Được biết, các đối tượng phạm tội tuổi đời còn rất trẻ, chỉ từ 20 - 23 tuổi. Theo nhận định của cơ quan công an, một số đối tượng trong đường dây lừa đảo này chưa bị bắt, nên không thể loại trừ khả năng các vụ lừa đảo tương tự liên quan đến lan đột biến sẽ còn tái diễn.
Dù cơ quan chức năng đã nhiều lần cảnh báo, nhưng giấc mơ làm giàu nhanh chóng vẫn khiến không ít người bị cuốn vào vòng xoáy của những hoạt động mua bán tiềm ẩn nhiều rủi ro liên quan đến lan đột biến.
Những chậu lan, tiền mặt, giấy đăng ký ô tô và gần chục chiếc điện thoại di động là tang vật của các vụ lừa đảo.
Hoạt động mua bán lan đột biến tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an ninh trật tự.
Theo lời kể của một số nạn nhân, cách đây khoảng 4 tháng, qua mạng xã hội, họ đã kết nối được với một đối tượng để mua một chậu lan có tên gọi là phi điệp đột biến Hồng Minh Châu. Cọng lan khi đó mới chỉ dài khoảng 15 cm, nhưng vì được quảng cáo là loài quý hiếm, nên mỗi cm đã được thổi giá lên tới 34 triệu đồng.
Khi về nhà, người mua phát hiện ẩn dưới lớp đất còn có 2 mắt ngủ dài 2 cm, họ thắc mắc, chẳng lẽ chủ vườn lan quên tính tiền? Từ suy nghĩ này, họ nghi ngờ mình bị lừa mua phải lan đột biến giả có giá tới hơn 500 triệu đồng.
"Tôi điện lại cho chủ vườn đề nghị gửi lại cây và chịu thiệt 76 triệu đồng. Chủ vườn đồng ý, nhưng 2 hôm sau tôi quay lại vườn thì thấy khóa cửa, gọi điện không liên lạc được. Lúc đó, tôi mới biết là mình đã bị lừa", ông Nguyễn Văn Minh, xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội, chia sẻ.
Chỉ sau một thời gian ngắn vào cuộc điều tra, Công an huyện Thanh Liêm đã bắt giữ 4 đối tượng trong đường dây lừa đảo, cùng quê ở xã Đoàn Kết, huyện Yên Thủy, Hòa Bình.
Các đối tượng khai nhận đã lập ra nhiều tài khoản trên mạng xã hội, giả làm những người buôn bán lan thường xuyên giao dịch với chủ một vườn lan có tiếng ở Hòa Bình để lừa đảo hàng chục người nhẹ dạ cả tin.
Các đối tượng bị bắt giữ.
"Em đã đăng bán cây trên mạng Facebook, quay video mua bán lan như thật với một người trong nhóm, tạo lòng tin cho khách để khách mua cây", đối tượng Bùi Văn Trọng xã Đoàn Kết, huyện Yên Thủy, Hòa Bình, cho biết.
Theo kết quả điều tra bước đầu của cơ quan công an, với thủ đoạn tinh vi là đến nhiều địa phương thuê đất, dựng nhà vườn lan đột biến giả, các đối tượng đã thực hiện chót lọt hơn 10 phi vụ lừa đảo với số tiền trên 4 tỷ đồng. Trước khi bị bắt, nhóm lừa đảo này đang tiếp tục dựng một nhà vườn ở xã An Khánh, huyện Hoài Đức, Hà Nội.
"Công an huyện Thanh Liêm sẽ tiếp tục xác định phương thức, thủ đoạn của đối tượng, xác định thêm các bị hại để làm căn cứ xử lý theo đúng quy định của pháp luật", Thượng tá Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng Công an huyện Thanh Liêm, Hà Nam, nhận định.
Công an huyện Thanh Liêm cũng đưa ra khuyến cáo, hoạt động mua bán lan đột biến tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an ninh trật tự. Lan đột biến được định giá tự do, là cơ hội cho hành vi thổi giá, lôi kéo những người chơi mới, kém hiểu biết tham gia.
Các hoạt động mua bán, giao dịch lan đột biến diễn ra tự phát, không có kiểm soát từ cơ quan chức năng, có nguy cơ biến tướng thành hoạt động đa cấp hoặc rửa tiền, dễ phát sinh lừa đảo, tranh chấp sau giao dịch. Người dân cần cảnh giác trước những chiêu trò của các đối tượng lợi dụng hoạt động mua bán lan đột biến nhằm mục đích trục lợi, lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
VTV.vn - Một người đàn ông ở Vĩnh Phúc đã bị lừa gần 10 tỷ đồng khi mua phải lan đột biến giả, có người "chết đứng" khi bỏ tiền thật mua lan đột biến gắn keo 502.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!