vĐồng tin tức tài chính 365

Giá đô la Mỹ bất ngờ lao dốc

2021-05-14 10:46

Giá đô la Mỹ bất ngờ lao dốc

Thụy Lê

(KTSG) - Tính riêng trong tháng 4, đô la Mỹ trên thị trường tự do giảm hơn 2,5%, đánh dấu chuỗi giảm mạnh nhất trong nhiều tháng trở lại đây, trong khi tỷ giá trên thị trường chính thức cũng được điều chỉnh giảm. Ngoài ảnh hưởng từ diễn biến đô la Mỹ rớt mạnh trên thị trường quốc tế, liệu còn yếu tố nào ảnh hưởng đến diễn biến tỷ giá ở thị trường trong nước?

Đô la tự do lao dốc

Sau khi tăng mạnh 114 đồng trong tháng 3, tỷ giá trung tâm giữa đô la Mỹ và tiền đồng do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) niêm yết bất ngờ giảm mạnh trở lại 86 đồng trong tháng 4, theo đó so với đầu năm chỉ còn tăng vỏn vẹn 27 đồng, tương đương tăng 0,12%. Giá giao dịch đô la Mỹ tại các ngân hàng thương mại cũng giảm từ 30-40 đồng, tiếp tục rớt về mức thấp hơn so với cuối năm 2020.

Đáng kể nhất là giá đô la Mỹ trên thị trường tự do, khi giảm mạnh đến 300 đồng ở chiều mua vào và giảm 270 đồng ở chiều bán ra. Trong tuần đầu tháng 5, dù tỷ giá trung tâm và giá giao dịch tại các ngân hàng có tín hiệu bật tăng trở lại, nhưng giá đô la Mỹ trên thị trường tự do tiếp tục giảm sâu khi mất thêm 230 đồng, đánh dấu đợt lao dốc mạnh nhất trong nhiều tháng qua.

Như vậy, sau khi tăng liên tục trong quí 1 đầu năm, với đỉnh cao có lúc vọt lên trên mốc 24.000 đồng/đô la Mỹ, tức tăng đến 650 đồng, tương đương tăng 2,8% so với đầu năm, thì tính đến cuối tuần qua giá đô la Mỹ trên thị trường tự do đã giảm về vùng 23.380 (mua vào) - 23.450 (bán ra), tức chỉ còn tăng 50 đồng, tương đương 0,2% so với đầu năm.

Đây là diễn biến khá bất ngờ, khi tốc độ mất giá quá mạnh của đô la Mỹ ở thị trường trong nước hơn một tháng qua đã gần như xóa sạch mức tăng đạt được trong quí 1 đầu năm, nhất là đặt trong bối cảnh cung cầu ngoại tệ trong nước không quá nhiều đột biến. Thậm chí tháng 4 còn chứng kiến hoạt động thương mại quốc tế bất ngờ ghi nhận nhập siêu hàng hóa trở lại ước tính 1,5 tỉ đô la.

Ảnh hưởng từ thị trường quốc tế

Đồng đô la Mỹ đã lao dốc không phanh trên thị trường quốc tế từ đầu tháng 4 đến nay là động lực đầu tiên ảnh hưởng lên diễn biến thị trường ngoại hối trong nước. Tính từ đỉnh cao 93,4 đạt được vào cuối tháng 3, chỉ số USD Index tính đến cuối tuần qua chỉ còn ở mức 90,2 điểm, tức giảm gần 3,5%, đánh dấu chuỗi giảm nhanh nhất trong nửa năm qua.

Đặc biệt, chỉ trong hai phiên giao dịch cuối tuần trước, chỉ số này đã giảm đến 1,3%, do các nhà đầu tư bị sốc khi báo cáo việc làm của Mỹ cho thấy chỉ có 266.000 việc làm được tạo ra trong tháng 4, cách xa mức dự báo 990.000. Con số này cũng thấp hơn rất nhiều mức 770.000 của tháng trước. Theo đó, tỷ lệ thất nghiệp cũng tăng từ mức 6% của tháng trước lên 6,1% trong tháng 4, trong khi dự báo đưa ra tỷ lệ này sẽ giảm còn 5,8%.

Có lẽ chưa ai hiểu được tại sao báo cáo việc làm lại có thể xấu đến thế, khi mà nền kinh tế Mỹ vẫn đang trong giai đoạn phục hồi tích cực và niềm tin tiêu dùng vẫn đang gia tăng trở lại. Trước đó Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã cho rằng hoạt động kinh tế và việc làm được tăng cường nhờ tiến bộ trong việc chích vaccin ngừa Covid-19 và các chính sách kích thích kinh tế. Tuy nhiên, nếu thị trường lao động vẫn trì trệ, Fed sẽ có lý do để duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng và giữ lãi suất thấp kỷ lục lâu hơn nữa, bất chấp những áp lực lạm phát đang gia tăng trở lại.

Trong một diễn biến khác, giới đầu tư cũng đang lo ngại về chính sách tăng thuế mạnh tay của Tổng thống Mỹ Joe Biden áp vào tầng lớp giàu nhất ở nước này. Theo đó, kế hoạch đề xuất tăng thuế suất tối đa thuế thu nhập cá nhân từ 37% hiện nay lên 39,6%; thuế tài sản gia tăng đối với những người thu nhập từ trên 1 triệu đô la trở lên sẽ tăng gần gấp đôi, lên 39,6%. Đây sẽ là thuế suất cao nhất đánh vào các khoản lãi đầu tư - loại thuế chủ yếu được đóng bởi tầng lớp người Mỹ giàu nhất - kể từ thập niên 1920.

Giới phân tích dự báo, hệ quả của chính sách tăng thuế này là sẽ kích thích dòng vốn đầu tư rút khỏi Mỹ và chạy sang các thị trường khác. Số liệu thống kê từ Viện Tài chính quốc tế (IIF) cho thấy dòng vốn đầu tư quốc tế rót ròng vào các thị trường mới nổi đã tăng lên mức 45,5 tỉ đô la trong tháng 4, gấp 4,6 lần so với tháng trước và gấp 6,9 lần so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực châu Á tiếp tục là tâm điểm khi nhận được 20,8 tỉ đô la.

Tiền đồng sẽ tiếp tục tăng giá?

Nhưng có lẽ điều giới đầu tư quan tâm hơn cả là Việt Nam đã được phía Mỹ gỡ nhãn thao túng tiền tệ trong báo cáo bán thường niên hồi giữa tháng 4 vừa qua. Như vậy, sau bốn tháng bị gắn nhãn, Việt Nam đã nhanh chóng thoát khỏi những cáo buộc từ Bộ Tài chính Mỹ, tạo điều kiện để điều hành chính sách ngoại thương và tỷ giá linh hoạt hơn.

Với tinh thần hợp tác nhằm khẳng định việc điều hành tỷ giá những năm qua không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế không công bằng, NHNN rõ ràng cũng sẽ không để tỷ giá trong nước biến động một chiều theo hướng đô la Mỹ lên giá quá mạnh so với tiền đồng, bên cạnh việc hạn chế can thiệp vào thị trường ngoại hối, để phía Mỹ không có lý do lại liệt Việt Nam vào nhóm thao túng tiền tệ trong các báo cáo kế tiếp.

Cần nhớ rằng, một trong những lý do để phía Mỹ trước đây cáo buộc Việt Nam thao túng tiền tệ là Bộ Tài chính Mỹ cho rằng tiền đồng đang bị định giá thấp hơn khoảng 10%, sau khi đã giảm giá khoảng 2% theo giá thực tế trong năm 2020 (tức là loại bỏ tác động của lạm phát).

Mới đây, ông Michael Kokalari, chuyên gia Kinh tế trưởng của Vina Capital, nhận định rằng cách dễ nhất để các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam khắc phục tình trạng này, và để tránh rủi ro về thuế quan trong tương lai, là để tiền đồng tăng giá (có thể tăng 2-3% trong vài năm tới).

Ngoài ra, mục tiêu nhất quán của chính sách tỷ giá là nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, theo như khẳng định của NHNN. Việc chỉ số giá tiêu dùng (CPI) hai tháng liên tiếp giảm so với tháng trước cũng phần nào giúp tỷ giá hạ nhiệt, đảm bảo sự ổn định cho giá trị tiền đồng. Có thể thấy diễn biến tỷ giá thời gian tới sẽ vẫn tùy thuộc vào sự ổn định vĩ mô, đặc biệt là chỉ báo lạm phát.

Về cung cầu ngoại tệ trong nước, dù tháng 4 ghi nhận nhập siêu trở lại như đã nói, nhưng dòng vốn đầu tư vẫn bù đắp được. Cụ thể, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giải ngân bốn tháng đầu năm ước tính đạt 5,5 tỉ đô la, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra còn có 1.151 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn 1,05 tỉ đô la.

Trên thị trường chứng khoán, sau ba tháng đầu năm bán ròng liên tiếp, tháng 4 cũng đánh dấu khối ngoại mua ròng trở lại gần 380 tỉ đồng trên toàn thị trường, trong đó phải kể đến phiên mua ròng 2.159 tỉ đồng vào ngày 9-4 tại mã VHM. Với việc Việt Nam được gỡ nhãn thao túng tiền tệ, cộng thêm rủi ro tỷ giá giảm bớt, dòng vốn của khối ngoại cũng được kỳ vọng sẽ quay lại thị trường trong giai đoạn tới, nhất là trước khả năng Việt Nam sớm được nâng hạng.

Xem thêm: lmth.cod-oal-ogn-tab-ym-al-od-aig/512613/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Giá đô la Mỹ bất ngờ lao dốc”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools