Chủ tịch Softbank Masayoshi Son trả lời phỏng vấn tờ Nikkei vào ngày thứ 3 rằng công ty của ông muốn nâng gấp đôi số lượng các startup đầu tư của quỹ Vision lên 500, mỗi năm sẽ IPO khoảng hơn chục công ty.
Tham vọng này xuất hiện bất chấp sự thay đổi lớn về giá trị của danh mục đầu tư của SoftBank. Ngoài ra nó cũng cho thấy Son đang tăng cường tập trung vào việc sử dụng Quỹ Vision trị giá hàng tỷ USD để chọn ra những người chiến thắng mới.
"Tập trung của tôi đã hoàn toàn thu hẹp vào quỹ Vision". 2 quỹ Vision của Softbank tổng cộng đã đầu tư vào khoảng 200 công ty. "Tôi tập trung tăng con số này lên 300, 400 và 500".
Ông bổ sung thêm rằng nhóm 200 doanh nhân của Softbank có thể tăng lên 500 hoặc 1.000. Ngoài ra ông tiết lộ người kế nghiệp mình có thể tới trong nhóm này.
Son nói rằng ông "không có chút hứng thú nào" với việc mua cổ phần kiểm soát tại các công ty, gọi ý tưởng này là "cách sử dụng không hiệu quả thời gian. Việc xây dựng hệ sinh thái là quan trọng bằng việc tạo ra một số lượng nhất định những công ty IPO mỗi năm".
Gọi mô hình kinh doanh của Vision Fund là "nhà sản xuất trứng vàng", Son xem quá trình IPO là việc "một quả trứng trắng biến thành trứng vàng. Khi một quả trứng trắng được tái sinh như một quả trứng vàng, giá trị sẽ tăng".
Những "quả trứng vàng" của Softbank.
Kể từ khi ra mắt Vision Fund từ 4 năm trước, Softbank đã đầu tư hơn 90 tỷ USD vào gần 200 công ty. Những khoản đầu tư này đã có lãi nhờ một vài công ty trong số đó IPO gồm cả Coupang, DoorDash. Đây cũng là động lực giúp Softbank vừa công bố khoản lợi nhuận 4,99 nghìn tỷ yên (45,8 tỷ USD) trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3. Mức cao kỷ lục.
Son nói rằng đạt lợi nhuận kỷ lục chẳng có ý nghĩa gì cả, việc này có được là do cộng hưởng của nhiều yếu tố thuận lợi. Công ty đã tăng quy mô quỹ Vision 2 từ 10 tỷ USD lên 30 tỷ USD.
Cam kết tăng gấp đôi danh mục đầu tư của Son đến sau khi giá trị các công ty công nghệ chịu nhiều áp lực. Cổ phiếu của bản thân Softbank giảm 7,8% vào ngày thứ 3, 1 ngày sau khi báo cáo lợi nhuận kỷ lục. Cổ phiếu của Coupang giảm 28% kể từ khi IPO vào tháng 3. Những công ty chính khác trong danh mục đầu tư của Softbank gồm cả Alibaba, Uber cũng đều chứng kiến cổ phiếu giảm.
Softbank cũng đã chịu thiệt hại nặng nề khi đầu tư vào những công ty như WeWork hay Greensill Capital. Son nói rằng ông đã nhận được nhiều bài học từ việc đầu tư vào Greensill nhưng vẫn bảo vệ mô hình kinh doanh của công ty này.
Ngoài ra, Son cũng nhấn mạnh rằng bản thân không thể dự đoán khi nào thì khoản đầu tư có lợi nhuận.
"Alibaba cũng đang thua lỗ khi chúng tôi đầu tư. Chỉ một sai lầm nhỏ cũng có thể khiến họ bị sụp đổ. Hiện chỉ khoảng 5% các công ty mà chúng tôi đầu tư có lợi nhuận, 95% là thua lỗ và mức thua lỗ thậm chí có thể tiếp tục tăng. Chưa kể đến việc, chúng tôi đầu tư vào những công ty này đều ở mức giá trị lớn. Cần phải có một sự dũng cảm mới làm được việc đó.
Rất khó để ra quyết định đầu tư nếu chỉ dựa trên các dữ liệu về tài chính. Một lý do mà chúng tôi có thể quyết định là vì chúng tôi hiểu về nền tảng công nghệ".
Son, hiện 63 tuổi nói rằng ông phải xác định và cùng làm việc với người kế nhiệm – người sẽ "sát cánh bên tôi sớm nhất có thể. Tôi muốn họ ở bên mình 10 năm vì thế tôi phải tìm ra người đó nhanh chóng. Tôi không còn nhiều thời gian".
Khi được hỏi liệu ông đã có cái tên nào trong đầu chưa thì ông nói rằng "rất khó": "Chúng tôi đang có một nhóm 200 doanh nhân. Nếu con số này tăng lên 500 hoặc 1.000, tôi nghĩ rằng chắc chắn sẽ tìm được 1 người phù hợp trong số họ".
Nguồn: Nikkei
Vân Đàm
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị