vĐồng tin tức tài chính 365

Hỗ trợ nguồn lực cho doanh nghiệp vừa và nhỏ: ưu tiên hàng đầu trong Covid-19

2021-05-14 11:57

Hỗ trợ nguồn lực cho doanh nghiệp vừa và nhỏ: ưu tiên hàng đầu trong Covid-19

Hoàng Thắng

(KTSG Online) - Quy mô chi tiêu ngân sách có thể gia tăng, trong khi hoạt động thu ngân sách sẽ gặp nhiều khó khăn hơn nếu dịch Covid-19 kéo dài, khiến dư địa tác động của chính sách hỗ trợ tài khóa với nền kinh tế bị thu hẹp. 

Đường phố Hà Nội vắng vẻ hơn trong giai đoạn chịu ảnh hưởng từ làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ ba. Ảnh: Phạm Hưng.

Chia sẻ với KTSG Online, PGS. TS Tô Trung Thành – Trưởng phòng Quản lý Khoa học thuộc trường Đại học Kinh tế Quốc dân – cho rằng Chính phủ nên kiên định với mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô trong bối cảnh dịch Covid-19 có thể tiếp tục kéo dài.

KTSG Online: Làn sóng lây nhiễm Covid-19 đã trở lại với sự xuất hiện của biến thể virus mới, dư địa chính sách hỗ trợ kinh tế sẽ bị ảnh hưởng như thế nào, thưa ông?

PGS. TS Tô Trung Thành: Với chính sách tài khóa, thu ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 20219 tương ứng 25,69% GDP. Năm 2020, con số này giảm xuống còn 21,3% GDP do nền kinh tế suy giảm sâu khi chịu tác động của đại dịch Covid-19. Trong khi chi ngân sách năm 2020 giảm không đáng kể so với năm 2019.

Cụ thể, chi ngân sách không bao gồm chi trả nợ gốc năm 2020 là 27,14% GDP so với 28,95% GDP năm 2019. Còn chi ngân sách bao gồm chi trả nợ gốc là 30,75% GDP so với 32,07% GDP năm 2019. Điều này khiến cho thâm hụt ngân sách gia tăng.

Ước tính bội chi ngân sách không bao gồm chi trả nợ gốc năm 2020 là khoảng 363.100 tỉ đồng, tăng 78,9% so với năm 2019 và tương ứng với 5,84% GDP – mức cao nhất kể từ năm 2011 cho đến nay. Con số này cao hơn mức 3,44% trong dự toán và mức 3,36% của năm 2019. Nếu tính thêm cả chi trả nợ gốc thì bội chi ngân sách khoảng 9,46% GDP.

Với mức thâm hụt gia tăng, quy mô nợ công của Việt Nam dự kiến tăng nhẹ lên mức 56,8% - 57,4% GDP và dư nợ Chính phủ bằng khoảng 50,8% - 51,4% GDP ở thời điểm cuối năm 2020, trong khi tỷ lệ này là 55% GDP trong năm 2019.

So với các các quốc gia khác, Việt Nam luôn có tỷ lệ thâm hụt ngân sách Nhà nước cao hơn trung bình các nước trong khu vực và các nước có thu nhập trung bình thấp trên thế giới trong 5 năm gần đây. Bên cạnh đó, mức nợ chính phủ của Việt Nam hiện cũng đang cao hơn quy mô trung bình của nhóm các nước này.

Vì vậy có một số vấn đề cần lưu ý, dù các chỉ số về nợ công của Việt Nam hiện vẫn ở trong ngưỡng được coi là an toàn.

Thứ nhất, các khoản nợ công của Việt Nam vẫn chưa tính đủ các gánh nặng nợ tiềm tàng từ hoạt động của khu vực ngoài ngân sách như hoạt động của bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, khu vực ngân hàng và đặc biệt là khu vực doanh nghiệp Nhà nước. Vì vậy nền kinh tế có thể gặp bất ổn khi tổng số nợ quá cao, dù nợ công không rơi xuống ngưỡng nguy hiểm.

