Doanh nghiệp thép đẩy mạnh xuất khẩu
Trong bối cảnh nhu cầu thép tăng cao trên toàn cầu khi nền kinh tế dần phục hồi sau đại dịch và Trung Quốc giảm sản lượng thép theo chính sách bảo vệ môi trường, nhiều doanh nghiệp trong nước đã đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu gia tăng lợi nhuận.
Theo báo cáo của Hiệp hội thép Việt Nam (VSA), bán hàng các sản phẩm thép của các thành viên trong 4 tháng đầu năm đạt 9,4 triệu tấn, tăng 40,3%. Xuất khẩu thép các loại đạt 2,1 triệu tấn, tăng 67,8% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, tỷ trọng xuất khẩu trong cơ cấu bán hàng của các doanh nghiệp thuộc VSA đã tăng mạnh từ 12% cùng kỳ năm trước lên 22,3%.
Đơn vị: 1.000 tấn |
Trong 4 tháng đầu năm, Tập đoàn Hòa Phát ( HoSE: HPG ) đã xuất khẩu tổng cộng 775.600 tấn thép các loại và tiêu thụ 2,5 triệu tấn, tỷ trọng xuất khẩu đạt 30,5%. Riêng sản lượng thép thô xuất khẩu là 507.900 tấn, thép thành phẩm đạt 267.700 tấn.
Hòa Phát cho biết thị trường thép thô của doanh nghiệp chủ yếu là Trung Quốc, trong khi thép xây dựng đa đa dạng như Úc, Nhật, Canada, các nước Asean... Trong tháng 4, doanh nghiệp mới phát triển thêm thị trường mới là Peru.
Năm 2020, doanh nghiệp xuất khẩu 2,24 tấn thép thành phẩm và thép thô, tương đương 44,8% sản lượng tiêu thụ. Sản lượng xuất khẩu của Hòa Phát tăng mạnh trong năm vừa qua nhờ xuất khẩu thép thô đạt 1,7 triệu tấn trong khi thép thành phẩm đạt 540.000 tấn, gấp 2 lần 2019.
Hoa Sen ( HoSE: HSG ) không kém cạnh với sản lượng xuất khẩu 416.000 tấn bao gồm tôn mạ 397.000 tấn, ống thép 19.121 tấn. Tỷ trọng xuất khẩu trên sản lượng bán hàng 52,5% trong 4 tháng đầu năm, vượt qua sản lượng tiêu thụ nội địa.
Trong các năm trước, kênh xuất khẩu chỉ chiếm khoảng 34-37% cơ cấu sản lượng tiêu thụ thành phẩm của tập đoàn. Tuy nhiên, niên độ 2019-2020, kênh xuất khẩu tăng trưởng mạnh mà chiếm tỷ trọng 43% với 644.000 tấn. Báo cáo của Hoa Sen cho biết năm qua bên cạnh thị trường truyền thống thì đã mở rộng ra các thị trường tiềm năng như Anh, châu Mỹ để tận dụng hiệu quả các điều kiện thuận lợi của EVFTA và CPTPP.
Tương tự, Nam Kim ( HoSE: NKG ) cũng có chiến lược đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường cao cấp như Bắc Mỹ và châu Âu. 4 tháng đầu năm, doanh nghiệp xuất khẩu 129.200 tấn tôn mạ, chiếm 37,3% tổng sản lượng bán hàng.
Trong cơ cấu doanh thu của Nam Kim, xuất khẩu đóng góp khoảng 40% giai đoạn 2019-2020. Riêng quý I năm nay, doanh thu xuất khẩu tăng vọt lên 3.000 tỷ đồng, gấp 2,6 lần cùng kỳ năm trước và chiếm tỷ trọng 61,7% tổng doanh thu.
