1. Không khó hiểu khi đám ma ông Thành có cả hàng ngàn người khắp nơi đến viếng. Vì ngày còn sống, ông Thành nổi tiếng hòa đồng. Ông là Phó Chủ tịch huyện, nhưng ông vẫn hay ngồi lai rai với tốp người chạy xe ôm gần UBND huyện mỗi buổi chiều sau giờ hành chính. Có lúc người ta lại thấy ông ngồi chồm hổm trò chuyện với mấy phụ nữ bán rau bên hông chợ huyện. Ông niềm nở và dễ dàng trò chuyện với bất kỳ ai, dù là đứa trẻ bán vé số hay người thợ sửa xe máy...
Có nhiều người góp ý, giữ chức vụ lớn nhất nhì huyện như ông, không nên làm "mất giá" như thế. Ông cười, dù làm chức gì đi nữa, thì ông cũng là một người dân. Mà là cán bộ, thì càng cần gần gũi với người dân để hiểu được tâm tư nguyện vọng của bà con. Nghe những trải lòng của họ để tìm cách tháo gỡ, giúp người dân có cuộc sống tốt hơn.
Chẳng những hòa đồng, ông Thành còn thương người. Có lần vừa nhận lương được gần 7 triệu, ông đem tặng cả cho người công nhân làm đường chẳng may bị tai nạn. Trước khi dự lễ khai giảng ở trường nào ông cũng dò hỏi trước có bao nhiêu trường hợp học sinh khó khăn để kịp thời đề xuất huyện cấp học bổng, cũng như để ông chủ động chuẩn bị sẵn quà để trao tặng...
Đêm cuối trước ngày động quan, có gánh hát của đoàn lô tô Thiên Hường đến biểu diễn. Những ca sĩ nền nã trong những bộ áo dài cất lên những bài ca vọng cổ, cải lương... bên linh cữu ông Thành. Họ muốn hát cho ông Thành nghe những bài ca hay nhất như lời chào tạm biệt. Và cũng là cách để tri ân một người đã từng giúp họ vượt qua những năm tháng khó khăn cơ cực.
Minh họa: Lê Tiến Vượng |
Đêm đó, người nghe, ai nấy đều bật khóc. Bà Mai, vợ ông, ôm Hiền, đứa con độc nhất, khóc nghẹn. Hai mẹ con chỉ còn được ở bên ông Thành thêm một đêm nay...
2. Năm Hiền 7 tuổi, đoàn lô tô Bảo Nguyên lần đầu đến biểu diễn ở xã. Đó cũng là lần đầu tiên người dân ở xã nghe đến cụm từ "bê đê", mà sau này, được đổi thành "người đồng tính".
Cả 5 đêm biểu diễn, đêm nào cũng ken đặc người dân đến xem. Một phần vì người dân ở quê lần đầu được nghe ca sĩ về hát, được nghe kêu lô tô, được xem những màn ảo thuật, múa lửa, được chơi những trò chơi trúng thưởng... Và một phần vì đến để xem những "ca sĩ" vừa giống con trai lại vừa giống con gái.
Nhà ông Thành sát sân vận động. Sân khấu của đoàn lô tô dựng trước nhà ông. Hàng ngày, mỗi khi nấu ăn thiếu muối, mắm, hay những lúc cần cái rựa, cái dao... thành viên trong đoàn lô tô đều ghé nhà ông Thành mượn. Nhiều đêm sát giờ biểu diễn, người dân bu chật khắp khu vực thay đồ vì sự tò mò và hiếu kỳ, các ca sĩ cũng cậy nhờ nhà ông Thành.
Vợ chồng ông Thành thương người, nên chẳng bao giờ từ chối. Có đêm, bà Mai còn nấu cháo đãi cả đoàn ăn. Có lần, cả đám thanh niên trong xã đi theo ca sĩ để xem "là con trai hay con gái", "bên trong có giống như tụi mình không"..., ca sĩ tháo chạy vào phía nhà ông Thành mong thoát thân. Ông Thành phải đứng ra giải vây, khuyên mọi người "đừng nên xăm soi, tội họ, họ cũng là con người".
Đợt đó, Hiền cũng thân thiết với mọi người trong đoàn lô tô. Mỗi lúc rảnh, Hiền hay chạy vào gian hàng trò chơi thảy banh vào chậu để phụ việc. Mỗi đêm Hiền được cho 20 ngàn đồng.
Có đêm nọ, Hiền thấy khách chơi liên tục thảy banh vào chậu thành công, nhận thưởng liên tục nên sinh nghi. Hiền cầm banh, thấy mềm. Hiền chỉ tay dằn mặt khách: "Đừng chơi gian như thế. Đừng lấy kim chích lủng banh nữa. Làm banh mềm thì thảy cả trăm quả cũng sẽ vào chậu cả trăm quả".
Đêm đó, khi đoàn lô tô tắt đèn, chú Tài, chủ gian hàng than thở lỗ gần 4 triệu đồng. Vì khách mua vé mỗi lượt chơi chỉ 3 ngàn đồng, nhưng toàn thảy trúng những chậu tương ứng các giải thưởng giá trị cao như: nồi cơm điện, bàn ủi, quạt... Chú Tài ta thán vừa phải lo mượn tiền đóng cho chủ đoàn 400 ngàn. Vì nếu không đóng hoặc chậm đóng phải trả thêm tiền lãi kèm theo việc bị chửi rủa, thậm chí có thể bị đuổi khỏi đoàn. Chú Tài lại buồn xo, rầu rĩ ngày mai chẳng biết lấy tiền ở đâu để mua đồ đạc về làm giải thưởng...
Nhìn chú Tài thở dài, Hiền an ủi: "Đêm nay cháu không lấy tiền. Mấy đêm sau cũng vậy. Chú đừng buồn nữa. Cháu không để người ta ăn gian nữa đâu. Cháu sẽ nói cha mở một đoàn lô tô khác, xin cho chú về làm, không phải đóng tiền hàng đêm. Nếu cha không mở. Sau này lớn lên cháu có tiền cháu sẽ mở".
Ngày cả đoàn lô tô dọn dẹp đồ đạc để rời đi để qua xã khác, Hiền khóc cả buổi. Ai dỗ cũng chẳng nín. Hiền ôm từng người như để níu kéo. Rồi Hiền nài nỉ mọi người ở lại, nếu không có gì ăn thì sẽ nói cha mẹ nấu cơm nấu cháo cho ăn, sẽ xin cha mẹ tiền cho từng người... Tiếng khóc nấc vang vọng cả sân vận động. Ai nấy đều cảm thấy thương cho đứa bé 7 tuổi đầy tình người.
Nhưng xe vẫn phải lăn bánh. Ông Thành với bà Mai ôm Hiền, vỗ về: "Mấy cô chú đi rồi ít hôm mấy cô chú sẽ trở lại"... Lúc bóng xe khuất hẳn, Hiền vẫn khóc. Hiền nói với ông Thành: "Sao con thấy mấy cô chú ấy cực khổ quá vậy cha". Ông Thành ôm con: "Ừ, cuộc đời của họ là vậy. Nay đây mai đó, sống lây lất qua ngày".
3. Nhận được tin nhắn Zalo của Hiền, bà Mai muốn gục ngã. Vậy là sau nhiều lần có ý định bỏ công việc để đi theo đoàn lô tô, thì nay Hiền đã đi thật.
Khi đang học lớp 11, Hiền bị khối u trong cơ thể. Sau nhiều lần xạ trị, suốt cả ba năm dài đằng đẵng, tiếp nhận hàng trăm thứ thuốc, Hiền chẳng còn tâm trạng để tiếp tục việc học. Ông Thành và bà Mai quyết định cho con nghỉ học, mở quán cháo vịt ở thị xã để Hiền quản lý.
Có lần bà Mai lên thăm Hiền sau mấy tháng trời không gặp, cũng là để xem tình hình kinh doanh của con, bà Mai như đứng hình khi thấy Hiền, đứa con trai độc nhất của mình trở nên nữ tính. Hiền xăm môi. Hiền vẽ lông mày đậm. Dáng đi chẳng còn cứng cáp. Những cử chỉ tay chân không còn giống như trước đây...
- "Con như thế này từ khi nào?", bà Mai ôm chặt Hiền rồi òa khóc.
- "Con không biết nữa. Mẹ tha lỗi cho con!", Hiền bấu chặt vào người bà Mai.
- "Giờ mẹ phải làm gì đây hả Hiền?", bà Mai cảm giác như trời đất chao đảo.
- "Hãy cho con được sống là chính con đi mẹ. Nhưng mẹ giấu kín chứ đừng nói cha biết. Cha giết con mất", Hiền nài nỉ.
- "Không thể nào. Không thể nào. Không thể nào. Hiền ơi là Hiền", bà Mai nhắm chặt mắt, thở từng hơi nặng nề.
Hiền chẳng biết nói gì nữa. Bà Mai cũng vậy. Cả hai chỉ khóc. Nước mắt hai mẹ con cứ rơi, rơi mãi...
Bình tâm lại, Hiền kể hai năm trước, Hiền cảm thấy cơ thể khác lạ. Chẳng còn có xúc cảm với người khác giới. Hiền có cảm giác với những diễn viên nam trong phim. Hiền thích được ngắm nhìn cơ thể vạm vỡ của người cùng phái. Hiền cảm thấy khó chịu khi nghe các dì các cô mai mối, giới thiệu về những người con gái. Hiền dễ đồng cảm với những bộ phim ủy mị. Mà mỗi lần xem, Hiền đều bật khóc. Hiền hay mường tượng có được diện mạo giống như các ca sĩ trong đoàn lô tô, được trang điểm bắt mắt, được mang guốc cao, được xúng xính trong những bộ váy hay áo dài điệu đà...
Nghe từng lời Hiền trải lòng, bà Mai cảm giác như có những mũi dao nhọn đang đâm chặt vào tim bà...
Bà Mai nhắn lại:
- "Con giữ gìn sức khỏe thật tốt nhé. Mẹ luôn thương yêu con. Nhớ liên lạc với mẹ thường xuyên".
- "Dạ mẹ!".
- "Đoàn còn những người lúc trước không con?".
- "Dạ còn nhiều. Mà mọi người già đi nhiều rồi".
- "Ừ, cũng lâu lắm rồi. Cho mẹ gởi lời thăm mọi người".
- "Dạ. Mà mẹ nhớ giấu cha. Chứ cha biết cha sốc, tội cha".
4. Hiền lụi cụi chỉnh trang váy áo, dậm thêm miếng son trên môi để ra sân khấu. Giờ xổ lô tô sắp sửa bắt đầu. Lại thêm một đêm đông khách. Hiền là một trong những ca sĩ được yêu thích nhất của đoàn lô tô, bởi vừa hát hay lại có nhan sắc. Hàng ngày, mỗi lần đi ngang chợ, người dân lại chỉ tay về Hiền rồi tấm tắc khen: "Ca sĩ Lệ Hiền kìa!"...
Nghe giới thiệu của người dẫn chương trình, Hiền lật đật mang guốc chạy ra. Nhưng cũng là lúc ông Thành vừa vào đến cửa phòng.
- "Đừng như thế này nữa. Hãy là một thằng con trai! Đừng để mẹ con phải khổ sở. Mẹ đã đau đớn đến tận cùng rồi", ông Thành gằn giọng.
- "Con xin cha. Con không thể. Con không thể nào. Con xin cha hãy hiểu cho con", Hiền quỳ xuống.
- "Không là không. Cởi bỏ hết đống đồ đó ra. Bôi sạch cái mặt đi. Về nhà. Nhanh!".
- "Con xin cha. Con không thể. Hãy hiểu cho con đi cha ơi. Con không thể sống khác được. Con xin được sống như hiện tại".
Ông Thành không nói thêm lời nào. Dùng hết sức nắm chặt tay Hiền kéo đi. Ông đẩy đứa con trai vào dãy ghế sau. Đóng chặt hai cửa xe. Ông Thành ôm vô lăng, đề xe, lái đi, rồi bật khóc. Tiếng khóc xé toạc màn đêm tối. Đó cũng là lần đầu tiên trong cuộc đời, sau 22 năm, Hiền thấy cha mình khóc. Khóc suốt cả quãng đường dài 200 cây số, từ điểm diễn của đoàn lô tô về đến nhà.
5. Lâu lắm rồi cả gia đình mới có cơ hội ăn cơm cùng nhau. Nhưng Hiền chỉ biết cúi mặt.
- "Con muốn làm gì thì làm. Nếu con muốn đi theo đoàn lô tô, cứ đi. Cha không cấm đoán con thêm một lần nào nữa", ông Thành bỏ đũa, nói trong bữa ăn.
Hiền ngước mặt nhìn cha, nhìn mẹ, không hiểu gì.
- "Nếu muốn theo đoàn lô tô, thì ăn xong con dọn đồ rồi đi. Cha cho phép", bà Mai giải thích khi nhìn thấy ánh mắt ngạc nhiên từ Hiền.
- "Cha cho phép?", Hiền vẫn chưa tin những gì vừa nghe.
- "Ừ!", ông Thành với bà Mai cất giọng cùng lúc.
Hiền ra đường, chờ xe khách đến. Ông Thành mắt đỏ hoe. Bà Mai thì nghẹn ngào. Nhưng cả hai đều cố gắng nén cảm xúc để chào lại đứa con trai. Hai vợ chồng ông Thành biết rằng, đã đến lúc phải chấp nhận sự thật là từ nay, đứa con trai duy nhất ấy, sẽ là đứa con gái. Đứa con trai Huỳnh Văn Hiền của ông bà đã là nữ ca sĩ Lệ Hiền.
Suốt quãng đường dài từ nhà quay lại điểm đóng đô của đoàn lô tô, Hiền vẫn chẳng hiểu vì sao cha lại thay đổi ý định một cách chóng vánh như thế. Vì mới đêm qua, cha còn muốn Hiền tiếp tục kinh doanh, để có cuộc sống ổn định, thay vì cuộc sống vất vưởng nay đây mai đó để hát lô tô. Cha còn muốn Hiền phải là một đứa con trai bình thường, có vợ, sinh con để nối dõi tông đường... Hiền thật sự không thể lý giải. Những thắc mắc bủa vây liên tục trong tâm trí...
6. Bà Mai cảm giác chưa bao giờ không khí ảm đạm và ngột ngạt lại bao trùm căn nhà như lần này. Bà chẳng bao giờ có thể nghĩ bi kịch lại đổ dồn vào gia đình bà như vậy. Con trai vừa tìm lại được sự sống, vừa được đưa về nhà sau ba năm nằm viện, thì giờ lại phải đón nhận thêm hung tin khác, mà với bà Mai, hung tin lần này kinh khủng hơn, đau đớn hơn.
- "Tại sao? Tại sao anh lại như thế? Anh biết anh là ai không? Là một ông Phó Chủ tịch huyện đó. Anh có nghĩ, khi người dân biết tin này, họ sẽ nghĩ gì về một ông Phó Chủ tịch huyện? Hả?", bà Mai nắm lấy cổ áo ông Thành hét lớn.
- "Anh biết phải trả lời như thế nào đây? Anh không biết. Anh không thể trả lời được. Anh không biết. Anh không biết", ông Thành ôm mặt, liên tục lắc đầu.
- "Nói lại cho em nghe! Anh có phải là như thế không? Có phải không?", bà Mai òa khóc.
Ông Thành gật đầu, giọng thở như đứt đoạn. Ông Thành lại ôm mặt, móc vội viên thuốc huyết áp trong túi áo...
7. Nghe mẹ thốt ra những lời gan ruột, tai Hiền như ù đi. Hiền như rối trí vì không hiểu những chuyện gì đang xảy ra. Hiền nắm chặt tay bà Mai, hỏi dồn.
- "Đúng vậy! Những gì con đang nghĩ là đúng. Nhưng mẹ chưa từng oán hận cha con", bà Mai trả lời.
- "Con không tin. Con không thể tin. Cha không thể như thế được", Hiền cắt ngang lời mẹ.
- "Con có thể không tin, nhưng đó là sự thật".
- "Vậy tại sao cha mẹ có thể yêu nhau, có thể sinh ra đứa con này hả mẹ. Tại sao?".
- "Con đọc lá thư cha viết để lại cho con đi! Con sẽ hiểu tất cả!".
"Hiền của cha! Ngày con đọc được thư này, cha đã về với đất rồi. Nhưng ở đâu, cha cũng yêu thương con!
Chắc con thắc mắc và luôn tự hỏi vì sao cha lại đồng ý chấp thuận cho phép con trong dung nhan như hiện tại đúng không? Là vì cha cũng như thế!
Cha và mẹ đã yêu thương nhau rất nhiều. Rồi con chào đời, đến với cha mẹ. Nhưng cuộc đời này vốn dĩ éo le, rất éo le và nhiều bất ngờ. Cha không biết từ khi nào, cha đã trở thành một người đồng tính. Cha không biết nguyên nhân. Cha không thể nào lý giải được những biến chuyển của cơ thể mình. Cha không thể và không có cách để thay đổi những sự thật hiển hiện trong người cha.
Ngày cha thú thật với mẹ con, đó là ngày mẹ con phải nhập viện cấp cứu suốt nửa tháng trời vì quá sốc và không thể tin vào sự thật. Đó cũng là giai đoạn con thập tử nhất sinh năm con học lớp 11. Mẹ đã chấp nhận sự thật đau đớn, có một người chồng là người đồng tính, để cùng nhau chăm sóc con nên người. Từ khoảnh khắc đó, tình yêu của cha mẹ đã trở thành tình thương. Sống cùng nhau như vợ chồng, ai nhìn vào sẽ nghĩ rằng cha mẹ hạnh phúc lắm. Nhưng không, cha là một người đồng tính.
Cha đã làm mẹ khổ. Dẫu cha không muốn vậy. Cha từng muốn ly hôn để mẹ được giải thoát. Cha từng muốn tạo nên những câu chuyện kinh khủng, để mẹ cảm thấy ghê tởm, để mẹ tự bỏ cha mà đi... Nhưng cha không làm được, khi hàng ngày mẹ vẫn thương hai cha con mình hết mực. Mẹ đã hi sinh cả đời này vì cha con mình! Và ngoài việc là một người đồng tính, thì cha chưa bao giờ làm điều gì có lỗi với mẹ con, dẫu chỉ một lần.
Hiền của cha! Sở dĩ cha chẳng muốn con theo đoàn lô tô, vì cha không muốn con kham khổ. Nhưng rồi cha chợt hiểu ra rằng, điều hạnh phúc nhất của cuộc đời này, không phải là có cuộc sống đủ đầy, giàu có, mà được sống là chính mình. Mẹ con đã chấp thuận cho cha được là chính mình, nên không có lý do gì cha cản trở con sống theo chính mình. Hãy nhớ rằng, cuộc đời này, không quan trọng ở giới tính, dù là con trai, con gái, hay là một người đồng tính đi chăng nữa, thì điều cần nhất là phải sống tốt. Con sống tốt con nhé!
Cha tin, rồi một ngày không xa, xã hội sẽ chấp nhận, mở lòng với những người đồng tính như cha và con. Con nhớ chăm sóc mẹ thay cha! Cha có tặng lại con hai món quà. Hãy hỏi mẹ chú Tài để nhận.
Cha thương con vô bờ!".
Bà Mai kể: "Đó là khoản tiền 500 triệu cha bỏ sổ tiết kiệm. Cha nói nếu con muốn phẫu thuật chuyển giới, hãy sử dụng số tiền này. Đừng lo nghĩ gì nữa, con gái của mẹ". Hai mẹ con ôm chặt lấy nhau.
Chú Tài vỗ vai Hiền rồi nói: "Từ nay, cháu là ông chủ của đoàn lô tô Thiên Hường. Ngày biết cháu quyết định sẽ gắn cuộc đời theo đoàn lô tô để mưu sinh khắp chốn, cha con đã thương lượng với chủ cũ để mua lại đoàn lô tô Bảo Nguyên. Nhờ vậy, cả đoàn đỡ chật vật hơn so với ngày trước. Rồi ông thay tên đổi họ, đặt tên là Thiên Hường, nghĩa là "Thương Hiền". Ông ấy thương cháu nhiều lắm".
8. Đêm nay, Hiền sẽ hát cho cha nghe thật nhiều, với những ca khúc hay nhất...
Truyện ngắn của Nguyễn Xuân PhươngXem thêm: /629046-gnouH-neihT-ot-ol-naoD/neyurT/nv.moc.dnac.acnv