- WHO quan ngại tình trạng thiếu hụt vaccine tại các nước nghèo
- Thách thức nào ngáng trở nỗ lực chia sẻ bản quyền vaccine COVID-19 toàn cầu?
Phương Tây chia rẽ
Hay nói đúng hơn, câu chuyện về khả năng để ngỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine ngừa COVID-19 đang trở thành một sự giằng xé của Liên hiệp châu Âu (EU).
Sau Mỹ, sự chú ý của thế giới chuyển sang các quốc gia giàu có ở EU. Và không phụ sự trông đợi ấy, nước Pháp đã đứng về phía Mỹ, ủng hộ việc tạm thời nới lỏng bằng sáng chế và các biện pháp bảo vệ khác đối với vaccine phòng COVID-19. Ngày 6-5, trong chuyến thăm một trung tâm nghiên cứu và sản xuất vaccine, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khẳng định: “Tôi hoàn toàn ủng hộ việc mở quyền sở hữu trí tuệ này”.
Sau khi ông Joe Biden trở thành tổng thống, đã có những thay đổi mạnh mẽ trong quan điểm của nước Mỹ. |
Cùng ngày, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen hé lộ: “Chúng tôi đã sẵn sàng thảo luận về cách đề xuất từ bỏ bảo hộ sở hữu trí tuệ đối với vaccine phòng COVID-19 của Mỹ, để có thể giúp chấm dứt cuộc khủng hoảng. Tuy nhiên, trước mắt, chúng tôi kêu gọi tất cả các nước sản xuất vaccine cho phép xuất khẩu và tránh các biện pháp làm gián đoạn chuỗi cung ứng”.
Đó là những động thái nối tiếp một bầu không khí nhiệt thành và sôi động hiện hữu tại cuộc họp của Đại hội đồng Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) ngày 5-5, nơi mà Đại diện Thương mại Mỹ, bà Katherine Tai, tuyên bố: “Chính quyền Mỹ rất tin tưởng vào các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ nhưng để chấm dứt đại dịch này, chúng tôi ủng hộ việc miễn trừ bản quyền đối với vaccine phòng COVID-19”.
Tuy nhiên, chính bà Katherine Tai cũng xác định sẽ phải mất nhiều thời gian để đạt được “sự đồng thuận toàn cầu” về việc từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ với vaccine phòng COVID-19 theo các quy định của WTO và điều này sẽ không ảnh hưởng ngay lập tức đến nguồn cung cấp vaccine phòng COVID-19 trên toàn cầu.
Đó là một dự đoán cực kỳ chính xác.
Chỉ 2 ngày sau sự “hồ hởi” được thể hiện nồng nhiệt nói trên, Chủ tịch EC Ursula von der Leyen đã phải “đính chính” rằng các nhà lãnh đạo EU xác định có “nhiều vấn đề cấp bách hơn là việc từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine ngừa COVID-19” vào thời điểm này. Phát biểu trên được đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh về chương trình xã hội của EU tổ chức tại thành phố Porto của Bồ Đào Nha. Khi trả lời các phóng viên, bà von der Leyen cho biết chủ đề này quan trọng nhưng sẽ được thảo “luận trong dài hạn, không phải trong ngắn hạn hay trung hạn”. Theo bà, châu Âu không nên bỏ qua những vấn đề cấp bách chính: Sản xuất vaccine càng sớm càng tốt và đảm bảo chúng sẽ được phân phối một cách “công bằng, bình đẳng”.
Chủ tịch EC Ursula von der Leyen đã nhanh chóng thay đổi quan điểm chỉ sau 2 ngày. |
Thật dễ hiểu. EU chính là “nhà thuốc của thế giới”. Tính đến ngày 8-5, 400 triệu liều vaccine đã được sản xuất ở EU. 50% trong số đó - tương đương 200 triệu liều - đã được xuất khẩu sang 90 quốc gia khác nhau trên thế giới. Do đó, EU kêu gọi các quốc gia khác cùng hành động như vậy.
Cũng tại sự kiện đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết ông sẵn sàng thảo luận về đề xuất từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine ngừa COVID-19 nhưng đây không phải là giải pháp để tăng tốc độ tiêm chủng. Thủ tướng Italy Mario Draghi cũng nhận định: “Đề xuất về việc từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine ngừa COVID-19 sẽ không đảm bảo gia tăng nguồn cung vaccine”.
