Tranh cãi về độc quyền
Tại phiên tòa diễn ra ở California, hai bên tranh luận liệu các mức hoa hồng 15-30% mà Apple thu của các nhà phát triển ứng dụng khi họ sử dụng hệ thống thanh toán trong ứng dụng của hãng này và hành vi Apple kiểm soát việc người dùng có thể cài đặt ứng dụng nào có cấu thành hành vi chống cạnh tranh hay không. Cuộc chiến tại tòa án là phiên tòa chống độc quyền cao cấp nhất trong thế giới công nghệ trong nhiều thập niên và cũng đánh dấu vụ án pháp lý đe dọa nhất đối với Apple trong nhiều năm.
Epic Games cáo buộc Apple điều hành App Store của mình là độc quyền bất hợp pháp vì họ chỉ cho phép các giao dịch mua trong ứng dụng trên iPhone được xử lý bởi hệ thống thanh toán của Apple (có hơn 1 tỷ iPhone trên khắp thế giới) và thường thu được 30% hoa hồng trên mỗi lần mua hàng. Epic Games lập luận rằng, khoản phí mà các nhà phê bình gọi là "thuế Apple", được áp dụng không công bằng và thường nhằm vào các nhà phát triển ứng dụng nhỏ hơn, những người sau đó gặp bất lợi khi cố gắng cạnh tranh với các ứng dụng của Apple để tránh khoản phí này. Thêm vào đó, số tiền kiếm được từ hoa hồng là một nguồn doanh thu quan trọng và ngày càng tăng của Apple, một phần của phí và đăng ký đã tạo ra 54 tỷ USD trong năm tài chính vừa qua. Các nhà phân tích cho rằng, doanh số bán hàng ở phân khúc này đặc biệt quan trọng, khi xem xét doanh số iPhone đạt đỉnh cao như thế nào trong những năm trước. Epic ước tính lợi nhuận của Apple từ phí trên App Store là gần 80% - một con số đáng kinh ngạc.
Nhưng, Apple đáp trả rằng, việc thu 30% là cần thiết để bảo vệ quyền riêng tư và an toàn của các ứng dụng trên thiết bị Apple. Luật sư của Apple Karen Dunn lập luận rằng vụ kiện của Epic Games là một phần của cuộc chiến chống lại phí nền tảng di động bất chấp luật pháp và sự thật. Đồng thời, luật sư Dunn nhấn mạnh rằng nếu Epic Games thắng kiện, người tiêu dùng và các nhà phát triển ứng dụng sẽ phải hứng chịu hậu quả là việc bảo mật kém hơn, quyền riêng tư giảm đi và có ít sự lựa chọn hơn - những điều mà luật chống độc quyền nỗ lực bảo vệ.
Cuộc chiến chưa hồi kết
Cuộc chiến pháp lý giữa Epic Games và Apple bắt đầu vào năm 2020 sau khi Epic Games cố gắng áp dụng hệ thống thanh toán trong ứng dụng của riêng mình trong trò chơi Fortnite. Apple ngay sau đó đã gỡ bỏ trò chơi này khỏi cửa hàng ứng dụng App Store. Cuối tháng 8-2020, một tòa án ở thành phố California đã từ chối đề nghị của Epic Games nhằm yêu cầu tập đoàn công nghệ Apple khôi phục trò chơi điện tử Fortnite nổi tiếng trên kho ứng dụng App Store.
Cuộc đấu pháp lý giữa Apple và Epic Games diễn ra từ năm ngoái |
Không từ bỏ quan điểm của mình, 1 tháng sau, Epic Games tiếp tục khởi kiện Apple. Vụ kiện được tiến hành giữa lúc diễn ra cuộc tranh luận về vấn đề liệu Apple siết chặt các quy định liên quan App Store và áp mức phí doanh thu 30% có bị coi là hành vi độc quyền hay không. Epic Games thống kê rằng, hơn 116 triệu người sử dụng đăng ký tiếp cận Fortnite thông qua hệ điều hành iOS - nhiều hơn bất kỳ các nền tảng khác. Vì vậy, nếu ngăn 1 tỷ người sử dụng iOS tải Fortnite sẽ gây thiệt hại lớn cho Epic Games và là hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Tuy nhiên, kết cục vụ kiện này cũng như lần trước.
Tháng 4, Epic Games lại kiện Apple lên Tòa án Liên bang ở California. Tại phiên tòa hôm 3-5, các luật sư của Epic đã cố gắng thuyết phục rằng Apple đã thiết kế App Store của mình theo cách giúp hãng có vị thế hơn các nhà phát triển khác như: Không có lựa chọn xử lý thanh toán nào khác. Sử dụng hệ thống thanh toán của Apple hoặc không thanh toán cho một ứng dụng hoặc một mặt hàng trong ứng dụng. "Khi nhận iPhone của mình, người dùng bước vào một thế giới khác. Mỗi lần họ mua hàng trong ứng dụng, họ sẽ bị áp thuế 30%. Đó là điều bất hợp pháp", luật sư Katherine Forrest của Epic Games cho biết.
Đáp lại, các luật sư của Apple cho biết mức phí 30% giúp đảm bảo các tiêu chuẩn về quyền riêng tư và bảo mật của công ty và đây không phải là sự lạm dụng quyền lực mà là sự kiểm tra chất lượng trên hệ điều hành của Apple, được gọi là iOS.
Theo kế hoạch, phiên tòa xét xử vụ kiện giữa Epic Games và Apple kéo dài trong 3 tuần và lời khai đang được mong đợi nhất đến từ Giám đốc điều hành Apple Tim Cook. Đáng tiếc là đến nay phiên tòa vẫn chưa ấn định được ngày xuất hiện trước tòa của ông Tim Cook.
Cuộc chiến pháp lý toàn cầu
Thực tế, vụ kiện ở California không phải là thách thức pháp lý duy nhất của Apple. Hiện, Epic Games đang tiến hành chiến dịch “tấn công” Apple trên toàn thế giới. Hồi tháng 3, Epic Games đã đệ đơn lên Cơ quan Giám sát thị trường và cạnh tranh của Anh khiếu nại hãng công nghệ Apple có “những hành vi độc quyền”. Trước đó 1 tháng, Epic Games cũng đưa tranh chấp với Apple lên các cơ quan quản lý của Liên minh châu Âu (EU) với cáo buộc Apple ngăn cản các đối thủ tung ra dịch vụ đăng ký trò chơi bằng cách ngăn họ gộp nhiều tựa game lại với nhau trên nền tảng của Apple trong khi chính dịch vụ Apple Arcade đang làm điều này.
Riêng ở Australia, Epic Games không chỉ khiếu nại Apple mà còn cáo buộc cả Google "lạm dụng quyền kiểm soát" đối với hệ điều hành Android.
Khánh Chi