Mong muốn có việc làm tạo thu nhập lo cho gia đình, chị Nguyễn Tiểu Kiều (SN 1992, ngụ TPHCM) lên mạng, đến chợ việc làm hoặc nhờ người thân quen hỗ trợ. Ngày 31-3-2021, lướt mạng xã hội Facebook tìm kiếm, chị Kiều thấy trang cá nhân của Nguyễn Thị Mai Phương đăng thông tin tìm người gia công cắt "mác" quần áo tại nhà. Thấy công việc cũng tạm được, chị Kiều liên hệ nhận làm và cung cấp thông tin cá nhân cho bên tuyển dụng.
Sau đó, bên thuê yêu cầu chị Kiều chuyển 300 ngàn đồng đến số tài khoản của Nguyễn Thị Hồng T. (mở tại Ngân hàng Sacombank) để đặt cọc nhận hàng. Mừng vui vì sớm có việc làm, chị Kiều nhanh chóng chuyển tiền. Đến ngày 3-4, chị Kiều nhận cuộc gọi qua điện thoại từ trang Facebook của Phương, thông báo trong ngày sẽ giao hàng. Nhưng sau đó, bên thuê nhắn tin, bảo chị Kiều phải chuyển thêm 3 triệu đồng vào số tài khoản của Nguyễn Thị Hồng T., để "bảo hiểm hàng hóa", khi nào xuất hóa đơn giao hàng sẽ được trả lại.
Đến 13 giờ 30 cùng ngày, có một người gọi điện cho chị Kiều, cho biết đã xuất hàng và đang trên đường đi giao, nhưng quên mang theo tiền mặt trả cho chị này. Người đó chuyển cho chị Kiều một đường link, hướng dẫn chị bấm vào rồi điền đầy đủ thông tin tài khoản cá nhân chị mở tại Ngân hàng ACB để nhận lại tiền. Tưởng thật, chị Kiều làm theo hướng dẫn. Ngay sau đó, chị Kiều nhận thông báo của Ngân hàng ACB là đã chuyển khoản thành công 38 triệu đồng từ tài khoản của chị đến tài khoản của Nguyễn Thị Hồng T. mở tại Ngân hàng Sacombank. Biết đã sập bẫy lừa, chị Kiều đành đến cơ quan công an trình báo, nhờ truy tìm thủ phạm để xử lý.
Thời gian gần đây, có nhiều nạn nhân bị mất vài chục triệu đồng trong tài khoản ngân hàng của mình do mắc bẫy kẻ gian lừa đăng nhập vào đường link trang web nhằm chiếm đoạt thông tin tài khoản ngân hàng của khổ chủ. Chị N.T.Q.N (SN 2000, ngụ Q.Tân Phú) mở tài khoản cá nhân tại Ngân hàng Vietinbank. Đầu giờ chiều 24-4-2021, chị N. nhận tin nhắn từ số được cho là tổng đài ngân hàng, thông báo tài khoản của chị bị tạm khóa, kèm đường link để chị đăng nhập nhằm xác thực. Tưởng thật, chị N. bấm vào đường link, làm theo các chỉ dẫn, trong đó có việc nhập mật khẩu và số điện thoại cá nhân. Sau đó, tổng đài ngân hàng thông báo mã OTP qua tin nhắn và chị N. nhập mã này vào giao diện trong đường link trên. Không ngờ ngay sau đó, tài khoản của chị N. bị các đối tượng chiếm đoạt hơn 40 triệu đồng.
Hiện nay, tình hình tội phạm công nghệ cao diễn biến phức tạp, tinh vi, ngày càng đa dạng về phương thức, thủ đoạn. Ngoài việc chuyển hướng giả danh cảnh sát giao thông, thông báo đóng tiền phạt do vi phạm giao thông, chúng còn dùng thủ đoạn vờ cho vay tài chính để lừa những người muốn vay tiền.
Có nhu cầu vay tiền nên khi nhận cuộc gọi của một người giới thiệu cho vay vốn, anh N.P (SN 1998, ngụ TPHCM) liền kết bạn qua ứng dụng Zalo trên điện thoại để trao đổi, không tốn phí cước gọi. Anh P. nhận đường link của người cho vay, hướng dẫn tải ứng dụng vay vốn về máy, điền đầy đủ thông tin cá nhân. Tiếp đó, đối tượng cho biết, anh N. đủ điều kiện vay 35 triệu đồng và phải đóng phí 10% (bằng cách chuyển khoản đến số tài khoản mở tại một ngân hàng do bên cho vay cung cấp). Tin tưởng, anh N. chuyển số tiền 3,5 triệu đồng. Sau đó, bên cho vay lại thông báo anh N. không đủ điều kiện vay, phải chuyển thêm tiền để chứng minh tài chính. Đến khi anh N. chuyển tổng cộng 46 triệu đồng, nhưng vẫn bị bên cho vay bảo thêm tiền thì mới rút được tiền vay và lấy lại khoản phí đã nộp, nghi ngờ bị lừa đảo, anh N. đến cơ quan công an trình báo.
Qua những vụ lừa đảo trên, người dân cần nâng cao cảnh giác trong việc chuyển tiền hoặc đăng nhập vào các đường link do người mới quen biết gửi kèm trong tin nhắn điện thoại hoặc qua mạng. Bất cứ dịch vụ tuyển dụng lao động, làm thuê, làm thêm, cho vay... qua mạng hoặc qua điện thoại nào mà yêu cầu người lao động phải đặt cọc trước, mọi người nên cảnh giác, tránh xa, kẻo sập bẫy lừa của kẻ gian.
Xem thêm: lmth.671211_gnod-ueirt-04-noh-tam-ial-mal-ceiv-coud-mit-auhc/caig-hnac/na-uv/nv.moc.nagnoc