Trả lời cổ đông về rủi ro giá nguyên liệu tăng tại ĐHĐCĐ thường niên 2021, ông Võ Hoàng Vũ – Tổng giám đốc Nam Kim cho biết với thị trường xuất khẩu, giá nguyên liệu tăng được chuyển tải hết vào giá bán trong khi thị trường nội địa có độ trễ.
Bộ Công Thương kiến nghị hạn chế xuất khẩu thép
Bộ Công Thương mới đây yêu cầu các đơn vị chức năng thuộc Bộ kiến nghị ban hành các chính sách kiểm soát xuất khẩu đối với các loại thép trong nước đang có nhu cầu.
Quyết định của Bộ Công Thương đưa ra trong bối cảnh giá thép tăng cao ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động xây dựng. Nhiều nhà thầu xây dựng rơi vào tình trạng lao đao, điêu đứng và có nguy cơ vỡ trận, ảnh hưởng lớn đến tiến độ công trình đã và đang thực hiện vì phần lớn hợp đồng ký đơn giá cố định khi giá thép cũng như nguyên vật liệu xây dựng tăng mạnh.
|
Nhu cầu thép tăng cao trên toàn thế giới trong khi Trung Quốc giảm công suất do vấn đề môi trường. |
Mặt khác, Bộ cũng yêu cầu có những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các dự án đầu tư sản xuất thép sớm đưa vào hoạt động.
Nam Kim lên kế hoạch đầu tư kho hàng cho thị trường nội địa và nhà máy ống thép trên diện tích 5 ha tại Bình Dương với tổng đầu tư 250 tỷ đồng. Doanh nghiệp đã mua nhà máy bột giấy Dae Myung Paper Việt Nam với mục tiêu chuẩn bị quỹ đất cho việc đầu tư trên.
Ban lãnh đạo doanh nghiệp kỳ vọng thông qua việc đầu tư này một số hoạt động phụ trợ, logistic, sản xuất ống thép được di dời ra khỏi nhà máy tôn mạ, tăng không gian cho hoạt động sản xuất qua đó nâng cao công suất tối đa cho các dây chuyền.
Trong khi đó, Công ty Đầu tư Thương Mại SMC ( HoSE: SMC ) đang triển khai đầu tư 3 dự án nhà máy tại khu công nghiệp Phú Mỹ 2. Đó là nhà máy gia công thép SMC Phú Mỹ, cơ khí chính xác SMC Phú Mỹ và liên doanh gia công thép hợp tác với Công ty Samsung C&T. Lãnh đạo SMC cũng quyết tâm khởi công đầu tư các nhà máy mới vào tháng 1 và cố gắng đến tháng 7 phải xong phần xây dựng để quý III đưa cả 3 nhà máy vào hoạt động.
Tập đoàn Hòa Phát đang đẩy nhanh thủ tục pháp lý, giải phóng mặt bằng để triển khai dự án Dung Quất 2 từ đầu năm 2022, tổng đầu tư 85.000 tỷ đồng. Dự án có công suất dự kiến 5,6 triệu tấn/năm gồm 4,6 triệu tấn thép dẹt (HRC), 1 triệu tấn thép thanh, thép dây chất lượng cao. Tiến độ thực hiện dự kiến là 36 tháng từ ngày được bàn giao đất và cấp phép xây dựng.
Các lãnh đạo doanh nghiệp thép đều đánh giá nhu cầu thép hiện nay rất lớn, nhà máy hoạt động hết công suất nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu.
Sản lượng thép của Trung Quốc năm 2020 hơn 1 tỷ tấn, tăng 5,2% so với cùng kỳ 2019, chiếm 61,4% nhu cầu toàn thế giới. Song, Trung Quốc vừa có động thái hạn chế xuất khẩu khuyến khích nhập khẩu sản phẩm thép khi giảm hoàn thuế VAT 13% về 9%, thậm chí 0% với một số sản phẩm thép. Ngược lại, quốc gia này giảm thuế nhập khẩu với gang, thép thô và thép tái chế xuống 0% từ tháng 5.
Ngọc Điểm
NDH