Còn ngay trong chiều 6-5, nước Đức - “trái tim” của châu Âu, cũng là quốc gia “chủ quản” hãng dược phẩm BioNTech (hãng đang cùng Pfizer của Mỹ sản xuất vaccine ngừa COVID-19 có tiếng vang nhất), đã chính thức lên tiếng. Theo người phát ngôn Chính phủ Đức, nước Đức phản đối việc hủy bỏ bản quyền vaccine COVID-19, bởi việc đẩy mạnh sản xuất vaccine COVID-19 phụ thuộc vào khả năng sản xuất và công nghệ chứ không phải vấn đề bản quyền. Đức cũng tuyên bố ủng hộ cơ chế phân phối vaccine Covax của WHO nhưng cần phải bảo vệ phát minh của các ngành công nghiệp.
Và như thế, có nghĩa là các khái niệm “công bằng” hay “bình đẳng” cần phải được hiểu theo đúng cách. Không phải là sự “công bằng” hay “bình đẳng” chung chung, ở đây, các quốc gia phát triển lãnh đạo EU muốn nói đến sự công bằng cụ thể đối với cả những nhà sản xuất lẫn các quốc gia đang nắm giữ trong tay “quyền được phép không chia sẻ” và “bình đẳng” một cách có lộ trình - bình đẳng giữa sứ mệnh nhân đạo với lợi ích cốt lõi.
Không thể nói là họ không có lý, cho dù, sự “có lý” ấy trong trường hợp này mang màu sắc tương đối tàn nhẫn. Các nhóm vận động hành lang cho ngành dược phẩm cảnh báo hành động của chính quyền Tổng thống Biden sẽ làm suy yếu các công ty dược và nhiều hệ lụy khác. Một số học giả cũng đồng tình với các hãng dược, ví von động thái này là một sự tước đoạt tài sản của các công ty dược phẩm. Theo họ, điều này khiến nguồn thu của các hãng dược sụt giảm, có thể dẫn tới thụ động trong nghiên cứu nếu xảy ra một đại dịch mới. Và thực tế, đúng là bào chế vaccine COVID-19 cũng đòi hỏi những tiêu chuẩn nhất định về mức phát triển khoa học kỹ thuật, để có thể tiếp nhận trọn vẹn các thành tựu công nghệ.
“Vaccine cho tất cả mọi người” - một nhu cầu bức thiết, một lời khẩn cầu xé ruột. |
Những nghịch lý song hành
Theo WHO, đến hết tháng 4-2021, mới chỉ có 700 triệu liều vaccine được tiêm cho dân chúng các nước, trong đó chỉ có 0,2% là tại các nước nghèo. Trong số các nước phát triển, chỉ có EU, Trung Quốc và Nga là xuất khẩu vaccine COVID-19 với số lượng lớn cho các nước, trong khi Mỹ và Anh cấm xuất khẩu, dù đã tiêm cho gần 2/3 dân số trong nước.
Nghịch lý là ở đó, khi nước Mỹ lại đi tiên phong trong việc đề xuất từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với các vaccine phòng COVID-19. Có lẽ, một phần nguyên nhân xuất phát từ sự “thay triều đổi đại” trên chính trường Mỹ, sau kỳ bầu cử tổng thống cuối năm ngoái. Cựu Tổng thống Donald Trump - người luôn hành động với khẩu hiệu “Nước Mỹ trên hết” - đã không ngần ngại siết chặt các biện pháp nhằm phục vụ công dân của mình đầu tiên và người kế nhiệm - ông Joe Biden đã thừa hưởng một nền tảng đủ bền vững trong nội tại nước Mỹ, để có thể phất lên một lá cờ vì nhân loại.
Song, mặt khác, ngay từ khi cuộc đua sản xuất vaccine phòng COVID-19 mới khởi động, giới quan sát toàn cầu đã chỉ ra một thực tế: Ai nắm giữ các bí quyết vaccine, người đó cũng sẽ đồng thời có trong tay một “cây quyền trượng” về vị thế và tầm ảnh hưởng mềm cực kỳ to lớn trên bản đồ địa chính trị thế giới (bên cạnh những khoản lợi nhuận kếch xù, tất nhiên). Và nếu nhìn nhận sự việc từ giác độ này thì phải chăng EU nói chung cũng như nước Đức nói riêng đã kịp “tỉnh lại” trước nguy cơ bị “tước vũ khí”?
Và thực tế, nước Mỹ cũng không phải quốc gia đầu tiên đề xuất nới lỏng quyền sở hữu trí tuệ vaccine phòng COVID-19. Đề xuất ấy là của Nam Phi và Ấn Độ, từ tháng 10 năm ngoái. Khi ấy, Mỹ - cũng như nước Đức hiện tại - phản đối đề xuất này. Song, đến bây giờ, khi đã có hơn 100 quốc gia ủng hộ đề xuất này, cùng việc một nhóm 110 thành viên Quốc hội Mỹ thuộc đảng Dân chủ gửi thư tới Tổng thống Mỹ Joe Biden kêu gọi ông ủng hộ việc từ bỏ bản quyền vaccine thì câu chuyện đã rất khác. Từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ vaccine ngừa COVID-19, thực chất, đang trở thành một công cụ chính trị hữu hiệu, cả về ngoại giao lẫn nội trị.
Tuy nhiên, nói gì thì nói, đề xuất ấy vẫn đang là một lời kêu gọi phù hợp với lợi ích của đông đảo các quốc gia trên thế giới và liên quan mật thiết đến sự tồn vong của toàn nhân loại.
Lợi ích của các hãng dược cũng là điều luôn phải tính đến. |
Để đi đến một quyết định mang tính bước ngoặt cho toàn thế giới, WTO cần có được sự đồng thuận của tất cả 164 quốc gia thành viên, nghĩa là bất kỳ quốc gia nào cũng có thể phá vỡ quyết định của số đông còn lại. Mặc dù vậy, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus vẫn khẳng định: Không có thời điểm nào tốt hơn để áp dụng quy định miễn trừ bản quyền vaccine theo quy định WTO vào lúc này, khiđại dịch kéo dài đã cướp đi 3,2 triệu sinh mạng, lây nhiễm cho hơn 437 triệu người và các nền kinh tế bị tàn phá.
“Việc từ bỏ bằng sáng chế cho vaccine và thuốc trị COVID-19 có thể thay đổi số phận của châu Phi, mở cửa thêm cho hàng triệu liều vaccine và cứu sống vô số người. Chúng tôi đánh giá cao vai trò dẫn đầu của Nam Phi, Ấn Độ và Mỹ, đồng thời kêu gọi những nước khác ủng hộ họ”, Giám đốc WHO châu Phi Matshidiso Moeti viết trên Twitter. Đáng chú ý, chỉ có hơn 20 triệu liều vaccine đã được sử dụng trên khắp lục địa châu Phi, nơi có khoảng 1,3 tỷ người.
Còn theo Tổ chức Bác sĩ không biên giới (MSF), nhiều quốc gia thu nhập thấp nơi tổ chức này hoạt động chỉ nhận được 0,3% nguồn cung cấp vaccine COVID-19 trên toàn cầu. Bà Avril Benoit, Giám đốc điều hành MSF nói: “MSF hoan nghênh quyết định táo bạo của Chính phủ Mỹ trong việc hỗ trợ từ bỏ sở hữu trí tuệ đối với vaccine phòng COVID-19, trong thời điểm toàn cầu đang có nhu cầu chưa từng có về vaccine như thế này”.
Liên minh vaccine Gavi - tổ chức được Liên Hợp Quốc hỗ trợ để phân phối vaccine đến các quốc gia - cũng hoan nghênh quyết định của Mỹ, cũng như cam kết của nước này nhằm thúc đẩy sản xuất nguyên liệu thô dùng cho vaccine.
Năm 2003, các thành viên WTO đã đồng ý từ bỏ quyền sáng chế và cho phép các nước nghèo hơn nhập khẩu các phương pháp điều trị chung cho HIV/AIDS, sốt rét và bệnh lao. Bởi vậy, nhiều người hy vọng lịch sử sẽ lặp lại lần nữa để chống lại COVID-19. Nói như Giám đốc CDC châu Phi, John Nkengasong: “Chúng tôi tin rằng, khi lịch sử của đại dịch này được viết ra, sử sách sẽ ghi nhớ động thái của Chính phủ Mỹ là đã làm điều đúng đắn vào đúng thời điểm”.
Rất nhiều quốc gia đang đứng trước cơ hội tiếp cận vaccine COVID-19 dễ dàng hơn. Có điều, nếu thế giới đã quen với thuật ngữ “ngoại giao y tế” thì chuyện sứ mệnh lương tri bị thách thức bởi quyền lực của lợi ích cũng không có gì đáng ngạc nhiên...
Mây LinhXem thêm: /461146-irt-gnoul-auc-hnem-us-nauhn-iol-auc-cul-neyuQ/gtna-naul-hniB-neik-uS/nv.moc.dnac.gtna