vĐồng tin tức tài chính 365

Làm tốt, làm quyết liệt thì phải được bảo vệ

2021-05-14 06:45

Sáng 13-5, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có buổi làm việc với lãnh đạo TP.HCM về tình hình kinh tế - xã hội quý I-2021 và giải quyết một số kiến nghị của TP.HCM. Đây là buổi làm việc đầu tiên của Thủ tướng với TP trên cương vị mới sau khi Chính phủ kiện toàn nhân sự.

Làm tốt, làm quyết liệt thì phải được bảo vệ - ảnh 1
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận tại buổi làm việc.
Ảnh: HOÀNG GIANG

Cương quyết không để dịch bùng phát lại tại TP.HCM

Thủ tướng khẳng định TP.HCM vẫn là đầu tàu của cả nước, thể hiện ở quy mô dân số, đóng góp GDP và tổng ngân sách. Thời gian qua, TP đạt được những thành tựu quan trọng về hiệu quả đầu tư, nhiều lĩnh vực kinh tế tăng trưởng tích cực.

Thủ tướng đặc biệt biểu dương những thành quả của TP.HCM trong phòng chống dịch COVID-19, mặc dù đây là địa phương có nguy cơ cao. Thủ tướng cũng lưu ý: “Cần kiên trì thực hiện mục tiêu kép và cương quyết không để dịch COVID-19 bùng phát tại TP.HCM”.

Đánh giá cao những kết quả đạt được nhưng Thủ tướng cũng chỉ ra nhiều hạn chế, trong đó hạn chế lớn nhất của TP.HCM là phát triển chưa thực sự xứng tầm với vai trò, vị thế, khả năng khác biệt, cơ hội nổi trội và tiềm năng cạnh tranh của mình.

Về nguyên nhân, ông đặt vấn đề phía trung ương đã có sự quan tâm đến TP.HCM đúng mức chưa và TP.HCM đã thật sự cố gắng hết chưa.

Cùng với đó, các chương trình đột phá chưa đạt mục tiêu đề ra, giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, đặc biệt là cơ cấu sử dụng đất chưa hợp lý. Thủ tướng cũng đánh giá một số vấn đề như việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước còn chậm, chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu, khoa học - công nghệ chưa thật sự trở thành động lực để phát triển.

Ông cho rằng cần phải thẳng thắn nhìn thẳng vào sự thật, đối mặt để tạo ra động lực khắc phục.

Vượt qua điểm nghẽn

Tại buổi làm việc, phân tích về thực trạng phát triển của TP, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho rằng nói “đầu tàu chậm lại” là chưa đủ mà thực ra là “hết đà” và TP phải trả lời được câu hỏi tại sao để tháo gỡ, vượt qua các điểm nghẽn trong thời gian tới.

“TP luôn luôn nhận thức một điểm nghẽn ảnh hưởng tới niềm tin của người dân, nhà đầu tư và cả cấp trên là những vụ việc còn tồn đọng cần tiếp tục giải quyết. Hình ảnh năng động, sáng tạo của TP cũng đã mờ đi. Trong đó có phần nguyên nhân chủ quan, cần nhanh chóng khắc phục trong thời gian tới với quyết tâm cao” - Bí thư Thành ủy thẳng thắn chia sẻ với Thủ tướng và đoàn công tác.

(Theo chinhphu.vn)

Mạnh dạn phân quyền, dám làm, dám chịu

Trong thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị TP.HCM cần chuyển hướng mạnh mẽ từ trạng thái phòng ngự, bị động, chống đỡ sang tấn công mạnh mẽ trên các lĩnh vực.

Thủ tướng cũng đề nghị các bộ, ngành trung ương và TP.HCM phải phối hợp trên dưới nhịp nhàng, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết. TP.HCM phải phát triển xứng tầm là một trung tâm của vùng, một trung tâm phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.

Ông cũng đề nghị: Nghĩ là phải kỹ càng, tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động phải quyết liệt nhưng hiệu quả, làm việc phải có trọng tâm trọng điểm, làm việc nào dứt điểm việc đó, tránh việc nhỏ mà kéo dài nhiều năm. Thủ tướng lấy dẫn chứng từ khâu giải phóng mặt bằng. Chính việc giải phóng tư tưởng người dân phải đầu tiên, khi người dân thông thì họ giao mặt bằng ngay.

Một quan điểm khác, Thủ tướng cũng muốn TP.HCM vận dụng, đó là “những cái gì đã chín, đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, qua thực hiện có kết quả và được đa số đồng tình thì cứ thế mà làm. Còn cái nào chưa có luật hoặc có luật rồi, chưa có quy định hoặc có quy định rồi nhưng thực tiễn vượt qua thì phải mạnh dạn làm thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, không cầu toàn và không nóng vội”.

“Các đồng chí làm, không có động cơ xấu, không tham nhũng tiêu cực, không lợi ích nhóm, không có lợi ích cá nhân thì chúng tôi phải bảo vệ, Đảng phải bảo vệ, Chính phủ phải bảo vệ, các cấp chính quyền phải bảo vệ. Siết chặt kỹ cương nhưng cũng mở rộng không gian sáng tạo và bảo vệ người dám nghĩ, dám làm và dám nói” - ông Phạm Minh Chính nói.

