Nhiều tỉnh, thành miền Trung áp dụng biện pháp mạnh để kiểm soát dịch bệnh
Nhân Tâm
(KTSG Online) – Đà Nẵng khuyến cáo dân không nên ra đường khi không cần thiết, hạn chế lượng người tập trung không quá 5 người; Thừa Thiên Huế không tiếp nhận người từ địa phương khác đến làm việc trong khi Quảng Nam dừng vận tải hành khách đến nơi có dịch và tăng cường xử phạt vi phạm phòng chống dịch.
Với số lượng ca mắc Covid lên đến 3 con số trong vòng 10 ngày qua, Đà Nẵng cũng như các địa phương miên Trung lân cận tăng cường các biện pháp phòng chống dịch. Ảnh: Nhân Tâm |
Tối hôm qua (13-5), UBND thành phố Đà Nẵng ban hành công văn về việc tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong bối cảnh mỗi ngày đều ghi nhận có ca mới trong cộng đồng. Trong kỳ báo cáo ngày 13-5-2021, có thêm 10 ca mắc mới và cộng dồn từ ngày 3-5-2021, Đà Nẵng ghi nhận 112 ca
Trong đó, thành phố yêu cầu người dân hạn chế ra khỏi nhà khi không cần thiết, không được tập trung quá 5 người tại nơi công cộng, phạm vi ngoài công sở, trường học, bệnh viện.
Bên cạnh đó, do nguy cơ lây nhiễm Covid-19 rất cao trong gia đình, vì vậy đề nghị người dân hạn chế tổ chức hoạt động tập trung đông người trong sinh hoạt tại gia đình.
Công văn này cũng yêu cầu tiếp tục thực hiện nghiêm việc không phục vụ bán hàng ăn, uống tại chỗ và các dịch vụ không thiết yếu; tiếp tục thực hiện “thẻ đi chợ” và các yêu cầu phòng chống dịch tại tất cả các chợ, đảm bảo khoảng cách người đến mua sắm, giao dịch tại siêu thị, ngân hàng, bưu điện, quầy tạp hóa…
Trong khi đó, tỉnh Thừa Thiên Huế - địa phương lần đầu tiên ghi nhận 5 ca mắc Covid-19 trong cộng đồng kể từ khi dịch bùng phát tại Việt Nam, yêu cầu giám đốc các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh khẩn trương xây dựng các phương án, kịch bản phòng chống dịch bệnh tại đơn vị, doanh nghiệp từ thấp đến cao để chủ động ứng phó với các tình huống phòng, chống dịch Covid-19 đang diễn biến ngày càng phức tạp; tăng cường quản lý, giám sát nhân viên, công nhân, người lao động, khách hàng... đến từ vùng dịch.
Đặc biệt, phương án phòng dịch của các đơn vị, doanh nghiệp đảm bảo nguyên tắc không tiếp nhận người từ vùng dịch đến làm việc tại các doanh nghiệp trên địa bàn theo quy định của tỉnh.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp rà soát số lượng nhân viên, người lao động đã đến/đi qua từ vùng dịch trở lại làm việc sau kỳ nghỉ lễ 30-4, 1-5 tại các đơn vị, doanh nghiệp để theo dõi, giám sát dịch tễ và những biểu hiện lâm sàng để có giải pháp kịp thời; nghiên cứu, xây dựng phương án cách ly cục bộ tại phân xưởng, nhà máy... nhằm đảm bảo nguyên tắc vừa phòng, chống dịch bệnh vừa đảm bảo sản xuất kinh doanh.
Trong một diễn biến khác, cho đến ngày 13-5, ba địa phương miền Trung – Quảng Nam, Đà Nẵng và Huế - liên tục ban hành các các công văn liên quan đến vận tải, tạm dừng vận tải hành khách đến các địa phương có dịch.
Trong đó, Quảng Nam buộc tạm dừng hoạt động vận tải hành khách bằng xe ô tô theo tuyến cố định, xe hợp đồng, xe du lịch, xe taxi, xe buýt liên tỉnh từ Quảng Nam đi đến các địa phương có dịch Covid-19; trừ trường hợp đặc biệt vì lý do công vụ, xe chở bệnh nhân, người hết thời gian cách ly, xe đưa đón công nhân, chuyên gia của các doanh nghiệp, xe vận chuyển phục vụ phòng chống dịch và các trường hợp cung cấp lương thực thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết, xe chuyên chở nguyên vật liệu sản xuất, hàng hóa.
Hoạt động vận chuyển của các tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh, các hoạt động vận tải của xe hợp đồng, xe du lịch, xe taxi, xe buýt ngoại tỉnh có hành trình qua các tỉnh, vùng có dịch thì không được dừng, đỗ trên địa bàn Quảng Nam để đón, trả khách.
Đối với hoạt động kinh doanh vận tải khách đường bộ nội tỉnh, vận tải hành khách bằng xe ô tô theo tuyến cố định, xe hợp đồng, xe du lịch, xe taxi, xe buýt chỉ được phép chở tối đa 50% lượng hành khách và không quá 20 người/chuyến (thực hiện giãn cách 2 ghế/hành khách) và thực hiện đầy đủ biện pháp phòng chống dịch Covid-19 theo yêu cầu 5K của Bộ Y tế.
Đối với kinh doanh vận tải khách trên các tuyến đường thủy nội địa, hoạt động vận chuyển hành khách đối với các tuyến vận tải hành khách từ bờ ra đảo, vận tải khách ngang sông, vận tải khách trong lòng hồ được phép chở không quá 50% số ghế trên tàu, thuyền và không quá 20 người/chuyến.
Đà Nẵng khởi tố thẩm mỹ viện Amida để xảy ra lây lan dịch bệnh Hôm qua (13-5), đồng loạt các báo đưa tin Công an thành phố Đà Nẵng đã khởi tố vụ án hình sự liên quan đến hành vi “Vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, an toàn ở nơi đông người” theo điều 295 Bộ Luật Hình sự xảy ra tại Thẩm mỹ viện Amida. Đến ngày 13-5, có 44 người làm việc tại Thẩm mỹ viện Amida – có 2 cơ sở tại Đà Nẵng - mắc Covid-19 và trở thành một trong những ổ dịch tại Đà Nẵng lần này. Theo thông tin, ngày 29-4-2021, UBND thành phố Đà Nẵng có văn bản yêu cầu hạn chế các hoạt động tập trung đông người không cần thiết; trong trường hợp tổ chức phải thực hiện nghiêm các biện pháp đảm bảo an toàn, phòng, chống dịch Covid-19. Thế nhưng, ngày 2-5, thẩm mỹ viện này tổ chức buổi thuyết giảng với sự tham gia khá đông nhân viên, người lao động không mang khẩu trang; trong khi giám đốc cơ sở này vẫn đi nhiều nơi dù có biểu hiện ho, sốt. |