Thứ hai, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ đã chạm mức trần là 25% tính trên tổng thu ngân sách Nhà nước năm 2020. Tỷ lệ này dự kiến sẽ ở mức cao hơn trong thời gian tới.

Thứ ba, nghĩa vụ nợ dự phòng – và có lẽ quan trọng hơn là nghĩa vụ nợ dự phòng tiềm ẩn – nếu hiện thực hóa, có thể làm cho Việt Nam càng thêm dễ tổn thương với lộ trình nợ như hiện nay, ngay cả khi cân đối ngân sách cơ bản của Việt Nam vẫn được quản lý cẩn trọng.

Thâm hụt ngân sách dai dẳng, chi tiêu NSNN cao với cơ cấu bất hợp lý, tỷ lệ thu NSNN/GDP và tỷ lệ nợ công/GDP cao là những đặc điểm khiến cho dư địa chính sách tài khóa của Việt Nam rất hạn hẹp. Quy mô chi tiêu ngân sách có thể sẽ gia tăng nếu đại dịch tái bùng phát và kéo dài, trong khi thu ngân sách trở nên khó khăn hơn do nền kinh tế rơi vào vòng xoáy suy giảm. Điều này khiến tình trạng thâm hụt ngân sách và nợ công sẽ trở nên căng thẳng, dư địa tác động của chính sách tài khóa sẽ càng bị thu hẹp lại.

Về chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đã ba lần tiến hành điều chỉnh giảm lãi suất trong năm 2020 khiến lãi suất huy động và cho vay giảm xuống khá sâu, thanh khoản hệ thống ngân hàng gia tăng. Cơ quan này cũng áp dụng một số chính sách gồm Thông tư 01/2020/TT-NHNN, Thông tư 08/2020/TT-NHNN theo hướng nới lỏng một số quy định về an toàn hệ thống.

Theo đó, tổng phương tiện thanh toán năm 2020 tăng 12,56%, tín dụng của toàn hệ thống tăng trưởng 10,14%. Nhưng tăng trưởng kinh tế chỉ ở mức 2,91% trong năm 2020, thấp hơn nhiều so với mức 7,02% của năm 2019 là 7,02%.

Việc tăng trưởng cung tiền và tín dụng cao hơn nhiều so với tăng trưởng kinh tế đã khiến sức ép lạm phát và bong bóng giá tài sản luôn thường trực. Rủi ro kinh tế vĩ mô có thể gia tăng khi tiếp tục nới lỏng mạnh hơn chính sách tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế.

Bên cạnh đó, lãi suất thực tại Việt Nam hiện ở mức thấp, các doanh nghiệp phụ thuộc nhiều tín dụng trong khi hiệu quả tín dụng chưa cao, sức khỏe của các tổ chức tín dụng chưa thực sự lành mạnh cũng khiến cho dư địa chính sách tiền tệ cùng dần bị thu hẹp.

Vậy đề xuất ông nêu ra liệu có thể vừa duy trì các hoạt động sản xuất và kinh doanh, vừa bảo đảm an toàn trước nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh?

Yếu tố quan trọng nhất để đạt được mục tiêu kép – giảm nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh và duy trì tăng trưởng kinh tế - là phải có cách thức chống dịch hiệu quả. Theo đó, Chính phủ cần có những bước đi kiên quyết, đúng đắn và kịp thời để kiềm chế sự lây lan bùng phát của đại dịch Covid-19, đi kèm các biện pháp để gia tăng sự đồng lòng và ý thức của người dân trong phòng chống dịch bệnh.

Ngoài ra, Chính phủ cần tiếp tục các giải pháp để hỗ trợ nền kinh tế, gia tăng độ bao phủ và hiệu quả của các giải pháp để hỗ trợ “hồi sức” cần thiết nền kinh tế, duy trì và thích ứng với giai đoạn mới.