Thủ tướng đề nghị TP.HCM làm tốt việc phân cấp, phân quyền, rõ trách nhiệm và cá thể hóa trách nhiệm tập thể, cá nhân, đi đôi với tăng cường giám sát, kiểm tra. Không để sai phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn.

Thủ tướng ủng hộ nhiều đề xuất, kiến nghị của TP.HCM

Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã đề xuất, kiến nghị năm nhóm vấn đề với 15 đầu việc liên quan đến cơ chế đặc thù phát triển TP Thủ Đức; phân cấp, phân quyền cho TP.HCM; tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội; đề án điều chỉnh tỉ lệ điều tiết ngân sách cho TP.HCM giai đoạn 2022-2025…

Liên quan đến TP Thủ Đức, ông Nguyễn Thành Phong kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành trung ương phối hợp với TP xây dựng Đề án về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Thủ Đức, trình Chính phủ trong quý II-2021.

Làm tốt, làm quyết liệt thì phải được bảo vệ - ảnh 2
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong trình bày hàng loạt kiến nghị lên Thủ tướng tại buổi làm việc. Ảnh: HOÀNG GIANG

Theo ông Phong, có đề án này thì TP Thủ Đức mới thật sự trở thành một động lực tăng trưởng mới cho TP.HCM và cả vùng kinh tế phía Nam.

Theo ông Phong, đến nay TP.HCM đã xây dựng đề án “Điều chỉnh tỉ lệ điều tiết ngân sách cho TP.HCM giai đoạn 2022-2025”. Theo đó, điều chỉnh tỉ lệ điều tiết là 23% cho giai đoạn 2022-2025, thay vì 18% như giai đoạn 2011-2016.

Theo ông Phong, đề án này nhằm tăng thu ngân sách chuyển cho trung ương và tạo tiền đề để TP.HCM phát triển nhanh và bền vững.

Về quản lý đô thị, ông Phong kiến nghị sáu nội dung, về ban hành nghị quyết ủy quyền cho UBND TP.HCM điều chỉnh cục bộ đồ án quy hoạch chung TP tại một số khu vực như xung quanh nhà ga metro theo mô hình TOD; điều chỉnh mục tiêu dự án, quỹ nhà phục vụ tái định cư sang nhà ở xã hội hoặc thương mại; cho phép nhà đầu tư tham gia xây dựng chung cư mới thay thế chung cư cũ, xuống cấp được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và tiền chuyển mục đích sử dụng đất…

Về dự án đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, ông kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành liên quan rà soát, trình Thủ tướng phê duyệt để triển khai thực hiện và đề xuất Chính phủ hỗ trợ 100% vốn ngân sách trung ương để thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng trên địa bàn.

Tại buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định cơ bản đồng tình với các đề xuất và kiến nghị của TP. Ông cũng đặt hàng thêm một đề xuất về phát triển trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM.

Theo ông Phạm Minh Chính, vấn đề gì vướng mắc liên quan đến Quốc hội thì Chính phủ sẽ cùng TP.HCM tháo gỡ với tinh thần “ba không”: Chính phủ không nói không, không nói khó và cũng không nói có mà không làm.

Ông khẳng định việc nào TP.HCM làm tốt hơn thì Chính phủ sẵn sàng giao cho TP làm. Đó là biểu hiện tốt nhất của tinh thần phân cấp, phân quyền.

Để tháo gỡ vướng mắc về vốn cho hàng loạt dự án trọng điểm của TP.HCM, Thủ tướng cho rằng TP nên tích cực hơn nữa trong việc huy động nguồn lực xã hội. Ông đề nghị phát triển hạ tầng phải dùng hình thức PPP (đối tác công - tư), giải phóng mặt bằng phải là địa phương. Cầu đường, công trình qua địa phương nào thì địa phương đó phải giải phóng mặt bằng. Còn Nhà nước, Chính phủ sẽ căn cứ vào điều kiện cụ thể hỗ trợ phần xây lắp.

Riêng đối với kiến nghị tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách cho TP.HCM giai đoạn 2022-2025 lên 23%, ông Phạm Minh Chính khẳng định tinh thần ủng hộ tối đa. “Sự ủng hộ này vừa là khuyến khích vừa là trách nhiệm. Do vậy, TP.HCM cần tập trung cho ba đột phá chiến lược” - ông nói.

Cuối bài phát biểu, Thủ tướng nói rất tin tưởng TP.HCM sẽ làm được và sẽ có những đột phá về phát triển kinh tế - xã hội trong năm nay. Ông kỳ vọng TP sẽ đi đầu trong việc thể hiện tinh thần, ý chí tự lực tự cường “biến không thành có, biến khó thành dễ, biến cái không thể thành có thể”.

Xem thêm: lmth.530589-ev-oab-coud-iahp-iht-teil-teyuq-mal-tot-mal/us-ioht/nv.olp

Comments:0 | Tags:No Tag

“Làm tốt, làm quyết liệt thì phải được bảo vệ”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools