TP Hà Nội, người dân khi trở lại TP Hà Nội sau kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5 bắt buộc phải khai báo y tế trên tokhaiyte.vn hoặc khai báo y tế bằng mã QR Code, ứng dụng công nghệ thông tin hoặc khai báo trực tiếp với chính quyền địa phương nơi cư trú.
Công điện cũng nêu rõ người có biểu hiện ho, sốt, khó thở hoặc các biểu hiện nghi ngờ nhiễm COVID-19 khác cần phải đến ngay các cơ sở y tế gần nhất hoặc trạm y tế xã, phường, thị trấn để được hướng dẫn và xử lý kịp thời.
“Có đầy đủ căn cứ để xử phạt hành chính với vợ chồng ông Thanh về hành vi không khai báo y tế theo yêu cầu của UBND TP Hà Nội” - luật sư Hậu khẳng định.
Tầng 8 tòa nhà nơi vợ chồng ông Thanh cư trú bị phong tỏa, cách ly. Ảnh: TP
Dấu hiệu của tội làm lây lan dịch bệnh
Cùng quan điểm hành vi của vợ chồng ông Thanh cần phải bị chế tài, luật sư Lê Văn Hoan, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho rằng có thể xem xét khởi tố hình sự theo điểm c khoản 1 Điều 240 BLHS 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Theo đó, Điều 240 BLHS quy định ba nhóm hành vi gây lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy nhiễm sau:
Thứ nhất là đưa ra hoặc cho phép đưa ra khỏi vùng có dịch bệnh động vật, thực vật, sản phẩm động vật, thực vật hoặc vật phẩm khác có khả năng lây truyền dịch bệnh nguy hiểm cho người, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Thứ hai là đưa vào hoặc cho phép đưa vào lãnh thổ Việt Nam động vật, thực vật hoặc sản phẩm động vật, thực vật bị nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh nguy hiểm có khả năng lây truyền cho người.
Thứ ba là các hành vi khác làm lây nhiễm dịch bệnh cho người.
Trong đó, nhóm các hành vi khác gây lây nhiễm dịch bệnh cho người đã được TAND Tối cao nêu rõ tại Văn bản 45/2020 về hướng dẫn xét xử tội phạm liên quan đến phòng chống dịch bệnh COVID-19.
Theo hướng dẫn này, người đã được thông báo mắc bệnh, người nghi ngờ mắc bệnh hoặc người trở về từ vùng có dịch bệnh COVID-19 đã được thông báo cách ly nhưng không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ, khai báo gian dối thì bị coi là trường hợp thực hiện hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người quy định tại điểm c khoản 1 Điều 240 và bị xử lý về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người.
“Nếu ngày 2-5, khi về đến sân bay Nội Bài, ông Thanh và người thân không khai báo y tế hoặc khai báo gian dối thì có thể bị xử lý về hình sự” - luật sư Hoan nêu.
Khởi tố vụ án tại ổ dịch thẩm mỹ viện AMIDA Tối 12-5, tại cuộc họp cùng Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP Đà Nẵng, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng đã thông tin về việc sẽ khởi tố vụ án liên quan đến thẩm mỹ viện (TMV) AMIDA, ổ dịch của Đà Nẵng với hơn 40 ca mắc COVID-19. Ông Quang cho biết cơ quan chức năng, tư pháp của TP đã thống nhất cao sẽ khởi tố vụ án hình sự tại TMV AMIDA và yêu cầu ngành y tế hỗ trợ tốt các thủ tục để công an lấy lời khai những người đang cách ly. Trước đó, ca bệnh đầu tiên được phát hiện là nữ bệnh nhân 3131, nhân viên văn phòng TMV. Nhiều bệnh nhân liên quan đến ổ dịch này là người nhà, người có tiếp xúc gần với các nhân viên của TMV cũng bị lây lan dịch. Ngoài ra, nữ tổng giám đốc của TMV này cùng chồng con và người giúp việc của cô cũng mắc COVID-19. Một số vụ vi phạm - Ngày 30-3, TAND TP.HCM tuyên phạt bị cáo Dương Tấn Hậu (tiếp viên Vietnam Airlines) hai năm tù nhưng cho hưởng án treo về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người khác theo điểm c khoản 1 Điều 240 BLHS. Theo đó, sau khi phục vụ trên chuyến bay từ Nhật Bản về nước, Hậu được đưa đi cách ly tập trung, sau đó cách ly tại nhà. Tuy nhiên, trong thời gian cách ly, Hậu liên tục di chuyển và tiếp xúc nhiều người, không tuân thủ các quy tắc phòng dịch. - Ngày 4-5, UBND tỉnh Hà Nam có báo cáo về việc đã đề nghị khởi tố vụ án làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm xảy ra tại thôn Quan Nhân, xã Đạo Lý, huyện Lý Nhân theo Điều 240 BLHS. Theo đó, bệnh nhân 2899 đã không tuân thủ quy định cách ly tại nhà, lây bệnh trực tiếp cho bảy người. |