Trong quá trình thực thi chính sách, các chính sách hỗ trợ cần rõ ràng và minh bạch về thủ tục, cũng như đối tượng được hưởng các gói chính sách. Chính phủ cần giảm thiểu những phiền hà về thủ tục và quy trình tiếp cận các gói hỗ trợ, đặc biệt là thủ tục chứng minh về tài chính.

“Bất kể bệnh dịch kéo dài bao lâu, nhiều doanh nghiệp có thể sẽ phá sản, nhưng Chính phủ vẫn cần đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô”, ông Thành nhấn mạnh.

Ngoài ra, Chính phủ cũng cần lưu ý một số rủi ro sau: rủi ro thể chế làm chậm tiến độ kích thích tiêu dùng và đầu tư; rủi ro tham nhũng và sợ trách nhiệm làm giảm hiệu lực và hiệu quả của gói kích thích kinh tế; rủi ro chệch mục tiêu, không hướng vào đúng và trúng đối tượng cần được nhận hỗ trợ.

Nguyên tắc cần được giữ vững khi đưa ra chính sách hỗ trợ là phải luôn giữ vứng ổn định kinh tế vĩ mô. Bất kể dịch bệnh kéo dài bao lâu, nhiều doanh nghiệp có thể sẽ phá sản, nhưng Chính phủ vẫn cần đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô.

Cụ thể, cần giữ lạm phát và lãi suất ở mức thấp, tỷ giá ổn định, đầu tư công được thực hiện đúng mục đích và giám sát tốt, môi trường đầu tư được cải thiện, thì sau bệnh dịch, nền kinh tế mới hồi phục nhanh chóng.

Vậy chính sách tiền tệ và tài khóa của Việt Nam nên được định hướng như thế nào?

Việt Nam còn rất ít dư địa tiền tệ và tài khóa nên chính sách tiền tệ nới lỏng cần tiến hành hết sức thận trọng về quy mô và thời gian kéo dài.

Với chính sách tài khóa, cần thực hiện phương châm ‘chi tiêu đúng trọng tâm, tiết kiệm, hỗ trợ các đối tượng thực sự cần thiết’.

Cụ thể, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cần đúng đối tượng và thiết thực hơn. Hiện các chính sách hỗ trợ thông qua giảm mức thu các loại phí, lệ phí đang được thực hiện một cách dàn trải, ít có tác động thực mà có thể gây lãng phí ngân sách.

Vì vậy, Chính phủ cần thu hẹp đối tượng thụ hưởng các chính sách hỗ trợ này dựa trên mức độ chịu tác động bởi đại dịch.

Về an sinh xã hội, các gói hỗ trợ những đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh cần tiếp tục duy trì, đối tượng thụ hưởng nên được mở rộng và chú trọng tới nhóm lao động thuộc khu vực phi chính thức.

Về đầu tư công, cần tiếp tục đẩy nhanh việc giải ngân vốn đầu tư.

Với chính sách tiền tệ, công cụ lãi suất nói riêng và chính sách tiền tệ nói chung thường ít hiệu quả hơn so với chính sách tài khóa trong giai đoạn hiện nay. Tôi cho rằng chính sách lãi suất nên tập trung cắt giảm lãi suất cho vay hơn là lãi suất huy động.

Hiện lãi suất đã ở mức thấp nhưng với các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch thì lãi suất không hẳn là yếu tố quyết định đầu tư và sản xuất - kinh doanh do nhu cầu thị trường suy giảm hoặc không còn.

Vì vậy chính sách hỗ trợ tín dụng nên hướng đến cả các doanh nghiệp ít bị ảnh hưởng do đại dịch nhưng có độ lan tỏa lớn, có tác động tích cực đến các ngành, các lĩnh vực khác để thúc đẩy sản xuất của cả thị trường. Cần hướng dòng tiền vào khu vực sản xuất thực, đồng thời kiểm soát chặt chẽ tăng trưởng “nóng” của các thị trường tài sản.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc nhóm đối tượng dễ chịu tổn thương trước những biến cố, vậy cần có giải pháp như thế nào để bảo vệ họ?

Những giải pháp cho nhóm yếu thế này cần phải được ưu tiên hàng đầu về nguồn lực và thực hiện nhanh chóng, đặc biệt là nếu bệnh dịch tái bùng phát trong nước.

Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa cần tiếp tục được thực hiện theo hướng tập trung hơn, đúng đối tượng và thực chất hơn, theo sát với nhu cầu của doanh nghiệp hơn. Cần có chọn lọc, phân loại ngành nghề để hỗ trợ, trên cơ sở đánh giá, khảo sát nhanh tác động của dịch Covid-19 đến ngành, nghề cụ thể và có các điều kiện, tiêu chí.

Về điều kiện/tiêu chí doanh nghiệp nhận hỗ trợ, Chính phủ có thể căn cứ vào một số tiêu chí chủ yếu gồm: tính lan tỏa - tác động tích cực tới các ngành, lĩnh vực khác; lao động - tạo nhiều công ăn việc làm; có khả năng phục hồi sau đại dịch.

Đặc biệt cần tránh hiện tượng trục lợi chính sách hỗ trợ và rủi ro đạo đức.

Bên cạnh đó, cần giảm thiểu các thủ tục đối với các doanh nghiệp khi lập hồ sơ đề nghị hỗ trợ, điển hình là yêu cầu phải chứng minh tài chính chi tiết, chứng minh về việc không có doanh thu hoặc không có nguồn tài chính để trả lương. Thực tế rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ bị tác động nặng nề bởi Covid-19 nhưng vẫn duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh với số lao động giảm mạnh nên không thể tiếp cận được gói hỗ trợ.

Với chính sách thuế, tác động của các gói hỗ trợ gia hạn nộp thuế và tiền thuế đất hiện nay còn  nhỏ. Vì vậy nên kéo dài thời gian giãn, hoãn thuế, tiền thuê đất và bổ sung bổ sung đối tượng được gia hạn ít nhất là đến hết năm 2021.

“Việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp là một phương thức hỗ trợ chưa đúng cách, làm lãng phí nguồn lực, đồng thời tạo ra sự bất bình đẳng trong cộng đồng doanh nghiệp”, ông Thành nhận xét.

Chính phủ cũng nên cân nhắc hỗ trợ doanh nghiệp bằng cách giảm thuế giá trị gia tăng do đây là loại thuế mà diện điều tiết rộng, không cần có lợi nhuận mới phải nộp như thuế thu nhập doanh nghiệp. Như vậy độ bao phủ với các đối tương bị ảnh hưởng tiêu cực từ Covid-19 sẽ rộng hơn.

Trước đó, chính sách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đã được thực thi nhưng rất ít doanh nghiệp có thể tiếp cận được gói hỗ trợ này vì phần lớn các doanh nghiệp gặp khó khăn, thu hẹp sản xuất và thua lỗ. Việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp là một phương thức hỗ trợ chưa đúng cách, làm lãng phí nguồn lực, đồng thời tạo ra sự bất bình đẳng trong cộng đồng doanh nghiệp.

Ngoài ra, các giải pháp hỗ trợ về chi phí cho doanh nghiệp cần được tiếp tục đẩy mạnh, gồm: vay không cần tài sản thế chấp đảm bảo tối đa 50% tiền lương tối thiểu; miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán điện tử; giảm tiền thuê đất; tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội, kinh phí công đoàn; hỗ trợ chi phí logistics hàng hải, hàng không, đường bộ, đường thủy nội địa, đường sắt. Đối với các giải pháp này, cần đơn giản hóa thủ tục hồ sơ xin hỗ trợ, rút ngắn thời gian hỗ trợ, và tăng cường tính minh bạch.

Xin cảm ơn ông!


 

Xem thêm: lmth.91-divoc-gnort-uad-gnah-neit-uu-ohn-av-auv-peihgn-hnaod-ohc-cul-nougn-ort-oh/103613/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Hỗ trợ nguồn lực cho doanh nghiệp vừa và nhỏ: ưu tiên hàng đầu trong Covid-19”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools