Theo tờ Financial Times, đại dịch Covid-19 đã khiến nhiều người phải ở lỳ trong nhà hoặc chẳng có chỗ nào mở cửa để giải trí, hệ quả là ngày càng nhiều người mua sắm online nhằm giết thời gian. Trong khi một số người chọn "cờ bạc" với tiền số thì nhiều người khác lại lại có thú vui mua sắm trên mạng trong những ngày phải giãn cách xã hội, thậm chí trở nên "nghiện" lúc nào không hay.
Tại Anh, bất chấp tỷ lệ thất nghiệp gia tăng và nền kinh tế gặp nhiều bất ổn vì dịch, chi tiêu mua sắm online lại liên tiếp phá vỡ kỷ lục. Số liệu trong tháng 2/2021 cho thấy doanh số bán lẻ trực tuyến đã đạt tới 35% tổng doanh số bán lẻ, cao hơn nhiều so với mức 20% cùng kỳ năm trước.
Tại Mỹ, người dân chẳng còn đổ xổ tranh nhau tại các cửa hàng mua sắm vào ngày "Thứ 6 đen tối" (Black Friday) nữa mà thay vào đó, họ chi đến 9 tỷ USD cho shopping trực tuyến.
Tờ Financial Times cho biết có rất nhiều nguyên nhân khiến mọi người nghiện mua sắm online mùa dịch, từ sự buồn chán, cô đơn đến nỗi lo lắng khiến các khách hàng cố gắng tìm kiếm giải pháp xoa dịu tinh thần, và shopping trực tuyến là một trong số đó. Thậm chí kể cả khi các cửa hàng đã mở cửa trở lại thì thương mại điện tử chắc chắn vẫn sẽ hưởng lợi lớn từ thói quen của người tiêu dùng.
Trên thực tế, đại dịch Covid-19 đã khiến hàng loạt hoạt động lành mạnh như thể thao, du lịch hay đơn giản là ăn tối với bạn bè bị giới hạn, qua đó buộc mọi người hướng đến các thói quen trên mạng. Một khảo sát tại Mỹ cho thấy 72% số người được hỏi mua sắm vô thức trên mạng để giải tỏa áp lực tâm lý mùa dịch. Việc mọi người mua những thứ mà họ chẳng dùng đến bao giờ đang ngày một tăng tại các nước.
Những nghiên cứu về tâm lý học cho thấy mua sắm có thể khiến con người quên đi những áp lực của hiện thực, chia sẻ cảm xúc tiêu cực và đem lại ảo giác bạn có thể kiểm soát được cuộc đời mình dù thực tế không phải như vậy.
Thậm chí nhiều chuyên gia còn so sánh nạn nghiện mua sắm online cũng tương tự như nghiện rượu bia, thuốc lá và ma túy bởi hành động này làm tăng chất Dopamine dẫn truyền đến thần kinh, qua đó gia tăng hưng phấn và tạm thời quên đi những cảm xúc tiêu cực.
Cũng tương tự như những dạng nghiện khác, Dopamine sẽ giảm dần và kích thích mọi người tìm kiếm lại cảm giác hưng phấn thông qua việc liên tục mua sắm online.
Góc độ tâm lý học
Vào đầu thế kỷ 20, chuyên gia tâm lý học Emil Kraepelin và Eugen Bleuler đã công bố những tài liệu nghiên cứu đầu tiên liên quan đến nạn mua sắm thái quá qua thuật ngữ Oniomania được dịch từ tiếng Hy Lạp, nghĩa là Onios (Giảm giá) và Mania (Điên cuồng).
Cụ thể, những người nghiện mua sắm thái quá thường không kiểm soát được việc mình sẽ chi tiền cho cái gì khi luôn bị hối thúc đáp ứng bản năng. Từ đó những con nghiện này phải tốn thời gian, tiền bạc và công sức cho những cửa hàng online để rồi thường chấm dứt với việc hối hận từ các thứ đã mua.
Các nhà nghiên cứu tâm lý học chỉ ra rằng con người có bản năng muốn sở hữu thêm đồ vật nhằm xoa dịu các nhu cầu không được thỏa mãn khác. Bản năng này có thể thấy rõ khi trẻ sơ sinh thường vớ lấy đồ chơi nhằm xoa dịu sự bất an lúc vắng cha mẹ. Đây là nguyên nhân khiến nhiều phụ nữ thất tình, buồn chán hay những người chịu áp lực tiêu cực mua sắm thả ga trong mùa dịch.
Tuy nhiên những hành động shopping thả ga này lại khiến mọi người hối hận sau đó, để rồi gia tăng cảm giác tiêu cực và lại hối thúc họ tiếp tục mua sắm online để quên đi nỗi buồn, qua đó tạo thành một vòng luẩn quẩn.
Trong thời đại công nghệ hiện nay, mua sắm online chưa bao giờ dễ dàng đến vậy khi chỉ cần một cái bấm đồng ý là bạn có thể đặt hàng, thanh toán và nhận sản phẩm tận nhà. Thế nhưng cơn nghiện mua sắm này rất có hại cho tài chính cá nhân, quan hệ xã hội và thậm chí là sức khỏe của bản thân.
Bởi vậy trước khi bấm mua một thứ gì đó, tờ Financial Times khuyên mọi người nên cân nhắc kỹ xem liệu họ có thực sự cần nó hay không, hãy rời khỏi màn hình và suy nghĩ một lúc trước khi có câu trả lời.
Bên cạnh đó, bạn cũng có thể lập danh sách những thứ cần chi tiêu hoặc một bản kế hoạch mua sắm trong tháng. Đồng thời tốt nhất nên từ chối các thông báo của những trang thương mại điện tử bởi họ hay gửi những khuyến mãi, giảm giá khiến bạn lên cơn nghiện.
Cuối cùng, các chuyên gia cho rằng mọi người nên tìm kiếm một thói quen mới để gia tăng sự hứng thú và làm xao nhãng áp lực tiêu cực thay vì chăm chăm nhìn vào màn hình điện thoại và lướt mạng trong mùa dịch. Bằng những phương pháp này, mọi người có thể giảm cơn nghiện mua sắm trong mùa dịch để có thể tận hưởng những niềm vui thú khác.
*Nguồn: Financial Times
Huyền Băng
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị