- Mỹ cử "đại sứ nhiều kinh nghiệm" đến giải quyết căng thẳng Israel-Palestine
- Dải Gaza chìm trong biển lửa, nguy cơ chiến tranh Hamas-Israel
Máu lại đổ ở Thánh đường
Những vụ đụng độ nhỏ âm ỉ đã bắt đầu xảy ra tại khu vực phố cổ Jerusalem, nơi được gọi là thánh địa 3 tôn giáo lớn và nơi nhạy cảm nhất ở Jerusalem. Khu vực đó người Israel gọi là khu Núi đền, còn người Hồi giáo gọi là Haram al-Sharif, tức Thánh địa cao quý. Tại Thánh địa cao quý này có ngôi thánh đường cổ Al-Aqsa, còn gọi là Thánh đường Vòm đá, là nơi thiêng liêng thứ ba của người theo đạo Hồi, nơi có viên đá “thăng thiên” của nhà tiên tri Mohammed.
Cảnh sát Israel bắt giữ một người Palestine tại khu phố cổ Jerusalem. |
Cuộc tuần hành của người Israel kỷ niệm Ngày Jerusalem là cuộc tuần hành có ý nghĩa quan trọng hàng đầu tại vùng đất tranh chấp quyết liệt giữa người Israel và Palestine. Đó là ngày Israel đánh chiếm một phần Jerusalem trong cuộc chiến tranh Trung Đông năm 1967. Cuộc tuần hành được người Israel thực hiện hằng năm nhằm biểu thị sự hiện diện và “làm chủ” của họ tại thành phố cổ thiêng liêng này. Nhưng, cũng là dịp gây ra nhiều cuộc xô xát đổ máu. Cuộc tuần hành năm nay có thể biến thành mồi lửa xung đột lan rộng nếu nó vẫn diễn ra theo kế hoạch ban đầu.
Khúc dạo đầu báo hiệu bất ổn đã xảy ra từ tuần trước, với việc người Palestine ném đá vào người Israel, còn binh lính và cảnh sát Israel dùng dùi cui, hơi cay và lựu đạn cay trấn áp những người Palestine đi lễ thánh tại khu vực Núi đền. Sớm 10-5, cảnh sát Israel đã ập vào thánh đường Al-Aqsa để giải tán những người Palestine tụ tập chuẩn bị “chào đón” cuộc tuần hành mà họ xem là một sự khiêu khích nỗi uất ức của họ. Thêm 120 người Palestine bị thương do đụng độ với cảnh sát, nâng tổng số người Palestine bị thương trong các vụ đụng độ lên hơn 300 người, kể cả trẻ em.
Hành động của cảnh sát và quân đội Israel đối với người Palestine đã bị các nước láng giềng và cộng đồng thế giới lên án mạnh mẽ. Đặc biệt, hành động bạo lực đó lại diễn ra ngay trong tháng Ramadan của người Hồi giáo càng làm tăng thêm tính chất phức tạp.
Jordan, nước có quyền giám hộ đối với các ngôi đền Hồi giáo và Thiên Chúa giáo trong khu phố cổ Jerusalem, đã gọi hành động tập kích vào thánh đường Al-Aqsa trấn áp gây thương vong người Palestine của cảnh sát Israel là “man rợ”. Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã họp tham vấn kín về tình hình căng thẳng ở Jerusalem theo yêu cầu của Tunisia, đại diện duy nhất của khối Arabia tại cơ quan này. Kể cả nước Mỹ, đồng minh của Israel, cũng không thể ngồi yên. Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan đã điện đàm để tham vấn người đồng cấp Israel Meir Ben-Shabbat.
Tình hình căng thẳng ở khu phố cổ khiến tòa án Israel phải hoãn một phán quyết quan trọng. Đó là phán quyết cho phép trục xuất người Palestine sinh sống tại khu Sheikh Jarrah ở Đông Jerusalem và tịch thu nhà cửa của họ để giao cho người định cư Do Thái từ Israel đến. Khu Đông Jerusalem là khu vực vẫn thuộc quyền kiểm soát của người Palestine sau cuộc chiến 1967, là khu vực sinh sống chủ yếu của người Palestine tại thành phố Jerusalem. Tuy nhiên, trong giai đoạn hơn 10 năm qua, Israel gia tăng các hành động giành đất, lấn thêm đất của người Palestine vượt quá ranh giới chiếm đóng sau cuộc chiến 1967.
Những hành động đó bao gồm việc xây dựng các khu nhà ở định cư mới của người Do Thái trên các khu đất chiếm đóng của người Palestine; việc thứ hai là xua đuổi, trục xuất người Palestine ra khỏi nơi ở, khu vực sinh sống của họ để lấy đất, lấy nhà giao cho người Do Thái vào sinh sống, biến những nơi đó thành “khu người Do Thái”.
Nguy cơ xung đột lan rộng
Trong khi đó, các vụ đụng độ tại Jerusalem đã lan sang khu vực Dải Gaza, với việc lực lượng Hamas có hành động nhằm “chia lửa” cho đồng bào mình đang bị ức hiếp ở Jerusalem. Hàng loạt tên lửa đã phóng sang khu vực miền Nam Israel xung quanh Dải Gaza; bóng lửa cũng được thả theo gió bay sang Nam Israel gây ra nhiều đám cháy cục bộ. Ngày 10-5, căng thẳng ở Dải Gaza đã leo thang quyết liệt với việc Hamas và Israel cùng tấn công trả đũa nhau. Hamas phóng tên lửa ồ ạt sang các thành phố Israel, còn quân đội Israel cũng cho máy bay phóng tên lửa xuống các mục tiêu Hamas trong Dải Gaza gây ra cái chết cho hàng chục thường dân Palestine. Israel đã đóng cửa đường biên giới với Gaza nhằm ngăn chặn thành phần quá khích dùng bom tấn công sang Israel.
Các vụ đụng độ tại khu phố cổ Jerusalem và giao tranh căng thẳng giữa Israel và Hamas tại Gaza làm thế giới lo lắng nghĩ đến khả năng tái diễn bạo lực đẫm máu như đã từng xảy ra vài lần trong quá khứ. Cũng từ việc người Israel diễu hành qua khu Núi đền, hay như việc cựu Thủ tướng Ariel Sharon đến thăm khu Núi đền từng gây ra các cuộc phản đối dữ dội của người Palestine, từ đó dẫn đến xung đột và bạo lực đẫm máu.
Thường thì trong các vụ việc đó, người Palestine chịu thương vong lớn bởi họ không được trang bị gì khác ngoài gạch đá để đối chọi với súng đạn của Israel. Chỉ có lực lượng Hamas và các thành phần khác ở Dải Gaza có trang bị tên lửa nhưng hỏa lực và khả năng gây thương vong không lớn, lại trở thành cái cớ cho quân đội Israel dùng vũ lực vùi dập người Palestine. Vụ thảm sát gần đây nhất là trong cuộc xung đột năm 2014. Hơn 2.000 người Palestine đã thiệt mạng sau gần 1 tháng oanh kích không khoan nhượng của Israel. Cả thế giới rúng động và cực lực lên án tội ác đó.
An Châu (tổng hợp)Xem thêm: /140146-enitselaP-learsI-tod-gnux-iat-oc-yugN/gtna-naul-hniB-neik-uS/nv.moc.dnac.gtna