vĐồng tin tức tài chính 365

Rà soát quy hoạch, phát triển giao thông Củ Chi

2021-05-15 06:19

Sáng 14-5, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng các ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XV thuộc đơn vị bầu cử số 10 tiếp xúc cử tri trực tuyến với 21 xã, thị trấn thuộc huyện Củ Chi, TP.HCM.

Rà soát quy hoạch, phát triển giao thông Củ Chi - ảnh 1
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại buổi tiếp xúc cử tri huyện Củ Chi
vào sáng 14-5. Ảnh: HOÀNG GIANG

Củ Chi phải là đô thị xanh, sinh thái

Phát biểu tại buổi tiếp xúc, Chủ tịch nước đã dành nhiều thời gian nói về định hướng phát triển của hai huyện Củ Chi và Hóc Môn. Ông cho rằng trong thời gian tới, hai huyện phải phát triển thành đô thị sinh thái. Trong đó, khu đô thị Tây Bắc (Củ Chi) sẽ là động lực chính để phát triển các ngành dịch vụ chất lượng cao và nông nghiệp công nghệ cao.

Theo Chủ tịch nước, vị trí huyện Củ Chi và Hóc Môn là địa bàn kết nối các đô thị trong vùng TP.HCM, gắn với các tỉnh Long An, Tây Ninh, Bình Dương. Chính vì vậy, TP.HCM cần quy hoạch Củ Chi, Hóc Môn trên quan điểm liên kết phát triển vùng, đưa hai huyện sớm trở thành vành đai xanh, đô thị sinh thái.

Riêng đối với huyện Củ Chi, ông Nguyễn Xuân Phúc cho rằng nút thắt lớn nhất hiện nay là giao thông. Quốc lộ 22 quá tải, trong khi 1.600 tuyến đường trong huyện là đường nông thôn nhỏ hẹp, ngoằn ngoèo. “Nếu huyện Củ Chi có đường sắt quốc gia đi qua, đường sắt đô thị kết nối với trung tâm TP, có đường ven sông Sài Gòn… thì sẽ giúp huyện phát triển” - ông Nguyễn Xuân Phúc nói.

Do vậy, Chủ tịch nước đề nghị cần sớm triển khai những tuyến giao thông huyết mạch, trong đó có tuyến cao tốc TP.HCM - Mộc Bài (Tây Ninh), vành đai 3… Đồng thời phát triển giao thông đường thủy, đường bộ, metro, giúp khu vực huyện Củ Chi và Hóc Môn phát triển không kém gì khu vực trung tâm TP. Với khát vọng và tầm nhìn như vậy, ông tin rằng sẽ tháo được nút thắt cho Củ Chi phát triển.

Nút thắt lớn thứ hai cần tháo gỡ là cần đẩy nhanh tiến độ dự án khu đô thị Tây Bắc. Ông cho biết có ba xã nằm trong quy hoạch khu đô thị này nhưng hơn 10 năm nay dự án khu đô thị Tây Bắc chưa được triển khai đồng bộ đã ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân nơi đây. Đó là các xã Tân Phú Trung, Tân Thông Hội và Tân An Hội.

“Tôi thấu hiểu nỗi khó khăn của bà con trong việc tách thửa, chuyển mục đích sử dụng đất, xây dựng nhà cửa. Việc thực hiện chậm trễ đã làm lãng phí cơ hội phát triển của huyện và ảnh hưởng tâm tư của người dân” - ông Nguyễn Xuân Phúc nói và đề nghị lãnh đạo TP.HCM và huyện Củ Chi rà soát lại quy hoạch, nếu còn phù hợp thì tập trung triển khai sớm, tránh làm xáo trộn đời sống người dân.

Ông yêu cầu cần phải tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy tiến độ khu đô thị Tây Bắc nhằm tạo sức lan tỏa, tập trung xử lý vướng mắc trong kêu gọi đầu tư. Sắp tới, ông sẽ cùng với lãnh đạo TP.HCM chủ trì hội nghị xúc tiến đầu tư để thu hút các tập đoàn lớn tại huyện Củ Chi và Hóc Môn.

 

Giàu lên từ đất, tù đày cũng vì đất

Về những bất cập của Luật Đất đai, Chủ tịch nước cho biết ông đã từng phát biểu trước Quốc hội, bên cạnh mặt tiến bộ, luật này vẫn còn nhiều bất cập, gây thất thoát trong quá trình chuyển nhượng quyền sử dụng đất. “Giàu lên từ đất rất nhiều nhưng tù đày từ đất cũng rất nhiều” - Chủ tịch nước nói.

Quy hoạch không thể cắm mốc, để mãi trên bản đồ

Phát biểu ý kiến tại buổi tiếp xúc, cử tri huyện Củ Chi đề cập đến khu đô thị Tây Bắc. Cử tri Lê Thành Tâm cho rằng khu đô thị này quy hoạch cả chục năm nhưng không thực hiện khiến người dân “muốn đầu tư cái gì cũng không được, sửa chữa cái gì cũng không xong, mà đời người thì đâu có dài”. Ông mong Chủ tịch nước quan tâm thúc đẩy tiến độ dự án này.

Trao đổi với cử tri, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng ý kiến của cử tri rất sâu sắc. Đối với vấn đề quy hoạch, ông cho rằng cần phải quy định thời hạn cụ thể, công bố cho người dân biết. Nếu đến thời hạn mà không làm thì phải thu hồi, ngoài thời hạn đó thì người dân được quyền sửa chữa nhà cửa. “Quy hoạch gì mà cả chục năm không làm thì làm sao mà người dân chịu đựng được. Anh không thể cứ cắm mốc trên bản đồ rồi để đó mãi không làm” - Chủ tịch nước nói.

Chủ tịch nước thông tin tới cử tri cuối năm nay Ban Chấp hành Trung ương sẽ nghe Chính phủ trình bày Luật Đất đai sửa đổi, bổ sung xem có phù hợp với tình hình thực tiễn không. Từ đó có tạo nguồn lực phát triển đất nước từ đất đai và giải quyết quyền lợi chính đáng cho người dân hay không.

 

Để lại một đồng cho TP.HCM sẽ tăng hai, ba đồng cho trung ương

Liên quan đến vấn đề tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách để lại cho TP.HCM, Chủ tịch nước cho biết ông ủng hộ. Theo ông, việc nâng tỉ lệ điều tiết ngân sách là để TP.HCM có điều kiện phát triển và tiếp tục có đóng góp nhiều hơn cho ngân sách trung ương. “1% điều tiết ngân sách cho TP.HCM, tức là tăng lên khoảng 2.200 tỉ đồng. Tính ra, để lại một đồng cho TP.HCM có thể tăng hai, ba đồng cho ngân sách trung ương” - ông Nguyễn Xuân Phúc nói và cho rằng đây là điều kiện thuận lợi để TP.HCM đầu tư phát triển hạ tầng, giải quyết các vấn đề về nâng cao đời sống, an sinh xã hội cho người dân.

Xem thêm: lmth.772589-ihc-uc-gnoht-oaig-neirt-tahp-hcaoh-yuq-taos-ar/us-ioht/nv.olp

Comments:4 | Tags:No Tag

“Rà soát quy hoạch, phát triển giao thông Củ Chi”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools