Số tiền chiếm đoạt được, Lâm dùng 4 tỷ đồng để chơi game, số còn lại chi tiêu cá nhân, không chuyển khoản tiền nào cho các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn. Ngày 10-5, Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm (PCTP) sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an phối hợp với Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Hà Nam xác định đã có hàng nghìn nhà hảo tâm đã chuyển tiền đến tài khoản của Trần Văn Lâm.
Hàng nghìn người dính bẫy
Qua công tác nắm tình hình, Phòng 7, Cục An ninh mạng và PCTP sử dụng công nghệ cao, phát hiện từ ngày 11-9-2020 trên trang facebook "Hỗ trợ trẻ em" với khoảng hơn 6.000 lượt người theo dõi đã đăng tải khoảng hơn 200 tin, bài viết có nội dung về các bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, chủ yếu là trẻ nhỏ bị mắc bệnh hiểm nghèo và kêu gọi các nhà hảo tâm giúp đỡ, ủng hộ với số tiền chỉ từ 10.000, 20.000, 50.000 đến 200.000, 300.000 đồng để chuyển tiền vào số tài khoản 1903… của chủ tài khoản Trần Văn Lâm.
Đối tượng Trần Văn Lâm |
Trong số đó, có một số bài viết đã thu hút sự quan tâm, chú ý của các nhà hảo tâm như: Bài viết đăng tải ngày 16-10-2020, kêu gọi ủng hộ cho cháu NTA, 14 tháng tuổi, đang điều trị tại một bệnh viện tại TP Hồ Chí Minh, bài viết có 111 lượt chia sẻ; bài viết đăng tải ngày 9-10-2020 kêu gọi ủng hộ cháu YM (SN 2020, ở Phú Yên) bị mắc bệnh hiểm nghèo, có 105 lượt thích, 41 lượt bình luận, 216 lượt chia sẻ; bài viết đăng tải ngày 22-2, kêu gọi ủng hộ cháu PTN, ở tại tỉnh Nghệ An đang điều trị bệnh hiểm nghèo tại một bệnh viện ở Hà Nội…
Qua mở rộng rà soát, Phòng 7 còn phát hiện trang Fanpage Facebook "Quỹ Bảo trợ trẻ em" (facebook com/toiyeuquetoi.vnafk, có 1.644 lượt người theo dõi) cũng đăng tải 5 bài viết có nội dung kêu gọi giúp đỡ cho trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo và chuyển tiền vào số tài khoản của Trần Văn Lâm; hoạt động tương tự trang Fanpage Facebook "Hỗ trợ trẻ em" và có dấu hiệu giả mạo trong thông tin của "Quỹ bảo trợ trẻ em Việt Nam". Từ những dấu hiệu nghi vấn trên, các trinh sát Phòng 7 đã triển khai các biện pháp nghiệp vụ, phối hợp Công an tỉnh Hà Nam xác minh, thu thập thông tin của đối tượng trên. Quá trình rà soát đã xác định đối tượng nghi vấn là Trần Văn Lâm.
Để chứng minh, làm rõ hành vi phạm tội của đối tượng, Phòng 7 đồng thời đã gặp gỡ và làm việc với gia đình một số cháu mắc bệnh hiểm nghèo. Họ đều khẳng định không quen biết và chưa từng nhận được tiền hỗ trợ từ trang Fanpage Facebook "Hỗ trợ trẻ em" từ các nhà hảo tâm thông qua hoạt động kêu gọi của Trần Văn Lâm. Cơ quan Công an đồng thời đã làm việc với Quỹ bảo trợ trẻ em Việt Nam thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Ngày 8-3, Quỹ Bảo trợ xã hội Việt Nam đã có công văn gửi Cục An ninh mạng và PCTP sử dụng công nghệ cao khẳng định các trang thông tin điện tử, tài khoản mạng xã hội đang quản trị, điều hành không có trang Fanpage Facebook "Quỹ Bảo trợ trẻ em" tại địa chỉ facebook như trên… Quá trình điều tra đồng thời xác định phương thức và thủ đoạn hoạt động của đối tượng rất tinh vi.
Các tang vật của vụ án |
Cụ thể, đối tượng lấy thông tin từ bài viết đăng tải chuyên mục "Tấm lòng nhân ái" trên các báo điện tử "Dân trí", "Người lao động", "Lao động"…, liên tục đăng tải các bài viết có lồng ghép hình ảnh mô tả bộ phận trên cơ thể của các trẻ mắc bệnh hiểm nghèo nhằm tạo sự cảm thương của các nhà hảo tâm và cắt bỏ thông tin liên lạc của gia đình bệnh nhân; thay thế thông tin tài khoản ngân hàng của Trần Văn Lâm nhằm thực hiện mục đích lừa đảo chiếm đoạt tiền.
Ngày 17-4, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Hà Nam chủ trì cùng với Cục An ninh mạng và PCTP sử dụng công nghệ cao đã tiến hành khám xét nơi ở của đối tượng quản trị Fanpage Facebook "Hỗ trợ trẻ em" là Trần Văn Lâm. Đến 9h ngày 18-4, cơ quan điều tra đã bắt được Trần Văn Lâm tại Bệnh viện Đa khoa Kim Bảng, tỉnh Hà Nam.
Tại cơ quan Công an, Trần Văn Lâm đã khai nhận: Từ tháng 9-2020, Lâm tạo lập, quản trị trang Fanpage Facebook "Hỗ trợ trẻ em" với mục đích chiếm đoạt tiền từ các nhà hảo tâm. Đã có hàng nghìn bị hại gửi tiền ủng hộ vào tài khoản của Lâm với số tiền gửi từ 50.000 đến 5.000.000 đồng mỗi người.
Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao phối hợp với Công an tỉnh Hà Nam khám xét nơi ở của đối tượng |
Bằng hình thức trên, Lâm khai nhận trong thời gian từ năm 2019 đến ngày 18-4-2021, Lâm đã chiếm đoạt của hàng nghìn bị hại với số tiền gần 7 tỷ đồng. Sau khi nhận tiền, Lâm không chuyển tiền cho gia đình các cháu nhỏ có hoàn cảnh khó khăn mà dùng để chơi Game bài (G365.com) hơn 4 tỷ đồng, số còn lại chuyển vào 2 tài khoản đứng tên mình tại ngân hàng để chi tiêu với mục đích cá nhân.
Ngoài ra, Lâm khai nhận đã lập thêm 7 trang Fanpage Facebook khác tương tự, gồm: Quỹ bảo trợ trẻ em"; "Quỹ bảo trợ trẻ em Việt Nam", "Phật tại tâm", "Chia sẻ yêu thương", "Kết nối yêu thương”, "Quan thế âm Bồ tát" nhằm hỗ trợ cho hoạt động lừa đảo. Từ căn cứ thu thập được, ngày 26-4, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hà Nam đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự; khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam đối với Trần Văn Lâm về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Cảnh báo tình trạng lợi dụng mạng xã hội để trục lợi từ hoạt động từ thiện
Đó chỉ là một trong những vụ án lợi dụng mạng xã hội để trục lợi từ hoạt động từ thiện được Cục An ninh mạng và PCTP sử dụng công nghệ cao phối hợp với công an các địa phương phát hiện trong thời gian qua. Chỉ khác là trong vụ án này, thủ đoạn của Trần Văn Lâm tinh vi hơn khi sử dụng các bài báo viết về các hoàn cảnh khó khăn đã được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng để dẫn nguồn trên Fanpage Facebook, rồi xen cài số tài khoản ngân hàng tiếp nhận từ thiện do các đối tượng tự tạo lập quản lý…
Trước đó, đầu năm 2021, Cục An ninh mạng và PCTP sử dụng công nghệ cao phối hợp với Công an tỉnh Lâm Đồng đã phát hiện một vụ án với thủ đoạn tương tự. Trong vụ án này, nhóm lừa đảo lập fanpage "Chia sẻ vì người nghèo", đăng tải nhiều hình ảnh về các bệnh nhân hiểm nghèo, trường hợp thương tâm, làm lay động lòng người… từ đó chiếm đoạt của các nhà hảo tâm 600 triệu đồng. Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Lâm Đồng đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Đào Bá Lộc (SN 1993), Huỳnh Ngọc Phúc (SN 1995, cùng ngụ thị trấn D'ran, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng) và đang củng cố hồ sơ để khởi tố Đặng Viết Phương (SN 1990, ngụ xã Đông Hà, huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận).
Fanpage đối tượng sử dụng để lừa đảo |
Quá trình điều tra xác định, các đối tượng nhận tiền qua tài khoản của Phương rồi chia nhau cùng sử dụng. Chỉ trong thời gian ngắn, fanpage "Chia sẻ vì người nghèo" do nhóm lừa đảo này lập ra với trên 13.500 người theo dõi đã lừa đảo; chiếm đoạt tài sản của hàng nghìn người với tổng số tiền hơn 600 triệu đồng. Trong đó, có người ủng hộ từ 100.000 - 200.000 đồng; có nhiều người chuyển tiền ủng hộ lên tới 5 triệu đồng/lượt.
Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo Cục An ninh mạng và PCTP sử dụng công nghệ cao cho biết, người Việt Nam có truyền thống tốt đẹp "lá lành đùm lá rách" , "bầu ơi thương lấy bí cùng"…, đó là những nghĩa cử và hành động cao đẹp, đáng được nhân rộng. Song để tránh bị các đối tượng xấu lợi dụng, trục lợi bằng việc kêu gọi từ thiện thì mỗi người dân và các nhà hảo tâm cần tìm đến các địa chỉ tin cậy.
Cụ thể, phải tìm hiểu kỹ thông tin về người kêu gọi từ thiện và người cần được giúp đỡ bởi không phải mọi thông tin, hình ảnh đăng tải đều phản ánh đúng thực tế cũng như nhu cầu cần được trợ giúp, tránh để các đối tượng xấu lợi dụng để trục lợi. Nếu có nhu cầu làm từ thiện, nên tìm đến các chương trình từ thiện do Nhà nước, đoàn thể, quỹ xã hội, quỹ từ thiện được cơ quan có thẩm quyền cấp phép đứng ra tổ chức. Trường hợp có nghi ngờ về hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, cần báo cho cơ quan Công an để kịp thời xử lý.
Xuân MaiXem thêm: /213146-neiht-ut-iog-uek-egapnaF-pal-gnab-gnod-yt-7-taod-meihC/lopretnI-os-oH/nv.moc.dnac.gtna